Rất nhiều tàu cá miền Trung tại cảng Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã không có ý định ra khơi khi giá dầu tăng cao.
Ghi nhận ngày 12/3, nhiều tàu cá cập cảng sau chuyến đánh bắt dài ngày. Các chủ tàu cho hay chuyến biển họ vừa đi về tàu đổ dầu với giá hơn 21.000đ/l, nhưng trừ chi phí, chia chác mỗi người không được bao nhiêu. Một số tàu không có lời, thậm chí lỗ vốn. |
Anh Nguyễn Thanh Huy, thuyền trưởng tàu ĐNa 90357 cho hay chuyến vừa rồi đi gần 1 tháng với 10 thuyền viên, nhưng về chia mỗi người chưa được chục triệu đồng vì giá dầu cao, chi phí lớn, lại đánh bắt không thuận như mọi năm. |
Ông Hồ Văn Không, chủ tàu QB 92078TS, cũng vừa cập cảng sáng 12/3. Ông nói: “Giá dầu cũ mà vẫn không lời được bao nhiêu, còn tăng lên nữa thì chẳng trông đợi gì”. |
Trong khi đó, những tàu khác khi nghe giá dầu lên hơn 25.000đ/l đã quyết định bán hết cá xong sẽ đem tàu đi gửi. |
“Bán hết cá xong tôi sẽ đi gửi tàu, chứ giá dầu trên trời thế này ra khơi chỉ có nước lỗ thôi! Đợi khi nào dầu hạ mới tính chuyện ra khơi”, ngư dân Phạm Thanh Tâm, quê Quảng Ngãi than thở. |
Rầu rĩ ngồi trên tàu khi vừa cập bến, giá dầu lại tăng, chủ tàu QNg 92256 TS thở dài sau chuyến biển này, anh và 13 lao động trên tàu sẽ về lại Quảng Ngãi. |
Dầu tăng cao, mỗi chuyến biển của ngư dân tốn thêm hàng chục tới cả trăm triệu đồng nên việc ra khơi phải cân nhắc. |
Việc tìm lao động cũng khó khăn hơn, khi các tàu tốn nhiều chi phí, không còn nhiều để chi trả. |
Hàng loạt tàu cá khác đã nằm bờ vì "không chịu nổi nhiệt". |
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá TP Đà Nẵng cũng nhìn nhận giá dầu tăng cao là trở ngại rất lớn đối với các tàu đánh bắt. Ông nêu thực tế thời gian gần đây, các tàu đi biển rất ít, chỉ trừ các loại tàu đánh bắt thời vụ gần bờ như đánh ruốc, cá khoai, cá hố… |
“Để ngư dân an tâm đi biển hơn thì phải hạ giá dầu, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho ngư dân”, ông Lĩnh nói. |