Gia Lai: Sở Y tế 'bắt tay' bệnh viện đẩy giá thuốc, thao túng đấu thầu

Trụ sở Sở Y tế Gia Lai.
Trụ sở Sở Y tế Gia Lai.
TP - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây phát hiện hàng loạt sai phạm của Sở Y tế Gia Lai. Để rút ruột 67 tỷ đồng, Sở Y tế Gia Lai cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đã đẩy giá thuốc lên cao, thao túng kết quả đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế, làm sân sau cho doanh nghiệp (DN) trúng thầu trái quy định.

Mua chênh so với giá trị thực 37, 9 tỷ đồng

Việc kiểm toán của KTNN tập trung vào hoạt động mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc, vật tư y tế (VTYT), TTBYT và Đầu tư xây dựng cơ bản tại Sở Y tế và BVĐK tỉnh Gia Lai giai đoạn 2013 - 2015.

Đối với việc mua sắm TTBYT, Sở Y tế Gia Lai đã tổ chức cho mua sắm máy móc nhập khẩu với mức giá cao hơn dự toán. KTNN tính theo tiêu chí xây dựng dự toán, xây dựng giá gói thầu và căn cứ giá bán của nhà sản xuất , phát hiện số tiền chênh lệch lên đến 37,9 tỷ đồng.

Cụ thể, giá trị gói mua sắm TTBYT bệnh viện Tâm thần kinh, Sở Y tế Gia Lai mua với giá 16,7 tỷ đồng, tuy vậy KTNN xác định giá trị thực chỉ có 5,6 tỷ đồng, bị chênh hơn 11 tỷ đồng; Giá trị mua sắm thiết bị y tế bệnh viện huyện Chư Pứh được “kê” giá lên đến 22,1 tỷ đồng, trong khi giá trị chỉ là 9,5 tỷ đồng; 22,3 tỷ đồng là giá trị gói thầu mua sắm TTBYT bệnh viện Lao & Bệnh phổi mà Sở Y tế Gia Lai đặt mua, nhưng giá trị thực chỉ là 12,1 tỷ đồng; hoặc gói mua sắm máy thở do bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Gia Lai được nâng thành 10,1 tỷ đồng, trong khi giá chỉ có 6,5 tỷ đồng. Đây là số các gói nằm trong 7 gói thầu của nguồn vốn đầu tư phát triển. Cả 7 gói thầu đều bị nâng khống giá trị.

Mua vật tư y tế không cần quan tâm nguồn gốc

Tại BVĐK tỉnh Gia Lai, Giám đốc Phạm Bá Mỹ đã chỉ đạo mua sắm TTBYT nhập khẩu, hóa chất y tế nhập khẩu và VTYT cao hơn giá trị thực, làm thất thoát hơn 18,7 tỷ đồng. Chỉ với 14 mặt hàng mua năm 2015 được BVĐK báo giá 5,8 tỷ đồng, KTNN kiểm tra giá bán của nhà cung cấp niêm yết trên website và giá trị khai báo hải quan đã thấy giá thực của 14 mặt hàng chỉ có 2 tỷ đồng; số tiền chênh lệch lên đến 3,8 tỷ đồng, bằng 65,4 % giá trị mua sắm. Đáng nói, các DN bán hàng không tuân thủ tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 02 (giá thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá), nhưng BVĐK tỉnh Gia Lai vẫn “đặt niềm tin” mua sắm với giá cao hơn giá trị thực, để rồi lãnh phần lỗ về mình.

Đáng chú ý, việc mua “kính hiển vi điện tử phẫu thuật thần kinh, cột sống và máy tiệt khuẩn nhiệt độ thấp” cho BVĐK tỉnh Gia Lai, giá trị mặt hàng chỉ là 11,2 tỷ đồng. Chưa rõ lý do gì, Sở Y tế Gia Lai lại quyết toán thành 19,9 tỷ đồng.

Tại giá mặt hàng trúng thầu khí oxy y tế (loại bình 6m3) giá 88.990 đồng/bình, BVĐK tỉnh Gia Lai đặt mua 40.000 bình tại Đà Nẵng, vận chuyển lên Gia Lai, tổng giá trị là 3,5 tỷ đồng. Cũng loại bình này, Sở Y tế tỉnh An Giang đặt mua của một DN tại Bình Dương chỉ là 42.500 đồng/bình, tổng giá trị chênh lệch lên đến 1,8 tỷ đồng (bằng 52,2 giá trị mua sắm của Gia Lai). Bất ngờ hơn, khi mua sắm các loại hóa chất, VTYT, BVĐK tỉnh Gia Lai lại không yêu cầu bên bán cung cấp hồ sơ, tài liệu, thông tin liên quan nguồn gốc, chất lượng, xuất xứ, hạn dùng... của các loại hóa chất, VTYT theo quy định.

Với các loại hóa chất mua trong năm rất lớn, nhưng BVĐK tỉnh Gia Lai cố tình chia nhỏ từng đợt mua sắm dưới 100 triệu đồng để chỉ định thầu. Các hóa chất y tế, VTYT không phải là hàng hóa yêu cầu thẩm định giá, vì giá đã có sẵn trên thị trường (báo giá nhà sản xuất cung cấp), nhưng BVĐK tỉnh Gia Lai vẫn ký hợp đồng thẩm định giá với các DN. Giá của các DN này đưa ra cao hơn giá thị trường rất nhiều, làm hao hụt hàng chục tỷ đồng ngân sách.

Thao túng  giá thuốc

Đặc biệt, kiểm tra việc mua sắm thuốc mua theo giá trúng thầu từ năm 2013 - 2015, KTNN đã phát hiện Sở Y tế Gia Lai cũng làm trái Luật Đấu thầu. Theo đó, kết quả lựa chọn mặt hàng thuốc trúng thầu theo cả gói thầu mà không theo từng mặt hàng, thì một số mặt hàng thuốc có giá bỏ thầu thấp nhất, sẽ đủ điều kiện trúng thầu theo quy định của Bộ Tài chính (BTC). Tuy vậy, Sở Y tế phớt lờ quy định  của BTC, dẫn đến các cơ sở y tế công lập đã mua 124 mặt hàng của DN trúng thầu trái quy định, lại có đơn giá thuốc cao hơn, dẫn đến thất thoát ngân sách 10,6 tỷ đồng.

Quá trình chấm thầu, Sở Y tế Gia Lai cũng không phát hiện ra sai sót về hạn sử dụng của mặt hàng thuốc đã hết, từ đó đưa vào vòng xét giá làm sai lệch kết quả trúng thầu.  Dù biết vi phạm Luật Đấu thầu, Sở Y tế vẫn tham mưu cho UBND tỉnh cho phép chỉ định thầu trái luật với gói thầu nhóm thuốc gây nghiện, hướng tâm thần... Riêng BVĐK tỉnh Gia Lai đã mua thuốc vượt kế hoạch trong các năm 2013, 2015 hơn 14 tỉ đồng, vượt 20% số lượng kế hoạch đấu thầu, chưa đúng quy định của Bộ Y tế và Bộ Tài chính. 

Quá trình lựa chọn nhà thầu có sai sót, khi chấm điểm chưa chính xác, nhập liệu sai giá dự thầu. Thậm chí, trong khi chờ kết quả đấu thầu, Sở còn cho phép bệnh viện “gấp gáp” mua thuốc bên ngoài hàng tháng với giá trị rất lớn (7 tỷ đồng/tháng).

Làm việc với phóng viên, Chánh văn phòng Sở Y tế Gia Lai - Lê Bá Công cho biết: “Thẩm quyền phát ngôn thuộc về giám đốc sở”. PV cố gắng liên hệ nhưng không được ông Mai Xuân Hải -Giám đốc Sở Y tế Gia Lai phản hồi.

Phó GĐ Sở Tài chính Gia Lai - Nguyễn Tấn Đức cho biết: UBND tỉnh Gia Lai đang chỉ đạo Sở Y tế giải trình về những khoản chênh lệch liên quan đến ngân sách mà KTNN phát hiện.

“Từ kết luận của KTNN, HĐND Gia Lai sẽ yêu cầu Sở Y tế trả lời. Nếu trả lời không đúng sẽ yêu cầu giải trình. Trong luật đã quy định, nếu có sai phạm sẽ kiến nghị cơ quan thanh, kiểm tra vào cuộc”, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Gia Lai - Dương Văn Tuấn nói. Đồng thời ông Tuấn cũng cho biết, sau 6 tháng đến 1 năm, nếu mức độ khắc phục của Sở Y tế Gia Lai không rõ ràng, chắc chắn HĐND sẽ có ý kiến bằng văn bản. 

Đua nhau trục lợi

Dự án Khu điều trị nội tổng hợp 100 giường bệnh tại BVĐK có tổng mức đầu tư trên dưới 20 tỷ đồng, đưa vào sử dụng từ ngày 16/4/2013. Tuy vậy, 4 năm nay, không hiểu lí do gì, Sở Y tế Gia Lai không thể quyết toán. Nhiều trang thiết bị Sở Y tế Gia Lai dùng ngân sách nhập về hàng tỷ đồng, nhưng không có nhu cầu sử dụng. Tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Gia Lai, 55 thiết bị chưa đưa vào sử dụng do bệnh nhân ít; 49 thiết bị không hoạt động hết công suất; 10 thiết bị khác bị bệnh viện đề nghị trả lại, số khác cán bộ không biết sử dụng.

Tại Bệnh viện Ayun Pa, Sở Y tế nhận máy móc từ Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực ngành y tế (xuất xứ Trung Quốc) cấp về, nhưng hết hạn sử dụng. Quá trình sử dụng bị trục trặc kỹ thuật, liên tục cho ra kết quả không chính xác. Thậm chí đề nghị sửa chữa lúc hư, phía sản xuất (Trung Quốc) đưa ra yêu sách bệnh viện phải mua hóa chất sử dụng cho thiết bị thì mới chịu trách nhiệm cài đặt, vận hành. Giá trị của máy móc, thiết bị được xác định lãng phí lên đến hàng tỷ đồng.

MỚI - NÓNG