Giá đất tăng, ai được lợi?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mấy hôm nay, người dân bàn tán xôn xao phiên đấu giá hàng chục nghìn mét vuông đất ở Khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức - TPHCM). Giá mỗi mét vuông đất lập kỷ lục khó tin, tới 2,45 tỷ đồng.

Ngạc nhiên không phải vì giá đất tăng cao hơn nhiều lần trước đó, mà vì nó được một doanh nghiệp bỏ giá cao hơn cả đất Quận 1, đất trung tâm Thủ đô Hà Nội và nhiều đô thị sầm uất nhất trên thế giới.

Đứng về mặt thu ngân sách, phiên đấu giá có thể rất thành công, đem lại cho thành phố một nguồn thu tới 37.000 tỷ đồng. Đó là số tiền không hề nhỏ nếu so với con số 28.000 tỷ đồng TPHCM đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp để cứu trợ những hộ dân người nghèo vượt qua đại dịch vừa qua. Tuy nhiên, nhiều người lại hoài nghi, lo lắng. Họ cho rằng, khi giá đất đẩy lên bất thường, mặt bằng giá bất động sản sẽ tăng theo, gây hàng loạt hệ lụy cho nền kinh tế. Và người dân bị thu hồi đất với cơ chế giá thấp hơn nhiều lần thị trường sẽ càng thêm xót xa.

Một anh bạn của tôi viết trên trang cá nhân: Rất nhiều người ra trường may mắn trụ lại Thủ đô và vinh dự làm "công bộc" của dân...nhưng tích góp đằng đẵng hơn thập kỷ vẫn chưa mua nổi nhà đành phải đi thuê! Song đọc báo, hay tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng vụ đấu giá 10.000 m2 đất ở Thủ Thiêm với giá mỗi mét nghe đâu khoảng 2,45 tỷ đồng mà sởn da gà (đất Hàng Đào, Hà Nội cũng không bằng). Có nhiều người nói, đã đấu giá, ai ra giá cao thì thắng! Quả đúng thế. Anh bạn cho rằng, lĩnh vực đất đai không thuần túy kinh tế, mà còn liên quan cái gọi là hệ lụy xã hội, nôm na đạo đức xã hội cũng được. Ví như bức tranh mang ra đấu giá, ai thích trả trăm triệu đô la chả chết ai. Nhưng khi biến mảnh đất với giá trên trời, nếu không có gì thay đổi, thủ tục ô kê thì sẽ tạo hiệu ứng đẩy cơn sốt giá bất động sản lên cao. Và như thế, hàng triệu người thu nhập thấp bị hệ lụy.

Trên công luận, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, sẽ có những bên hưởng lợi nhiều và bên gặp bất lợi sau phiên đấu giá vừa qua. Thứ nhất, các doanh nghiệp trúng đấu giá thực hiện đúng các bước thủ tục ký hợp đồng mua bán tài sản, nộp tiền vào ngân sách, thành phố sẽ thu về hơn 37.000 tỷ đồng (Nguồn thu này góp phần phục vụ lợi ích cộng đồng). Nhà nước, người dân và doanh nghiệp cùng hưởng lợi vì mục tiêu phát triển chung của thành phố. Thứ hai, trong 5 ngày, nếu bên trúng đấu giá không ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá sẽ bị mất tiền đã đặt cọc, theo quy định là 20% giá khởi điểm lô đất. Thứ ba, trong 30 ngày kể từ khi ký thông báo của cơ quan thuế, người trúng đấu giá phải trả 50% số tiền mua tài sản cho ngân sách nhà nước. Và 60 ngày tiếp theo, bên trúng đấu giá phải thanh toán đủ số tiền còn lại. Nếu bên trúng đấu giá chậm thanh toán, sẽ bị phạt chậm nộp theo quy định quản lý thuế. Quá 180 ngày từ khi ký thông báo thuế, người trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá sẽ được xem là vi phạm hợp đồng. Khi người trúng đấu giá không nộp (hoặc không nộp đủ tiền) trúng đấu giá cũng không được nhận lại tiền đã đặt trước, khoản này nộp vào ngân sách nhà nước.

Dư luận cho rằng, người bỏ ra hơn 2,4 tỷ đồng để mua 1m2 đất tại Thủ Thiêm chắc chắn là một người khác thường, nếu như không phải muốn lập một kỷ lục giá đất. Trong nền kinh tế thị trường, đất đang đẻ ra rất nhiều tiền; đất đem lại vô vàn lợi nhuận cho những người biết chớp thời cơ. Biết đâu... Chúng ta hãy chờ xem diễn tiến tiếp theo của phiên đấu giá này.

MỚI - NÓNG