Nghi ngờ quy trình biên soạn SGK mới, nhóm tác giả kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

0:00 / 0:00
0:00
Hai bản mẫu SGK Mĩ thuật lớp 3 của NXBGDVN. (ảnh: Hà Linh)
Hai bản mẫu SGK Mĩ thuật lớp 3 của NXBGDVN. (ảnh: Hà Linh)
TPO - Nhóm tác giả bộ sách giáo khoa Mĩ Thuật (Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam) cho biết đã có thư gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn vì cho rằng có những khuất tất phía sau việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) mới.

Nhóm tác giả Th.s Nguyễn Thị Nhung (ĐH Sư phạm Nghệ thuật T.Ư) tham gia biên soạn SGK cho NXB giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) cho biết, đầu tháng 8/2021 đã có thư gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và các Vụ chức năng về những vấn đề bất cập trong biên soạn sách mới.

Cụ thể, năm 2019, NXB Giáo dục Việt Nam có 4 bộ SGK lớp 1, trong đó có cuốn Mĩ thuật 1 thuộc bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục của nhóm tác giả Nguyễn Thị Nhung.

Năm 2020, nhóm tác giả tiếp tục biên soạn SGK Mĩ thuật lớp 2 tuy nhiên, ngay trước thời điểm nộp bản mẫu SGK để thẩm định Quốc gia, NXBGDVN đưa ra chủ trương hợp nhất 4 bộ sách thành 2 bộ sách (lớp 2 và lớp 6 với lý do, tập trung nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả để tổ chức các bộ sách có chất lượng cao về nội dung và hình thức, hợp lí về giá thành).

Nhóm tác giả đã hoàn thiện bản thảo nộp trình thẩm định Bộ GD&ĐT bản mẫu SGK Mĩ thuật. Tuy nhiên, sau khi Bộ 1 và Bộ 2 được Hội đồng thẩm định Quốc gia thông qua 2 vòng, NXBGDVN lại yêu cầu đổi tên Bộ 1 là bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Bộ 2 là bộ Chân trời sáng tạo dẫn đến sự hiểu nhầm là 2 bộ sách Cùng học để phát triển năng lựcVì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục đã chết yểu, làm cho nhóm tác giả của 2 bộ sách này vô cùng thất vọng.

Làm rõ SGK thực nghiệm như thế nào?

Theo bà Nhung, điều bất ngờ nhất là đến ngày 11/7/2021, khi kiểm tra và kí bản mẫu SGK Mĩ thuật lớp 3 và lớp 7 để nộp Hội đồng thẩm định cấp quốc gia các tác giả vô cùng hoang mang khi phát hiện NXBGDVN có tới 2 bản sách ở các môn Mĩ thuật 3, Mĩ thuật 7 đều thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo (trong đó 1 của nhóm tác giả Nguyễn Thị Nhung; 1 sách của nhóm tác giả Nguyễn Thị May) dù trước đó, bà Nhung được phân công vai trò Tổng chủ biên bản sách môn Mĩ thuật 3 và 7 của bộ sách này. Nhóm đã có đơn kiến nghị NXBGDVN nhưng không được hồi đáp.

Liên quan đến SGK mới, ngày 19/5/2021, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh có Công văn gửi NXBGDVN đề nghị làm thêm một số bản mẫu môn Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm, Tin học do các tác giả TP HCM biên soạn trình Hội đồng thẩm định cấp Quốc gia.

Điều đáng nói, công văn của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh mới đề nghị ngày 19/5/2021 nhưng bản mẫu, hồ sơ thực nghiệm và các hồ sơ khác vẫn kịp hoàn thiện để thẩm định SGK. “Phải đặt câu hỏi về quy trình làm SGK của NXB từ viết đề cương, bản thảo, thực nghiệm trên thực tế ra sao?

Yêu cầu của việc thẩm định SGK trong đó có việc sách phải thực nghiệm thực tế ở các trường, các địa phương khác nhau từ đó phản ánh nội dung sách đúng và phù hợp với yêu cầu thực tế. Vậy nhưng, TP HCM có văn bản đề nghị 19/5 liệu hồ sơ thực nghiệm để trình có được làm thật hay không vì từ ngày 19/5 hầu hết các tỉnh trên cả nước đã cho học sinh nghỉ vì dịch COVID-19, nhóm tác giả này khó có thể thực hiện thực nghiệm để đủ hồ sơ trình thẩm định”, bà Nhung nói.

Nhóm tác giả đã kiến nghị Bộ trưởng vấn đề NXBGDVN phối hợp với Sở GD&ĐT TP HCM làm những đầu sách riêng mang tính địa phương, vùng miền như vậy liệu có phù hợp? Nhất là điều này còn đặt ra vấn đề, nếu các Sở GD&ĐT khác cũng đề nghị được làm một bộ sách riêng như vậy có chấp nhận được không?

Ngoài ra, nhóm tác giả cũng đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo, những năm tới nên để giáo viên được toàn quyền lựa chọn SGK vì họ là người đứng lớp, hiểu bộ sách nào hay, phù hợp tránh việc phải dạy bộ SGK mà họ không lựa chọn khi đã có quyết định của UBND tỉnh/ thành.

Được biết, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến, yêu cầu NXBGDVN báo cáo về việc này. Còn đại diện NXBGDVN cho biết, mới chỉ biết đến sự việc qua phản ánh của báo chí.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.