Trong phiên giao dịch ngày 8/8, vàng giao ngay tăng 0,3% lên 2.389,42 USD/ounce. Giá vàng tương lai giảm 0,2% xuống còn 2.428,4 USD/ounce.
Kelvin Wong - nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA khu vực châu Á - Thái Bình Dương - cho biết có hai yếu tố cơ bản dài hạn làm biến động giá vàng, bao gồm: Căng thẳng chính trị ở Trung Đông và xu hướng giảm lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.
Các công ty môi giới bao gồm JP Morgan, Citigroup và Wells Fargo dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 9, sau báo cáo việc làm đáng ngạc nhiên vào tuần trước. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không sinh lời.
Giá vàng thế giới biến động do tình hình chính trị ở Trung Đông. |
Hiện thị trường tập trung vào dữ liệu ban đầu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ, trong khi Tom Barkin - Chủ tịch Fed Richmond - dự kiến có bài phát biểu vào cuối ngày nói về khả năng cắt giảm lãi suất.
Peter Fung - Giám đốc giao dịch tại Wing Fung Precious Metals - cho biết: “Trong thời gian tới, tôi nghĩ thị trường ổn định quanh mức 2.350 USD và tiến tới mức 2.500 USD vào cuối năm nay”.
Giá bạc tăng gần 1% lên 26,84 USD/ounce, bạch kim tăng 0,1% lên 920,4 USD và palladium tăng 1,2% lên 892,75 USD. Gần đây, Impala Platinum đã báo cáo khoản lỗ 1 tỷ USD do giá kim loại lao dốc.
Về thị trường nhiên liệu, giá dầu thô Brent giảm 25 cent, tương đương 0,3%, xuống 78,08 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ giảm 13 cent, tương đương 0,3%, xuống 75,10 USD. Giá dầu giảm trong phiên giao dịch đầy biến động, nhiều khả năng chấm dứt chuỗi tăng giá do rủi ro nguồn cung gia tăng trong bối cảnh căng thẳng âm ỉ ở Trung Đông.