Già làng làm du lịch

Già Brôl biểu diễn đàn tại nhà
Già Brôl biểu diễn đàn tại nhà
TP - Thời trai trẻ xông pha đánh giặc, đến tuổi xế chiều, già Brôl Vẻ thích làm du lịch, thích dạy cho bọn trẻ biết nhiều bài hát, điệu khèn, tiếng sáo, cồng chiêng… để giữ gìn bản sắc văn hóa của người Jẻ - Triêng.

Giữ nét truyền thống

Đã qua tuổi 70 nhưng già Brôl Vẻ (làng Đắk Răng, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) trông trẻ trung, thân hình lực lưỡng. Đầu điểm bạc mà đôi mắt ông vẫn tinh anh, đôi tay thoăn thoắt, giọng hát mượt mà.

Già Brôl bảo: “Già hay đàn hay hát là vì quá đam mê, còn sống ngày nào thì vẫn đàn hát ngày đó. Già làm du lịch chỉ để nhiều người biết đến văn hóa của đồng bào Jẻ-Triêng hơn”.

Mỗi năm có hàng chục đoàn du lịch trong, ngoài nước ghé thăm làng Đắk Răng, và nhà Brôl Vẻ là một điểm đến quen thuộc. Trong căn nhà nhỏ, hàng chục vật dụng như: gùi, ché, nỏ, cồng chiêng, đàn, sáo… được ông trưng bày ngăn nắp. Hễ khách có nhu cầu, già Brôl biểu diễn phục vụ ngay tại nhà và dẫn khách đi tham quan khắp làng.

Không chỉ được nghe đàn, hát, du khách còn được ông hướng dẫn tận tình về đặc trưng từng loại hiện vật, nhạc cụ. Sáo Ta Lêh dùng để giữ rẫy khỏi thú rừng, chuột; khèn, bin-lang (đàn bầu) dùng trong các dịp hát giao duyên; cồng chiêng dùng trong lễ hội lớn… Ông đã chế tác được 13 nhạc cụ như đâl đo, ta lêh, ta lul, binpul, chà kịt, ang en, gar, bin ne… Mỗi loại đều phát ra âm sắc độc đáo.

Già Brôl nói: “Già sử dụng thành thạo được 15 loại nhạc cụ khác nhau. Khách du lịch đến đây thấy già biểu diễn ai cũng mê, nể phục. Để giữ gìn bản sắc, già đã mở nhiều lớp dạy chế tác nhạc cụ, thổi sáo, đánh chiêng… cho thanh niên trong làng theo học. Già đã 3 lần ra Hà Nội và 1 lần vào TPHCM để biểu diễn trong các lễ hội lớn”.

Mai một nhiều nét văn hóa

Già Brôl kể, năm 19 tuổi, ông đã biết chơi và chế tác các loại sáo; đàn, nhờ tài đàn hay, hát giỏi nên “tán gái” dễ dàng, được đi “ngủ thăm” với nhiều sơn nữ. Thời chiến tranh ác liệt, Brôl Vẻ tham gia cách mạng, đi bộ đội ở xã Đắk Pét, Đắk Sút (huyện Đắk Glêi, được giao nhiệm vụ vót chông, làm nỏ, rồi được đơn vị tin tưởng giao cầm súng AK và tham gia nhiều trận phục kích. Già Brôl luôn tự hào vì đã tự tay “bắn chết 3 thằng giặc”.

Già Brôl kể: “Hồi xưa, con gái trong làng đến tuổi 18 - 30 thì được gia đình dựng cho một căn nhà riêng, hằng đêm, nếu cô gái thích chàng trai nào thì hẹn hò nhau ở nhà rông của làng để tìm hiểu, rồi mời “ngủ thăm”. Ngủ thăm là nằm ôm nhau tâm sự, rồi… ngủ thôi chứ không làm gì. Nếu vi phạm sẽ bị làng phạt nặng, bắt phải nộp trâu, bò và bị vẩy máu heo lên người, giải xui cho làng”.

Giờ tục ngủ thăm không còn nữa, nhiều phong tục truyền thống khác cũng bị lãng quên. Lũ trẻ suốt ngày chỉ khoái tivi, điện thoại. “Tôi từng làm thôn đội trưởng, xã đội, phó bí thư và giờ là già làng, người có uy tín trong xã, nhưng lời nói của mình nhiều thanh niên vẫn không chịu nghe.

Chúng nó hay đánh nhau, nam nữ “ăn cơm trước kẻng” không còn là chuyện hiếm thấy. Nhiều phong tục của làng không còn nữa. Các bài hát Ret nig (đám cưới), A hay ơi (hát nhớ nhau), Tang brai (dệt vải)… chỉ còn vài người biết”, già Brôl chia sẻ.

Dù được nhận kỷ niệm chương vì có nhiều đóng góp cho văn hóa du lịch ở địa phương, nhưng già Brôl luôn bùi ngùi, trăn trở. “Giờ mình già rồi, chỉ muốn truyền dạy tất cả những gì mình biết, học được cho thế hệ trẻ. Lỡ mình không còn nữa thì buôn làng vẫn có người biết, truyền dạy lại cho mai sau”, già Brôl nói, ánh mắt xa xăm.

Chị Y Hồng, Phó Chủ tịch xã Đắk Dục, cho biết, trong xã giờ chỉ còn 2 nghệ nhân dân gian, trong đó ông Brôl Vẻ là người có nhiều đóng góp cho địa phương.

MỚI - NÓNG