Giá điện sẽ chậm tăng nhưng... tăng mạnh

Giá điện sẽ chậm tăng nhưng... tăng mạnh
Theo Quyết định 69 mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành, biên độ cho phép Tập đoàn điện lực VN tăng giá bán điện sẽ được nới rộng lên 7 - 10% thay vì 5% so với trước kia, nhưng cơ chế giảm giá lại chưa có những ràng buộc chặt chẽ.

Giá điện sẽ chậm tăng nhưng... tăng mạnh

> Dân kêu trời vì giá điện gấp 2 lần quy định
> Giá điện đến năm 2015 không quá 1.835 đồng/kWh

Theo Quyết định 69 mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành, biên độ cho phép Tập đoàn điện lực VN tăng giá bán điện sẽ được nới rộng lên 7 - 10% thay vì 5% so với trước kia, nhưng cơ chế giảm giá lại chưa có những ràng buộc chặt chẽ.

Từ trước tới nay, giá điện vẫn theo chiều hướng chỉ tăng mà không giảm - Ảnh: Ngọc Thắng
Từ trước tới nay, giá điện vẫn theo chiều hướng chỉ tăng mà không giảm - Ảnh: Ngọc Thắng.

Cụ thể, theo Quyết định 69 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (có hiệu lực từ 10/1/2014), giá bán điện bình quân được điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định và chỉ được điều chỉnh tăng ở mức 7% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành. Thời gian điều chỉnh giữa 2 lần liên tiếp tối thiểu 6 tháng. Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải được thực hiện công khai, minh bạch. Trường hợp cần thiết, nhà nước sử dụng quỹ bình ổn giá điện để bình ổn giá.

Về cơ chế điều chỉnh giảm, nếu các yếu tố đầu vào giá bán điện bình quân cơ sở thấp hơn mức giá hiện hành và trong khung giá (sau khi đã trích Quỹ bình ổn giá điện), Tập đoàn điện lực VN (EVN) có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, báo cáo bộ Công thương, Tài chính. Về tăng giá, nếu các yếu tố hình thành giá cơ sở tăng từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, EVN được tăng tương ứng và báo cáo Bộ Công thương. Nếu giá cơ sở tăng từ 10% trở lên hoặc ngoài phạm vi khung giá, EVN lập hồ sơ báo cáo bộ Công thương, Tài chính, trình Thủ tướng cho ý kiến.

Vẫn dễ tăng, khó giảm

 Sau khi trích quỹ bình ổn, nếu giá cơ sở thấp hơn giá hiện hành thì EVN phải điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện, tuy nhiên, thấp hơn bao nhiêu phần trăm thì quyết định chưa đề cập rõ 

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Quyết định 69 đã nới rộng khoảng cách giữa các lần điều chỉnh giá điện lên thành tối thiểu 6 tháng/lần thay vì 3 tháng/lần như trước đây. Tuy nhiên, việc nâng biên độ được phép tăng giá bán điện từ 7 - 10% có phần giống cơ chế điều chỉnh giá xăng, tạo điều kiện cho EVN được điều chỉnh tăng giá rất cao. Trong khi đó, cơ chế giảm giá lại chưa có những ràng buộc chặt chẽ về tỷ lệ phần trăm. “Sau khi trích quỹ bình ổn, nếu giá cơ sở thấp hơn giá hiện hành thì EVN phải điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện, tuy nhiên, thấp hơn bao nhiêu phần trăm thì quyết định chưa đề cập rõ. Cần phải có quy định ràng buộc về tỷ lệ giảm cũng như phải công khai các yếu tố hình thành giá điện mới kiểm soát được việc EVN phải giảm giá hay không”, ông Long phân tích.

Trước đó, trong Quyết định 24 về cơ chế giá điện theo thị trường của Thủ tướng Chính phủ (ban hành năm 2011), trường hợp các yếu tố đầu vào là giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện giảm 5% so với hiện hành thì EVN quyết định điều chỉnh giảm tương ứng và báo cáo Bộ Công thương. Nhưng trên thực tế, giá điện từ trước tới nay chỉ tăng không giảm. Dù nhiều thời điểm như năm 2012, điều kiện thủy văn thuận lợi, cơ cấu điện huy động chủ yếu từ nguồn thủy điện giá rẻ, EVN lãi lớn nhưng vẫn không giảm giá. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, với cơ chế mới này, giá điện sẽ càng dễ tăng khó giảm.

Băn khoăn về quỹ bình ổn giá điện

Ngoài ra, về quỹ bình ổn giá điện, ông Ngô Trí Long băn khoăn rằng quỹ này từng được đưa ra bàn thảo nhiều lần trước đây nhưng vẫn chưa thực hiện được. Quyết định 24 từng đề cập việc hình thành quỹ bình ổn giá điện, nhằm mục tiêu bình ổn giá, nguồn hình thành quỹ trích từ giá bán điện và được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. Bộ Công thương cũng từng có dự thảo thông tư điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản, với các quy định chi tiết về quỹ bình ổn giá điện. Cụ thể, khi EVN giải quyết xong nợ và các chi phí sản xuất kinh doanh điện treo lại... thì mới thực hiện việc trích nạp quỹ, trường hợp tăng giá điện sẽ xả quỹ bình ổn trước. Tuy nhiên, tới nay quỹ bình ổn giá điện vẫn chưa hình thành được. Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, EVN vẫn đang chờ hướng dẫn từ bộ Công thương, Tài chính, nhưng hiện tại các bộ chưa có dự thảo về quỹ bình ổn giá điện.

Theo TS Ngô Trí Long, việc hình thành quỹ bình ổn giá là cần thiết cho các ngành kinh doanh chịu rủi ro lớn về giá. Nhưng “nguồn hình thành quỹ phải từ cả hai phía, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Không thể bắt người tiêu dùng ứng trước như quỹ bình ổn xăng dầu. Đã là dự phòng rủi ro trong kinh doanh thì doanh nghiệp cũng phải trích ra từ lợi nhuận. Mặt khác, cơ chế hình thành quỹ bình ổn phải minh bạch: nguồn hình thành quỹ từ đâu, sử dụng và quản lý ra sao cho có hiệu quả”, ông Long phân tích.

Theo một chuyên gia am hiểu ngành điện, về bản chất, chính người dân phải "nuôi" quỹ bình ổn vì quỹ trích từ giá thành bán điện. Việc hình thành quỹ về cơ bản chỉ có ý nghĩa giảm lỗ cho EVN: khi lỗ thì đã có quỹ gánh. Ngay trong cơ chế điều chỉnh giá, khi các yếu tố đầu vào giảm, trích quỹ rồi thì EVN mới phải giảm giá điện bình quân. Mặt khác, theo tính toán tới năm 2015, theo dự kiến EVN mới xử lý xong các khoản treo nợ chênh lệch tỷ giá, nên việc hình thành quỹ vào thời điểm nào cũng cần cân nhắc, tính toán.

Theo Mai Hà
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG