Chuyện Mường Nhé, Mường Tè - Kỳ I: Cũ, mới Mường Tè

Ruộng bậc thang ở Mường Tè
Ruộng bậc thang ở Mường Tè
TP - Liên tục lắc lư gập ghềnh đường lên Mường Tè nhưng lần sau đường sá dễ đi hơn lần trước. Nghe kể lại hồi những năm sáu, bảy rồi tám mươi, Mường Tè của Lai Châu thênh thang mênh mông nghèo khó cứ như biệt lập với vùng xuôi, với thế giới bên ngoài vì không có đường lên.  

Nghe đâu nguồn tiếp tế chính cho dân và cán bộ giáo viên là những chuyến trực thăng vài ngày một lần chở gạo, muối mắm, dầu hỏa. Bây giờ, theo sự chia tách thành hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, Mường Tè mênh mông ngày trước đã chia cho cả hai tỉnh thành Mường Tè của Lai Châu và Mường Nhé của Điện Biên.

Đêm nằm ở một khách sạn được coi là khá nhất thị trấn huyện lỵ Mường Tè đâm khó ngủ khi nghe ông bạn kiến trúc sư cùng phòng cứ phàn nàn mãi là Mường Tè, một thị trấn mới với sự đầu tư lớn quá thừa điều kiện và thời gian để quy hoạch một thị trấn miền ngược cho nó ra hồn, đúng cái nghĩa của nó? Ấy là  hồi chiều chúng tôi đã dọc ngang khắp thị trấn thủ phủ huyện lỵ Mường Tè mới nằm ven Sông Đà này thấy y sì phọc cái kiểu xây cất  bày biện của một thị trấn, thị tứ miền xuôi! Nhà của dân, trụ sở cơ quan công quyền, hàng quán cũng giăng mắc kiểu bê tông hộp san sát, cấm thấy lóe ra chút bản sắc dân tộc của một thủ phủ miền ngược Mường Tè? Nhưng đã lỡ, đã đánh xổng thời cơ ấy mất rồi biết làm sao. Mường Tè đương còn bao thứ lo khác bộn bề bức xúc… 

Tôi ngó qua quyết định phê duyệt danh sách hộ nghèo các xã và thị trấn Mường Tè năm 2016 cụ thể có 5.338 hộ nghèo với tổng số 27.073 nhân khẩu mà không ghìm được cảm giác sửng sốt. Phác nhanh con tính như vậy gần 80% số hộ nghèo toàn Mường Tè. Bươn bả mấy ngày trên những tuyến tỉnh lộ, huyện lộ đã tạm thênh thang dẫn vào các bản thăm thẳm xa ngái của Lai Châu và Điện Biên mới thấy sự đầu tư của nhà nước cho vùng này rất lớn. Rất nhiều tỷ đồng cho mỗi km ở xứ xa xôi này. Rồi những khoản không nhỏ trợ cấp cho các xã mà mỗi năm thu chỉ chiếm vài phần trăm cho số chi.

 Nhưng tại các trụ sở UBND xã như Tà Tổng cũng có những thứ lạ, bắt mắt. Đó là các bản thông báo bằng khổ giấy A4 in co chữ vi tính khổ to, rõ ràng. Thông báo gì vậy? Chẳng hạn mức thu lệ phí áp dụng tại UBND xã như chứng thực di chúc; chứng thực bản từ chối di sản; chứng thực chữ ký cá nhân… cao nhất là 20 ngàn đồng thấp là 2.000 đồng mỗi trường hợp. Công khai thông báo việc giải quyết tranh chấp đất đai không lớn lắm đã giải quyết ổn thỏa giữa 2 xã Tà Tổng và Mù Cả của huyện Mường Tè. Tại trạm xá Tà Tổng, tôi đọc được bản bố cáo nội dung không tảo hôn kết hôn với người có cùng chung ông bà để mục đích vì chất lượng giống nòi. 

Tất nhiên ở dưới xuôi việc này cấm kỵ và xa lạ nhưng trên vùng cao này tập tục, hủ tục ấy đã từng lê thê dai dẳng. Kèm các khoản nhắc nhở là việc phạt cho mỗi trường hợp. Như phạt từ một triệu đến ba triệu đối với hành vi kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi 3 đời. Rồi nạn tiền giả từng nghe dưới xuôi nhưng cũng chỉ láng máng, nhưng tại Ủy ban xã Pa Ủ heo hút, có cảm giác thú vị khi đọc được bản hướng dẫn tỉ mỉ những loại tiền giả, các mẫu tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước ban hành. 

Tôi trộm nghĩ, dẫu đâu đó trên Mường Tè bao la còn không ít những thiếu thốn đói nghèo nhưng những tín hiệu trên như đốm lửa thắp sáng cơ hội để sẵn sàng nhân rộng ra những mảng sáng rộng khắp của thứ văn hóa văn minh thời hội nhập. Mà trước tiên hội nhập hòa đồng không bơ vơ lạc lõng với miền xuôi, với cộng đồng các dân tộc Việt ta.

Tên xã cũng là tên huyện. Xe qua xã Mường Tè mà không được dừng lâu bởi cho kịp với giờ làm việc với anh em đồn công an Pác Ma như đã hẹn. Tiếc không có thời gian để tìm đến cái bản Pháp từng lưu đày Luật sư Nguyễn Hữu Thọ suốt 2 năm 1950-1952.  Xã Mường Tè có khúc sông Đà văn vắt trong in bóng núi hằn rõ những bản với những ngôi nhà sàn kiểu mới thanh mảnh có nương ngô thửa rau cải hoa vàng rộm… Không khí lặng lẽ trong lành, đường sá sạch nuột như lau như ly, nhưng thuở ấy lại là nơi lam sơn chướng khí mà thực dân Pháp lưu đày hòng dập tắt chí khí cách mạng của luật sư trẻ Nguyễn Hữu Thọ.

Gập ghềnh lắc lư rồi cũng đến được Mù Cả. Ông bạn Như Phong rủ tôi ghé nhà Khoàng Phu Cà. Nhân vật người Hà Nhì độc đáo này chúng tôi đã gặp cách đây 2 năm ở đồn biên phòng Ka Lăng. Và trước nữa, tại Trụ sở Trung ương Đoàn 60 Phố Bà Triệu, Hà Nội đầu năm 1982. 

Tôi may mắn có mặt tại cuộc gặp giữa Ban Bí thư Trung ương Đoàn với các chiến sĩ biên phòng đã lập công xuất sắc trong các cuộc chiến đấu bảo vệ  biên cương phía Bắc trong đó có Đồn trưởng Đồn Biên phòng 311 Pác Ma - Đại úy Khoàng Phu Cà.

Chiến công cùng tài nghệ bắn tỉa của Khoàng Phu Cà đồn Pác Ma Mường Tè năm ấy từng vang danh qua báo chí một thời. Tôi cũng được biết trước đó anh lính trẻ Khoàng Phu Cà được chọn đi thi bắn súng ở nước ngoài do đích thân chuyên gia Liên Xô phụ trách rèn cặp. Nhưng tại trung tâm huấn luyện đã xảy ra một trục trặc. 

Trục trặc ấy là ở khâu luyện tay. Chuyên gia bắt buộc mỗi xạ thủ phải buộc dây vào viên gạch nặng treo ở cổ tay ý chừng để luyện gân luyện cốt gì đó. Vốn tính bộc trực, Cà không đồng ý: Cái tay cầm súng không run là do cái gân… trời sinh ra cho mỗi người! Ai may thì người đó được nên mới có chuyện người bắn giỏi người bắn kém! 

Chuyện Mường Nhé, Mường Tè - Kỳ I: Cũ, mới Mường Tè ảnh 1

Những đứa trẻ Mường Tè.

Nghe vậy, ông thầy người Liên Xô cáu. Thế là Cà bị loại, bị đề nghị trả về đơn vị cũ. Không vui cũng chả buồn, Cà lẳng lặng chấp hành. Và về đơn vị, Cà vẫn là tay thiện xạ nổi danh.

Lòng nhà rộng của người sĩ quan cấp tá biên phòng về hưu cứ thơm sực thứ khói bếp không biết chụm bằng thứ củi gì? Năm tháng vèo qua. Bờ vai Khoàng Phu Cà vẫn chắc khừ như năm nào.

Ông Cà nếp tẻ đủ cả. Cô con gái út Khoàng Gió O đã lấy chồng, hiện là giáo viên trường PTCS bên xã Tà Tổng. Anh con trai  Khoàng Thanh Bình nối nghiệp bố hiện là trung úy Đồn Biên phòng  Pa Vệ Sủ. Bình cũng thừa hưởng được gene bố tài thiện xạ. Pa Vệ Sủ là địa danh có ngọn Pu Si Lung hiểm trở cao trên 3.000 thước, cao nhất Lai Châu. 

Con trai ông Cà và đồng đội đồn biên phòng Pa Vệ Sủ ngày đêm canh giữ khu vực biên giới trong đó có xã Pa Vệ Sủ rộng tới 244 cây số vuông nhưng chỉ có 1.552 người dân. Pa Vệ Sủ có cột mốc số 42 trên đỉnh Pu Si Lung thiêng liêng cách Thủ đô Hà Nội hơn 700 cây số.

Mường Tè cũ trước đây và Mường Tè,  Mường Nhé mới có thầy giáo Nguyễn Văn Bôn quê ở Hải Dương lên dạy học ở Mường Tè chịu thương chịu khó gieo cái chữ cho đồng bào dân tộc liền mấy chục năm trời. Lứa Khoàng Phu Cà và nhiều người khác trong đó có không ít vị trong lứa lãnh đạo cũ của Lai Châu, Điện Biên là học trò cũ của thầy. 

Ngồi bên tôi trên xe về Sín Thầu là Pờ Sì Sơn, Phó công an huyện Mường Nhé có bố là Pờ Go Loong, Chánh án Tòa án huyện Mường Nhé là học trò cũ của thầy Bôn. Năm gần đây khi thầy Bôn còn khỏe, cảm cái ơn của các trò vùng cao mời nhiệt thành quá, thầy Bôn đã cất công lên Mường Tè lần về xã Mù Cả ăn tết với bà con. 

Cái xã mang cái tên đến tức tưởi Mù Cả nguyên từ Mo Cá (đường ngựa đi) trong tiếng người Hà Nhì sau người ta gọi chệch đi là Mù Cả bây giờ đã trở thành điểm sáng về giáo dục không riêng Mường Nhé mà cả Điện Biên.

Xe chúng tôi xuyên mãi rừng Mường Nhé để ngược về Sín Thầu. Tạm giải lao cũng vừa lúc dừng ở đồn biên phòng Leng Su Sìn. Anh em chúng tôi hết thảy nghiêm trang hồi lâu, nén hương rưng rưng trong tay trước tượng đài anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ. 

Đồn là nhà, biên giới là quê hương. Slogan ấy hằng bao nhiêu năm của bộ đội biên phòng. Trần Văn Thọ đã làm hơn thế là lấy các bản của Mường Nhé làm nhà, thay cho quê nhà Phú Thọ hằng bao năm.

Mỗi đận về phép Trần Văn Thọ mang hạt giống, lưỡi cày 51, cuốc, liềm hái lên Mường Tè. Nên bây giờ mới có những cái tên do dân Mường Tè đặt, người Mường Tè gọi là đường ông Thọ. Khu ruộng ông Thọ. Nhiều cái tên về ông Thọ như thế lắm. Chiến sĩ công an vũ trang Trần Văn Thọ thành tâm với Mường Nhé bươn bả đến kiệt sức với Mường Nhé và những cơn sốt rét rừng đã cướp mất anh. 

Người nhà sang cát mang anh về xuôi nhưng hồn cốt anh còn mãi với Mường Nhé. Công nhận nghệ sĩ điêu khắc nào đã cảm được nghĩa khí cũng như linh khí của người chiến sĩ công an vũ trang mà dựng một nhóm tượng rất hồn cốt. Trần Văn Thọ như một biểu trưng cho lời nguyền rằng ăn ở sống sao cho phải đạo với Dân…

__________________

(Còn nữa)

Phía trước đồn Leng Su Sìn nơi anh hùng Trần Văn Thọ ra đi có một ao sen. Lạ mắt ngạc nhiên sao xứ rừng núi điệp trùng này lại có sen? Chuyện với anh em đồn biên phòng, hóa ra ngày xa ấy một chiến sĩ tên là Luận quê Nam Hà trong một đợt phép xuôi đã thủ mấy củ sen trong ba lô mang lên. Củ sen ngày ấy của người chiến sĩ biên phòng đau đáu nhớ quê trũng đồng chiêm dần dà đã gây thành ao trên đất Mường Nhé vời xa.

MỚI - NÓNG