Ngày 15/8, vàng giao ngay giao dịch ở mức 2.449,60 USD/ounce. GIá vàng tăng nhẹ, không đáng kể sau khi giảm mạnh đến 1% trong phiên trước đó.
Giá vàng tương lai cũng giảm 1,1%, xuống còn 2.479,7 USD/ounce.
Theo Tai Wong - chuyên gia đầu tư vàng tại Mỹ - cho biết thị trường vàng chịu tác động mạnh sau khi dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng Mỹ phục hồi, làm giảm kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Cục Thống kê Lao động của Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,2% vào tháng trước, sau khi giảm 0,1% vào tháng 6. Trong 12 tháng tính đến tháng 7, CPI tăng 2,9%, sau khi tăng 3% vào tháng 6.
Chỉ số tiêu dùng Mỹ phục hồi khiến giới đầu tư bớt kỳ vọng vào việc Fed cắt giảm lãi suất. |
Theo công cụ FedWatch của CME, khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 9 chỉ còn 36%, giảm mạnh so với dự đoán 50% trước khi Mỹ công bố dữ liệu CPI.
Phillip Streible - chiến lược gia thị trường trưởng tại Blue Line Futures - cho biết: "Dự đoán về việc cắt giảm lãi suất hướng đến khả năng Fed chỉ cắt giảm 25 điểm cơ bản. Điều đó làm giảm bớt động lực của thị trường vàng".
Trong khi đó, Ben Hoff - Giám đốc chiến lược tại Societe Generale - cho rằng căng thẳng chính trị leo thang khả năng cao thúc đẩy giá vàng. Tính từ đầu năm, giá vàng tăng đến 19%, đạt mức cao kỷ lục 2.483,6 USD/ounce vào ngày 17/7.
Giá bạc giao ngay giảm 2,1% xuống 27,26 USD/ounce, giá bạch kim giảm 1,3% xuống 923,95 USD. Giá palladium giảm 1,2% xuống 927,25 USD.
Về thị trường nhiên liệu, giá dầu thô Brent tương lai tăng 17 cent, tương đương 0,21%, lên 79,93 USD/thùng. Giá dầu thô West Texas Intermediate của Mỹ tăng 21 cent, tương đương 0,27%, lên 77,19 USD/thùng.
Giá hai loại dầu giảm hơn 1% trong phiên giao dịch trước sau khi lượng dầu thô dự trữ của Mỹ tăng bất ngờ, đi kèm là diễn biến chính trị ở Trung Đông.