Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị ngày 17/1. |
Ngày 17/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do tỉnh này tổ chức.
Tại hội nghị, ông Trương Hải Long - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1750 ngày 30/12/2023 là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của Gia Lai trong giai đoạn mới.
Quy hoạch được xây dựng và phê duyệt thống nhất, đồng bộ với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước, phù hợp với định hướng, chủ trương tại Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên. Quy hoạch đã thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho tỉnh Gia Lai.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; là tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số và kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập. Cùng với đó, hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh.
|
Đến năm 2050, Gia Lai sẽ là “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”, điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa. Phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là chủ đạo dựa trên 3 trụ cột phát triển là nông nghiệp tiên tiến, sạch và ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp.
Về xã hội, tỉnh Gia Lai mang đặc trưng vùng sinh thái nhân văn cao nguyên Pleiku, Kon Hà Nừng.
Theo quy hoạch, Gia Lai sẽ có 2 tuyến cao tốc đi qua gồm: Cao tốc Pleiku - Quy Nhơn dài 104km; cao tốc Bắc Nam phía Tây, đoạn qua Gia Lai dài 97km (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum đi Pleiku và Pleiku đi Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Xây dựng tuyến đường sắt từ Đà Nẵng đi các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum-Gia Lai-Đắk Lắk-Đắk Nông) tới tỉnh Bình Phước dài 550km (theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050).
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao công bố quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Gia Lai |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ ghi nhận, chúc mừng tỉnh Gia Lai với những nỗ lực của tỉnh trong suốt chặng đường vừa qua.
Theo Phó Thủ tướng, quy hoạch tỉnh Gia Lai là một bước cụ thể hóa chủ trương lớn của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 23, ngày 6/10/2022 hướng tới mục tiêu phát triển tỉnh Gia Lai trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, giàu bản sắc văn hóa.
Phó Thủ tướng nhận định, Gia Lai có vị trí giàu tiềm năng về kinh tế và giá trị văn hóa gắn với di sản phi vật thể, bản sắc văn hóa. Phó Thủ tướng cho rằng, tỉnh còn có các lĩnh vực phát triển; có tiềm năng sông, suối, thuỷ điện, năng lượng tái tạo nên tỉnh cần lựa chọn phát triển chế biến khu công nghiệp cao gắn với nông nghiệp xanh, nông nghiệp dược liệu nhằm nâng cao giá trị sản xuất.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Gia Lai cần rà soát quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng, kết nối với vùng khác. Đây là bước cụ thể hóa trong bản quy hoạch nhằm xây dựng nên quy hoạch đô thị, nông thôn, du lịch... Qua đó, thu hút các nhà đầu tư lớn cùng hỗ trợ, hiện thực từ quy hoạch đến hiện thực hóa. Rút kinh nghiệm đối với những vướng mắc trong việc xây dựng đô thị, Gia Lai nên xây dựng đô thị của riêng mình theo hướng một đô thị đại ngàn, đô thị đáng sống. Vì vậy địa phương cần nghiên cứu để xây dựng quy hoạch, phát triển đô thị xanh, thông minh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng cần phải quan tâm đến quy hoạch, có giải pháp phát triển. Bởi việc thực hiện tốt quy hoạch sẽ giúp thu hút được nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, tạo được nguồn lực phát triển”.