Giá sách giáo khoa cao vì bán... 'bia kèm lạc'?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sách giáo khoa chỉ có chừng đó nhưng sách tham khảo cả một tập dày. Như vậy, hỏi sao giá sách không cao?

"Theo dõi việc chọn SGK ở một số địa phương thời gian qua, cho thấy, một số địa phương đã để xảy ra kẽ hở dễ bị lợi dụng để thị trường SGK có nguy cơ quay trở lại độc quyền, một mình một chợ", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh tại buổi toạ đàm về xã hội hoá SGK ngày 3/11.

Có nơi, cả tỉnh chỉ chọn 1 bộ sách

Bà Thuý khẳng định, chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK là hết sức đúng đắn, mang tính đột phá, chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế xã hội hóa, nhằm khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực xã hội có hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu của phát triển.

Giá sách giáo khoa cao vì bán... 'bia kèm lạc'? ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy.

Tuy nhiên, việc xã hội hoá gặp nhiều khó khăn bởi khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, có nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên có một bộ SGK. Về chọn SGK, Nghị quyết 88 của Quốc hội giao cho các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn trong khi Luật Giáo dục quyết định giao việc đó cho UBND cấp tỉnh. Điều này ảnh hưởng phần nào đến việc được chọn một bộ sách ưng ý đối với giáo viên, học sinh của các cơ sở giáo dục phổ thông. Cũng chính vì lý do UBND cấp tỉnh quyết định chọn sách nên mới có tình trạng, cả tỉnh chỉ chọn 1 bộ sách.

Cần kiên định chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK nhưng cũng phải xem xét lại việc giao cho tỉnh/TP quyết định việc chọn sách. Theo dõi việc chọn SGK ở một số địa phương thời gian qua, cho thấy, có một số địa phương đã xảy ra những kẽ hở dễ bị lợi dụng để thị trường SGK có nguy cơ quay trở lại độc quyền, một mình một chợ. Mà đó mới là điều đáng quan tâm.

Về giá SGK cao, bà Thuý nói rằng, có hiện tượng “bán bia kèm lạc”. Bộ GD&ĐT nên điều chỉnh quy định cấm mua sách tham khảo mà nếu cấm thì cấm hình thức “bán bia kèm lạc”, tránh buộc học sinh phải mua sách tham khảo không thiết yếu. “Tôi có người bạn ở một tỉnh muốn mua 2 bộ sách cho con người nhà, một cháu lớp 1, một cháu lớp 6. Các cháu nói rằng nhà trường thông báo rồi, chỉ nộp tiền rồi nhận sách. Khi nhận bộ sách về, SGK chỉ có chừng đó nhưng sách tham khảo cả một tập dày. Như vậy, hỏi sao giá sách không cao?”, bà Thuý nói.

Tránh can thiệp trong lựa chọn SGK

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, liên quan đến việc lựa chọn SGK vấn đề là làm sao tránh bất cập, những can thiệp không xuất phát từ cơ sở. Sắp tới, đơn vị cũng có những kết luận để tránh tác động tiêu cực cũng như nghiên cứu để điều chỉnh Thông tư 25 trên tinh thần phải tôn trọng cơ sở, ý kiến giáo viên, học sinh, nhà trường chứ không phải từ cơ quan quản lý cấp trên.

Giá sách giáo khoa cao vì bán... 'bia kèm lạc'? ảnh 2

SGK mới với giá bán cao hơn sách hiện hành.

Ông Thưởng cũng nói thêm, theo Luật Giá hiện nay mặt hàng SGK là mặt hàng kê khai giá. Doanh nghiệp, các nhà xuất bản kê khai giá, Bộ Tài chính thẩm định, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính để đưa ra quan điểm của mình.

"Qua các lần kê khai giá của các nhà xuất bản so với các lần công bố đầu tiên, các bộ sách đều đã giảm từ 3- 9%. Hiện nay, chúng ta có khoảng 17.5 triệu học sinh là đối tượng sử dụng trực tiếp mặt hàng SGK. Qua nghiên cứu, bộ GD&ĐT đã phối hợp Bộ Tài chính tham mưu đề xuất với Chính phủ nghiên cứu đưa mặt hàng SGK do Nhà nước định giá", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng.

Tại Kỳ họp thứ Ba, Khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 63 quy định SGK là mặt hàng thuộc Nhà nước định giá. Bộ Tài chính đã trình dự thảo dự án sửa đổi này. Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu với Nhà nước có căn cứ quy định tiêu chuẩn định mức, định giá trần, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các nhà xuất bản nhằm mục tiêu cao nhất là hướng đến quyền lợi học sinh.

Ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) chia sẻ lý do SGK mới cao hơn sách cũ là do hiện nay nguyên vật liệu, công in, nhuận bút, chi phí tiếp thị, nhuận bút tác giả đều tăng lên.

Đặc biệt là giá thành vật tư in ấn tăng lên rất nhiều. Ngay cả giấy sản xuất trong nước cũng đã tăng lên từ 25-30%.

Ngoài ra, khổ sách in cũng lớn hơn 1,3 lần so với sách cũ và in 4 màu với chất lượng cao. Nhiều phụ huynh có ý kiến có thể in sách nhỏ hơn, chỉ sử dụng 1 màu khi in... Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng 1 màu học sinh rất khó học.

Liên quan đến SGK giá cao, TS. Vũ Thu Hương, Chuyên gia Giáo dục độc lập chia sẻ quan điểm, Nhà nước nên định bán SGK. Bởi trên thực tế, với một nội dung do cùng một tác giả viết nhưng khi những nhà xuất bản khác nhau in ấn sẽ có những giá bán khác nhau. Ngoài ra, khổ giấy hay những yêu cầu về thiết bị cũng sẽ có thể sẽ tác động đến giá sách. “Do đó, tôi mong muốn Nhà nước định giá SGK với những tiêu chí cụ thể, để từ đó có thể đáp ứng được điều kiện của hầu hết các gia đình”, TS Hương nói.

Tại buổi toạ đàm "Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hoá giáo dục" do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đã đánh giá chủ trương xã hội hoá, biên soạn, phát hành SGK là bước chuyển mình mạnh mẽ, xoá bỏ tình trạng độc quyền; huy động nguồn lực xã hội cùng làm sách đồng thời học sinh, giáo viên có quyền được tự lựa chọn SGK phù hợp.

MỚI - NÓNG