Gia tăng trẻ bị bạo lực tinh thần

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhân viên tư vấn Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111- Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho hay, trong và sau đại dịch COVID-19, nhiều trẻ em gọi điện phản ánh, chia sẻ với các nhân viên tổng đài về tình trạng bị người thân bạo lực tinh thần.

Theo bà Vũ Kim Nga, nhân viên Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, số liệu thống kê của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, kể từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19 đến nay số lượng trẻ gọi điện đến không gia tăng nhưng nội dung cuộc gọi đã nảy sinh nhiều vấn đề mới. Cụ thể, trước đại dịch trẻ gặp ít sang chấn tâm lý, ít trầm cảm hơn nhưng trong và sau dịch nhiều trẻ đã gọi chia sẻ tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, trầm cảm. Nguyên nhân có thể do trẻ ở nhà quá nhiều, dẫn đến bí bách cộng thêm mâu thuẫn khó giải quyết trong các mối quan hệ với bố mẹ, người thân.

Gia tăng trẻ bị bạo lực tinh thần ảnh 1

Bà Vũ Kim Nga, nhân viên Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

Bà Nga cho rằng, tất cả các cuộc gọi đến đều được chuyên viên lắng nghe, chia sẻ và có giải pháp hỗ trợ khi cần thiết. Khi các em đã tìm đến chuyên gia tức là đã có những ấm ức cần được giải tỏa. Tuy nhiên có những cuộc gọi khiến mình rất trăn trở. Ví dụ có một em chia sẻ rằng, em ở với bố, không bị đánh đập nhưng bị bạo hành tinh thần. Hằng ngày, qua những lời nói, mắng mỏ ông đã khiến em rất tổn thương.

"Trong câu chuyện này, chúng tôi cũng hiểu ra, cả người bố và con đều là “nạn nhân” của dịch COVID-19 do ở nhà quá lâu. Em này sau đó đã nhờ tổng đài có giải pháp hỗ trợ can thiệp. Đa số các trường hợp gọi đến tổng đài để chia sẻ, cần lời tư vấn của chuyên gia gỡ rối", bà nói

Cũng có trường hợp khẩn cấp trẻ không tự giải quyết được vấn đề của mình, đã yêu cầu trợ giúp. Khi đó, đơn vị kết nối với chính quyền địa phương để đến làm việc với gia đình, can thiệp kịp thời các nguy cơ có thể xảy ra.

Điều đáng nói, thời gian gần đây, đơn vị nhận được nhiều cuộc gọi liên quan đến việc trẻ em bị bố mẹ bạo hành tinh thần. Trẻ cho rằng, phụ huynh không thấu hiểu con cái dẫn đến chửi mắng, sử dụng những từ ngữ khiến con tổn thương. Tình trạng này gia tăng ở học sinh ở bậc THCS – THPT.

Bà Nga cũng cho biết thêm, tổng đài cũng đã tiếp nhận điện thoại của nhiều phụ huynh, họ than phiền ngày càng không hiểu con muốn gì, đặc biệt là con trong độ tuổi dậy thì. Qua câu chuyện chia sẻ chúng tôi thấy rằng, không ít người đang áp dụng cách mình được giáo dục từ xưa để dạy trẻ, không đặt mình ở độ tuổi của con để suy nghĩ trong khi các em ngày nay có sự nhạy cảm hơn.

Tôi cho rằng, không ai khác, chính bố mẹ cần thay đổi cách tiếp cận, trở thành những người bạn thay vì áp đặt con phải thế này, thế kia trong cuộc sống thường ngày cũng như khi quyết định việc quan trọng. Vai trò của giáo viên cũng tác động rất lớn đến tâm lý của các em. Một số học sinh nói rằng, ở nhà chịu áp lực từ cha mẹ, đến trường lại lo lắng, áp lực từ một số thầy cô.

Áp lực là điều luôn có trong cuộc sống để các em nỗ lực vươn lên nhưng điều quan trọng là khi gặp chuyện, các em biết tìm đến ai để chia sẻ, giãi bày và có được sự hỗ trợ khi cần thiết. Hiện nay có rất nhiều kênh để hỗ trợ trẻ tuy nhiên các em có biết, tiếp cận hay không lại là chuyện khác. "Ví dụ, nhấc máy lên và gọi 111, đó cũng là một kênh tư vấn miễn phí, hỗ trợ các em gặp vấn đề hoạt động 24/24. Tất cả các cuộc gọi đều được bảo mật thông tin", bà Nga nói.

Hội đồng đội T.Ư phối hợp Báo Tiền Phong, Sở GD&ĐT Hà Nội, UBND quận Ba Đình tổ chức diễn đàn “Điều em muốn nói” vào lúc 7 giờ 30 sáng ngày mai (17/5) tại Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội).

Diễn đàn lần đầu tiên tổ chức có sự tham gia của khoảng 1.000 học sinh THCS, các chuyên gia, diễn giả, nhà quản lý giáo dục.

Khách mời là lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Lãnh đạo UBND TP Hà Nội, đại diện Cục bảo vệ trẻ em – Bộ Lao động thương binh và xã hội, Đại diện tổng đài 111, Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nghệ sĩ Xuân Bắc, TS – chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam, Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà… hứa hẹn mang đến những câu chuyện thực tế bất ngờ, lý thú cũng như cùng lắng nghe, chia sẻ những nỗi niềm sâu kín, áp lực trên con đường học tập, cuộc sống của các em học sinh.

Trân trọng kính mời các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, các em học sinh… đặt câu hỏi, chia sẻ chuyện “khó nói” của mình với các nhà quản lý, chuyên gia, diễn giả của Diễn đàn để được gỡ rối cũng như có giải pháp đồng hành, hỗ trợ lâu dài các em trên con đường học tập, trưởng thành.

Câu hỏi xin được gửi về địa chỉ email: nguyenha49@gmail.com hoặc số điện thoại PV Nguyễn Hà: 0988018827. Ban Tổ chức sẽ tổng hợp và trao đổi, chia sẻ tại Diễn đàn.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.