Trong phiên giao dịch, chỉ số Nikkei tăng 2,3%. Một ngày trước, mã N225 tăng 10%. Mức tăng 12,3% sau ba ngày cho thấy Nikkei đảo ngược tình hình.
Trong ngày 5/8, Nikkei giảm sốc 13%, mức giảm mạnh nhất sau 37 năm, kể từ ngày thứ Hai đen tối khiến thị trường chứng khoán toàn cầu sụp đổ. Tình hình hiện tại cho thấy nhà đầu tư đang tìm cách trở lại thị trường chứng khoán sau đợt bán tháo ồ ạt.
Hamilton Reiner - giám đốc bộ phận phái sinh Mỹ tại JPMorgan Asset Management - tin rằng cổ phiếu Nhật Bản sẽ phục hồi sau mức giảm 13% nhờ các cải cách từ doanh nghiệp.
"Với diễn biến hiện tại, chúng ta nên xem đó là cơ hội thay vì sợ hãi", Hamilton Reiner nhận định.
Cổ phiếu châu Á tăng trưởng sau cú sốc lao dốc ngày 5/8. |
Các nhà phân tích tại JPMorgan cho biết đợt bán tháo cổ phiếu Nhật Bản sớm kết thúc. Số khác cho rằng tình trạng giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yên sớm được giải quyết. Sự sụp đổ của giao dịch chênh lệch tỷ giá đồng yên - nơi các nhà đầu tư vay đồng yên với lãi suất thấp để mua tài sản có lợi nhuận cao hơn - là lý do thúc đẩy đợt bán tháo cổ phiếu.
Chỉ số MSCI rộng nhất của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản (.MIAPJ0000PUS) tăng 1,4%. Cổ phiếu Hàn Quốc (.KS11) tăng thêm 2,5% trong khi Đài Loan, Trung Quốc tăng vọt 3,4%.
Chỉ số blue chip của Trung Quốc tăng 0,2%, Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 1%, sau khi dữ liệu cho thấy lượng nhập khẩu của nước này trong tháng 7 tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa dự kiến. Đây là dấu hiệu tích cực cho nhu cầu trong nước, mặc dù tăng trưởng xuất khẩu chậm lại.
Sau khi Phố Wall phục hồi, hợp đồng tương lai Nasdaq tăng vọt 1%. Trong khi đó, công ty AI đang được chú ý Super Micro Computer giảm 12%, sau khi thu nhập không như kỳ vọng. Hợp đồng tương lai S&P 500 cũng tăng 0,8% trong khi hợp đồng tương lai EUROSTOXX 50 tăng 1,2%.
Do nhu cầu về nơi trú ẩn an toàn giảm, lợi suất trái phiếu kho bạc tăng nhẹ trong phiên thứ hai. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên 3,9127%. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm tăng trở lại lên 4,0183%, vực dậy từ mức 3,654%. Thị trường có nhiều thay đổi khi giới đầu tư giảm bớt kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất khẩn cấp trong cuộc họp nội bộ.
Hiện, nỗi lo về cuộc suy thoái diễn ra tại Mỹ đã giảm bớt, sau khi dữ liệu cho thấy kinh tế Mỹ ổn định trong quý. GDP của Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 2,9%. Đây cũng là một trong những lý do để thị trường chứng khoán toàn cầu dần ổn định.