Ghi ở Mường Tè

TP - Âm thanh nước xối gian bên khiến tôi dứt hẳn cơn chập chờn. Mới 5 rưỡi mà Tiến “trọc” (Phạm Ngọc Tiến) đã tắm. Mà bằng nước lạnh. Nhà văn kiêm biên kịch- đạo diễn những “Chuyện Làng Nhô”, “Ma làng”, “Sinh tử”… này có thói quen tắm trần sông Hồng bất kể tư mùa nóng lạnh.

Nhờ thói quen hoành tráng thiên hạ khó bắt chước ấy mà nhiều năm nay lão trị gần kiệt nhiều thứ bệnh tật trong đó có tiểu đường. Chắc chuyến ngược Tây Bắc mấy ngày nay khiến lão Tiến “trọc” tái cơn nghiện dầm mình sông Cái?

Phòng kế bên là Như Phong.

Cứ nghĩ mình như thứ may mắn vì chuyến ngược Tây Bắc lần này được bám theo xe chở hai tay viết lách kiêm làm phim Nguyễn Như Phong và Tiến “trọc”.

Như Phong từ khi hưu chức Phó TBT tờ Công an Nhân dân và Tổng biên tập tờ Năng Lượng Mới vẫn đương nối dài cuộc chơi với việc làm báo. Đã có kha khá bút mực về vị này khỏi nhắc lại. Riêng cái khoản có duyên làm công tác từ thiện thì Nguyễn Như Phong cũng thuộc số má trong làng báo làng văn. Lão đã chủ trì lẫn chủ chi những chuyến ngược Tây Bắc hàng chục lần với hàng chục tỷ đồng tiền hàng và xây trường học cho trẻ vùng cao. Chuyến hàng từ thiện cuối năm này lão chủ trì ba chuyến ô tô tải chở quần áo rét, 250 chăn bông, 250 ủng cho các cháu học sinh; 1.500 thùng mì tôm, 70 thùng nước tương và tiền mặt lên các xã vùng cao của Điện Biên và Lai Châu.

Trở lại chuyện Tiến “trọc”.

Chương trình Cơm có thịt (CCT) nảy nòi phát lộ từ một chuyến tình cờ ngược Tây Bắc của nhóm bạn Trần Đăng Tuấn, Phạm Ngọc Tiến và Thùy Linh. Rồi họ tình cờ ghé một điểm trường khó khăn, chứng kiến bữa cơm teo tóp chỉ chút rau chút muối của cô trò. Trên đường về xuôi, mấy anh em vẫn không thôi ngậm ngùi cùng rân rân niềm cảm khái xúc động bèn bàn nhau góp mỗi tên hàng tháng giành 6 triệu đồng để giúp cô trò của trường. Và trên cơ sở đó, ra đời chương trình CCT là cả một câu chuyện dài.

… Những việc tử tế có sức lây lan nhanh thành phong trào rộng khắp. Con số Quỹ CCT dần đạt vài trăm tỷ. Mỗi năm chi dùng vài chục tỷ. Những việc âm thầm của Chương trình CCT đã tác động tới bộ phận cầm trịch chính sách như một sự nghĩ lại, kịp thời điều chỉnh những điều bất hợp lý.

Đến nay Cơm có thịt đã được hưởng ứng từ Australia (bắt đầu 8/2012), Phần Lan, Thụy Điển, Mỹ. Và giờ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada, Bỉ, Hungari, Singapore…

Người ta cứ nói là cái giống tài là hay kỵ nhau? Có lẽ chả phải? Phải là chí cốt hay tốt mời thế nào thì Phạm Ngọc Tiến mới tung tẩy như tôi bám chuyến từ thiện của Như Phong?

***

Ở bản Tả Kho Khừ của Sín Thầu có gia đình ông Pờ Sì Tài, một cán bộ công an nổi tiếng bám trụ vùng biên mà thượng sĩ công an Nguyễn Như Phong quen biết hồi những năm 80. Hai người tổ chức kết nghĩa anh em. Khi Trưởng tộc Pò Sì Tài mất trăng trối lại cho con cháu, chú Phong đây là ruột thịt với đại gia đình họ Pừ người Hà Nhì mình ở Tả Kho Khừ này. Từ nay chú ấy thay mặt tao là trưởng họ!

Vậy hôm nay Như Phong đến Tả Kho Khừ với tư cách trưởng họ! Cũng là đúng ngày Thìn đầu tiên của Tháng Một (tháng 11 âm lịch) hằng năm, khởi đầu cái Tết của người Hà Nhì. Những rặng dã quỳ vàng rực giăng giăng hàng cây số từ Đồn Biên phòng A Pa Chải dẫn về Tả Kho Khừ. Ngạc nhiên xiết bao khi người nhà ông Pờ Sì Tài cất tiếng reo lớn khi nhận ra Phạm Ngọc Tiến. Thì ra Tiến “trọc” có 2 lần bám theo Chương trình CCT về Mường Nhé trong đó có Sín Thầu và Tả Kho Khừ này rồi.

Lần trước trên xe nghe vô khối chuyện tinh những tâm đầu ý hợp. Nào là chuyện Phạm Ngọc Tiến đã từng giúp Như Phong giải quyết ách tắc khi Phong làm phim Chạy án. Hóa ra cảnh con hổ trong Chạy án cũng một tay Phạm Ngọc Tiến năm tao bảy tiết nhờ người nuôi từ khi chú hổ mới rời vú mẹ để cho chú quen với hơi người nên khi diễn mới bắt mắt vậy! Như cái đêm rời nhà ông Pờ Sì Tài, hai lão chia sẻ khá tâm đắc những phác thảo đầu tiên của một bộ phim mà cả hai đương vừa lóe về một thủ lĩnh vùng biên ải đại loại như nguyên mẫu của Pờ Sì Tài đây…

Nhưng không phải tinh những suôn sẻ. Cái giống viết kịch bản kiêm đạo điễn thường hay ló dạng những trò quỷ quái. Có điều tính cách của từng lão khác nhau. Đại tá Nguyễn Như Phong tất nhiên tính tình nghiêm ngắn. Đợt ngược Tây Bắc cách đây vài năm, đêm ngủ ở nhà khách Công an Điện Biên. Vui chân, tôi theo Phạm Ngọc Tiến mò đến một cuộc nhậu với ông bạn quen của Tiến “trọc”. Mãi 3 giờ sáng mới khật khừ mò về. Đến cổng đã thấy đại tá Nguyễn Như Phong lù lù với chiếc va rơi sĩ quan. Chả kiêng nể hay giữ trật tự, lão chỉ mặt quát ầm ầm Đây không phải là khách sạn mà các ông tự do thế nhé! Từ nay tôi mà đi với 2 ông thì tôi làm con cho các ông.

Ghi ở Mường Tè ảnh 1

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến (giữa)

Lại một sớm. Lão Tiến “trọc” thấy tôi hỏi xin thuốc đánh răng. Lão điềm nhiên đưa ra một cái tuýp. Khi ấy đương tranh tối tranh sáng, cứ điềm nhiên nặn thuốc. Sao cọ mãi mà không thấy bọt như này? Lại không có cái mùi thuốc đánh răng đặc trưng. Lát sau tôi thấy mồm đột nhiên như dúm lại? Hoảng quá kêu ầm lên. Lão Như Phong đương đợi cả bọn dưới xe để chuẩn bị cho cuộc hành trình về Tà Cang nghe tiếng kêu vụt thốc lên. Liền đó là một trận tổng xỉ vả rằng già rồi mà như trẻ con. Rằng sao lại đưa tuýp thuốc bôi dị ứng da (đến tận bây giờ, tôi nghi là thứ khác?) cho người ta? Vv… Tiến “trọc” thì cười khơ khớ, chết chết mình nhầm! Mình lầm!

Ngay chiều qua, ở xã biên giới Thu Lũm, đám em Đỗ Hoàng Anh, Hương, Như Lan - thành viên đoàn từ thiện xanh cả mặt. Một cuộc cãi cự hơi bị hoành đã diễn ra giữa Tiến “trọc” và Như Phong. Đến giờ xuất phát, chả biết Tiến biến đâu? Đợi một hồi, lão mới lò dò về. Trưởng đoàn Như Phong, vẫn thói thường cố hữu. Vẫn chất giọng chua chát mất ngọt mất nhạt mọi khi. Tiến “trọc” sẵn có tý men bữa trưa cự liền. Sau một hồi ầm ĩ, Tiến “trọc” thẳng thừng tuyên bố bỏ đoàn, bắt xe khách về xuôi!

Đám đàn em vừa thương vừa sợ, hết nhời can ngăn hòa giải. Tôi cười thầm bởi quá rành cái cơn cớ thất thường vớ vỉn của các lão.

Bữa tối, sau một hồi ngúng nguẩy, hai nhà mần phim lại hê hê với lại hơ hơ…

Ghi ở Mường Tè ảnh 2

Phạm Ngọc Tiến và Nguyễn Như Phong (từ trái sang)

Chuyện càng thêm rôm khi có mặt của một tiên chỉ của Châu Mường Tè. Đó là cựu Trưởng công an Mường Tè kiêm Phó Bí thư huyện ủy Lý Pi Chờ - chỗ quen biết của Như Phong và Tiến “trọc”. Lý Pi Chờ hưu đã lâu, nhưng sức còn khá. Rượu vẫn làm được vài ly cứ nhẩn nha mãi về một thời xa ngái căng chật những gian khó mà thương mến. Ông Lý quê mãi xã Mù Cả huyện Mường Nhé (Mường Tè năm 2005 tách thành 2 huyện Mường Nhé và Mường Tè). Mù Cả những năm xa cuối 50 đầu 60 của thế kỷ trước ấy đói nghèo xơ xác. Lý Pi Chờ may mắn được theo cái lớp học chỉ có 8 đứa trẻ của thày giáo Nguyễn Văn Bôn dưới xuôi lên châu Mường Tè rồi về xã Mù Cả dạy học. Tấm lòng của người thầy từng được tuyên dương danh hiệu Anh hùng ngành giáo dục năm 1962 đã gieo khắp lòng dân Mù Cả Mường Nhé này bao cảm mến thân thương. Lý Pi Chờ may mắn vô thiếu sinh quân rồi được điều chuyển sang ngành công an.

Lý Pi Chờ đang kể về những chuyến bay trực thăng dưới xuôi lên tiếp tế cho châu Mường Tè. Thời ấy không có đường nào vào Mường Tè. Mường Tè mênh mang có diện tích tự nhiên bằng ba tỉnh Nam Hà, Thái Bình và Hưng Yên cộng lại chỉ lác đác vài sắc dân Mông, Thái, Hà Nhì, Lô Lô… Dân Châu Mường Tè được Nhà nước tiếp tế phát không muối, dầu hỏa và 4 mét vải cho mỗi người bằng đường hàng không duy nhất. Cánh phi công thuở ấy còn hào phóng chọn trong số dân ra đón trực thăng, những người tuổi cao nhất, cho lượn một vòng ngăn ngắn!

Tiến “trọc” như cuốn sâu vào những câu chuyện đượm vẻ huyền thoại vùng cao thuở xa. Nay như tái hiện phảng phất trong hương vị ngon khéo của cả người Thái, Hà Nhì, Mông trong mâm tối này. Rêu đá cộng với lá cây rừng, món cá nướng “Pỉnh tộp” đượm vị cay của ớt, thơm nồng của “mắc khén”, hạt tiêu rừng, sả, gừng vị chua của nước măng chua… Phạm Ngọc Tiến nhà ta gục gặc cái đầu chả có tí tóc nào mà rằng. Chao ôi thứ đồ ăn thức uống như gợi thêm cái tài cái khéo và cả cái tình. Đàn bà vùng cao. Phụ nữ Tây Bắc luôn quan niệm, người đàn ông là trụ cột gia đình, gánh vác phần việc nặng nhọc bằng tình yêu thương, thì họ sẽ chế những món ăn ngon, bồi bổ sức khỏe, bù đắp lại công sức lao động của cánh đàn ông. Do đó các món ăn xứ đồng rừng thường rất cầu kỳ, nhiều gia vị kích thích vị giác rất hợp cho những cuộc yêu.

***

… Tôi nèo Như Phong cùng Tiến “trọc” làm một vòng Bờ Hồ. Bờ Hồ? Nghe hơi hướng dưới xuôi quá đi mất! Như Phong rành rẽ thêm với cả bọn về con hồ ở trung tâm của thị trấn Mường Tè mới được cải tạo từ con suối Mường Tè thuở trước. Hồ khá rộng đâm mênh mang trong sương khói bình minh. Đường quanh hồ được bao bằng bê tông. Có thảm có đặt lác đác những dụng cụ thể thao hệt như công viên vùng xuôi.

Vừa sải chầm chậm, Tiến “trọc” vừa nhắc lại câu chuyện với chủ khách sạn Hoàng Anh 40 giường mà chúng tôi nghỉ đêm qua.

Hơn 40 năm trước có hai vợ chồng đất Tĩnh Gia xứ Thanh chuyên buôn thuốc lào cá khô từ Thanh Hóa lên Mường Tè. Liên tục những ngược xuôi đi về. Thấy cũng dễ làm ăn. Rồi họ định cư luôn ở Mường Tè. Và 10 năm sau, họ kéo tiếp vợ chồng của đứa em lên đây. Thấm thoát, việc buôn bán đã dựng những cơ ngơi, cơ nghiệp. Hoàng Anh, khách sạn của vợ chồng người em. Cũng là tên đứa cháu ngoại. Dân cư thị trấn Mường Tè, cư dân quanh hồ Mường Tè này mấy chục năm qua đã bổ sung mấy chục hộ là người tứ xứ đến định cư.

Rồi cả câu chuyện ông Lý Pi Chờ về thày Bôn, Anh hùng ngành giáo dục Nguyễn Văn Bôn năm 80 tuổi còn lăn lội lên lại Mù Cả. Thày còn có ý định neo nốt những năm cuối đời cuả đời mình ở cái xứ không khí trong lành rau sạch thịt sạch và tình người chứa chan này. Nhưng việc ấy đã chưa kịp thành…

Rồi bỗng chất giọng lão như vống hơn chút, rằng lão sẽ viết tất tật về những điều ấy. Về cuộc thiên di của người mình thường là xuôi chứ ít khi lên mạn ngược? Và cả con hồ giời cho lẫn người làm giữa thị trấn Mường Tè này!

Trữ lượng mần phim của Tiến “trọc” tày tặn hay lão đương làm thơ?

Chả biết!

Tin liên quan