Khi lần đầu nghe rằng sẽ có một tượng Phi công vũ trụ, Anh hùng Liên Xô Gherman Stepanovich Titov sẽ được xây dựng trên đảo Titov ở Vịnh Hạ Long, tôi đã có cảm giác phân vân: Liệu có xâm phạm đến Di sản Thiên nhiên - kỳ quan thế giới? Nhưng cảm giác đó tan biến khi được biết, đó sẽ là một bức tượng không lớn để không ảnh hưởng đến những quy định của UNESCO, và nhất là khi nghe câu chuyện sau do chính một lãnh đạo của Hội Việt - Nga kể.
Năm 1991, nước Nga đảo lộn. Nhân lúc hỗn loạn, có một số kẻ quá khích định phá bỏ Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Quảng trường mang tên Bác ở Mátxcơva. Nghe tin, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt, Thượng tướng Gherman Stepanovich Titov cùng một nhóm những người bạn của Việt Nam đã tức tốc đến ngay hiện trường. Ông đứng vào giữa những kẻ có dã tâm kia và bức tượng, phanh ngực áo quát: “Đứa nào dám xâm phạm tượng của Người trước hết phải bước qua xác tao”. Và cho đến nay, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn uy nghi ở Mátxcơva.
Gherman Stepanovich Titov là phi công vũ trụ số 2 của Liên Xô và số 4 của thế giới bay vào khoảng không ngoài khí quyển Trái đất (sau Gagarin và hai phi công vũ trụ Mỹ, Alan Shepard và Gus Grissom).
Tháng 8/1961, ông bay vào vũ trụ thì năm 1962, sang thăm Việt Nam. Gặp Bác Hồ, và những con người Việt Nam đôn hậu dũng cảm, trái tim ông mãi mãi gắn với Việt Nam. Ông kể về chuyến ông được Bác Hồ dẫn đi chơi trên Vịnh Hạ Long ngày 22/11/1962, dẫn đến việc ra đời cái tên Đảo Titov trong một hồi ức mà chúng tôi trích dưới đây.
Ngày nay, đảo Titov xinh đẹp là một điểm dừng chân hấp dẫn trong tour du lịch trên Vịnh.
“Sau một giây chúng tôi đã ngồi trên một con thuyền tiến đến một đảo nhỏ. Những viên đá mầu nâu, ánh lên bởi sương mai xếp thành những bức tường thẳng đứng. Và chỉ có ở một chỗ thì chúng được chuyển thành một bãi tắm nhỏ với dải cát vàng mịn.
- Đảo này có tên gọi là gì? - Đồng chí Hồ Chí Minh hỏi người thuyền trưởng, khi mà chúng tôi đã tắm thỏa thích và đã ngồi trên khoang thuyền.
- Nó được đánh số thứ tự số 46 - người thủy thủ trả lời. (Trong dân gian, đảo này có tên là Cát Nàng - LV).
- Tôi nghĩ là bởi vì Gherman Stepanovich Titov không thể ở lại hẳn với chúng ta ở Việt Nam được, chúng ta sẽ giữ anh ý lại bằng cách khác, - Bác Hồ nói, quàng lấy vai tôi, và nói thêm: Chúng tôi tặng anh hòn đảo này! Anh hãy tới đây bất cứ khi nào anh thích và sẽ mãi luôn là khách quý của chúng tôi! Và sau đó, Người nói với thuyền trưởng,? như để lý giải cho ý tưởng của mình: - Hãy sửa lại trên bản đồ: Từ nay đảo này sẽ mang tên đảo Gherman Stepanovich Titov”. (Bản dịch của Nguyễn Đức Hùng, đăng trên trang mạng nguoivietokiev).
Ngày nay, đảo Titov xinh đẹp là một điểm dừng chân hấp dẫn trong tour du lịch trên Vịnh.
Hội Hữu nghị Việt - Nga đề nghị, tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan chức năng đồng ý, cấp trên đã phê duyệt việc đặt tượng Titov trên đảo Titov. ?Hội Hữu nghị Việt - Nga đã tổ chức cho các nhà điêu khắc xây dựng mẫu tượng, có ba phương án đang được đưa ra xem xét lấy ý kiến. Tượng Titov sẽ có mặt trên đảo trong một ngày không xa.