Năm xa ấy, ông Hồng Chương, Tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản (sau là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) nhân đi công cán qua Quỳnh Lưu – Nghệ An có ghé quê Khuất, xã Quỳnh Long. Sau những hỏi han cùng thăm nom này khác, cái câu mà ông vuột rất thành thực rằng: Làng quê của cậu quả là… bất khuất!
Một góc biển Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu |
Quỳnh Lưu, huyện địa đầu xứ Nghệ dường như kết tinh chung đúc những khí chất cùng phẩm chất của cả dân Nghệ Tĩnh?
Khi dâng hương lên bàn thờ nhà trên đó chĩnh chiện bức hình Liệt sĩ Hồ Xuân Kế, bố Khuất, ông Hồng Chương cứ đăm đăm ngó mãi bức vẽ truyền thần, khen rất giống cậu tức Hồ Bất Khuất. Khuất mới thưa thật rằng bố mình chưa bao giờ chụp ảnh cả!
Chuyện trở về những năm tháng Quỳnh Long hứng chịu hết bom trên trời của máy bay rồi pháo từ tàu chiến Mỹ cứ bất thần giáng họa. Hàng chục người chết, xóm làng nhà cửa xác xơ. Dân làng phải dắt díu nhau đi sơ tán ở Quỳnh Tam cách hơn 30 cây số. Bám làng chỉ còn dân quân và thanh niên.
Nhà báo bạn Hồ Bất Khuất |
Tàu chiến giặc đen sì lù lù ngông nghênh trước làng. Biển Quỳnh Long cứ như ao nhà chúng. Lúc đó không có pháo binh bờ biển và tàu chiến của hải quân ta. Tầm đạn của những khẩu súng bộ binh làm sao với? Nghề đi biển từ lâu xếp xó. Sểnh ra một tý là tàu giặc nã đạn hoặc áp sát rượt bắt ngư dân.
Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã có kế hoạch tác chiến, một phương thức độc đáo. Dân quân mấy xã ven biển của Quỳnh Lưu trong đó có Quỳnh Long liên tục được tập dượt phương án đánh địch. Những chiếc thuyền dân quân gọi là “Hải đội” bí mật hình thành. Họ được trang bị B.40, B.41, cả DKZ và thủ pháo. Bộ đội hướng dẫn phương thức tập kích bất ngờ khi áp sát tàu địch.
Mỗi lần ra biển như thế, “Hải đội” thường có 2-3 thuyền. Lãnh đạo xã đều nghiêm cẩn tiến hành thủ tục truy điệu sống cho các chiến sĩ dân quân.
Đêm 8/8/1968, đúng Rằm tháng Bảy, lợi dụng biển động, sóng to, tàu địch lại áp sát bờ khiêu khích. 4 chiếc thuyền trong Hải đội Quỳnh Long được lệnh xuất kích lặng lẽ rời bến. Trên là lưới cải trang, dưới khoang là súng B40, B41, lựu đạn, bộc phá... được cất dấu kỹ. Thuyền đi đầu do Nguyễn Bá Vanh chỉ huy đã phát hiện tàu địch khi còn cách mục tiêu khoảng 30m, ông Vanh ra lệnh phát hỏa. Hàng loạt thủ pháo, cùng những phát đạn B40 xuyên thẳng vào mục tiêu. Bị đánh bất ngờ, một vầng lửa trùm lên boong tàu. Hỏa lực trên tàu địch câm bặt. Nhưng tàu địch thứ hai đã áp sát. Các cỡ súng địch dồn vào thuyền của Nguyễn Bá Vanh và Hồ Xuân Kế. Các chiến sĩ dân quân vừa lái thuyền tránh né vừa dũng cảm đánh trả. Nhưng tiếng súng dần im bởi liền một lúc 5 chiến sĩ trúng đạn. Chiến sĩ Hồ Xuân Kế quát giục hối thúc đồng đội bơi thoát nhanh vào bờ để anh chặn hậu. Trong đêm tối bị thương nặng, Nguyễn Bá Vanh cùng 2 người nữa cố lết vào bờ. Ngoảnh lại con thuyền trên đó có chiến sĩ dân quân Hồ Xuân Kế phút chốc đã khuất chìm trong biển đêm đen kịt.
Cuộc tập kích bất ngờ đánh chìm một tàu địch ấy và vài trận đánh sau đó đã khiến tàu giặc không dám áp sát bờ gây tội ác mà chỉ lảng vảng ngoài xa.
Chiến công đêm Rằm tháng Bảy năm 1968 của dân quân biển Quỳnh Long đã mau chóng loang khắp. Báo Quân Đội Nhân Dân tường thuật liền hai số báo. Nhưng họ không sao tìm được tấm ảnh nào của người dân quân dũng cảm Hồ Xuân Kế. Bởi cho đến lúc hy sinh đêm 8/8/1968 ấy ở tuổi 44, người ngư dân làng biển Quỳnh Long chất phác lam làm ấy chưa bao giờ được chụp tấm hình nào!
Ít tháng sau, tổ phóng viên ấy đã quay lại. Đi theo họ có một ông họa sĩ. Ông gọi mấy anh em Hồ Bất Khuất lại. Hỏi em nào giống cha nhất? Khuất buột thưa: “đứa mô cũng có nét giống cha…”
Ông họa sĩ chăm chú ngó từng đứa rồi chiếc bút chì trên tay bắt đầu hoạt mau. Sau phác thảo, mới dặm thêm màu. Đó là bức hình thờ Liệt sĩ Hồ Xuân Kế.
Trở lại với những chiếc thuyền kiên cường của Hải đội Quỳnh Long. Cuộc chiến mỗi ngày thêm ác liệt. Bom vẫn thả. Pháo từ tàu chiến vẫn rót vào làng. Nhưng tàu địch đã bớt ngông nghênh như trước.
Ngày 17/4/1972 Hải đội dân quân Quỳnh Lập bằng pháo 75mm đã bắn cháy 1 tàu chiến địch. Ngày 27/5 dân quân Nghi Hải bắn rơi 1 chiếc máy bay F4, chiến công nối tiếp chiến công.
Ngày 29/10/1972 bằng 2 loạt đạn 12,7 ly dân quân xã Quỳnh Long- Quỳnh Thuận đã bắn rơi tại chỗ 1 máy bay F8. Như một bó đuốc khổng lồ, chiếc F8 cắm đầu xuống biển. Một vầng dù đỏ bung ra tà tà lướt về phía núi Kiến trước làng Quỳnh Long.
Nguyễn Bá Vanh, người chiến sĩ dân quân dũng cảm dự trận đánh tàu giặc năm 1968 ấy thời điểm đó lại cùng anh em nhanh chóng đi bắt giặc lái. Theo sau thuyền của Nguyễn Bá Vanh là thuyền của các xóm Đại Liên, Cộng Hòa...
Đội hình các Hải đội nhanh chóng vây chặt. Tên giặc lái đã kịp thu dù, lên chiếc xuồng cao su. Trong chớp mắt, Nguyễn Bá Vanh đã nhẩy phốc từ thuyền sang chiếc xuồng cao su ghì cứng cổ tên giặc lái.
Đến lúc này không gian bờ biển Quỳnh Long như vỡ vụn vì tiếng động cơ của các loại máy bay F4, F.105, AD6 và trực thăng. Thời gian trên chiếc xuồng cao su, tên giặc lái đã kịp gọi cứu. Đến tận thời điểm này, dân Quỳnh Long nhiều người còn nhớ họ đếm được cả thảy 21 chiếc máy bay các loại của giặc quây tụ trên trời. Như đã được phân công phân nhiệm, chiếc thì bom uỳnh oàng phía xa, chiếc thì nhào xuống xả đạn 20 ly như vãi trấu quanh mấy chiếc thuyền lúc này đã lôi cổ được tên giặc lái lên.
Hai chiếc trực thăng sà thấp tiến hành thả thang dây. Hàng loạt đạn AK của dân quân làm chúng phải vội vã bốc lên. Hỏa lực địch dày đặc nhưng chừng như chúng cũng phải né vì quá tay sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của tên phi công!
Đạn trên máy bay xả xuống dầy đặc như lời đe dọa lạnh lùng. Trận chiến bắt đầu từ 10h30. Chắc từ trên máy bay, chúng đều rõ mồn một hình ảnh tên phi công bị vây bọc bởi các chiến sĩ dân quân. Người đang ghì cổ hắn là Nguyễn Bá Vanh!
Nhưng rồi anh Vụ hy sinh. Anh Vanh, anh Sin xã đội phó bị thương nặng. Tên phi công cũng bị thương khá nặng.
Máu từ vết thương của Nguyễn Bá Vanh tuôn ra nhuộm đỏ cả người tên giặc lái. Sau 2 giờ huyết chiến, những tràng đạn 20 ly như dày đặc hơn cắm xuống. Như báo hiệu đối phương đã phải bỏ cuộc. Đã phải buông phải bỏ đồng đội. Trận hải chiến bi hùng không cân sức cũng kết thúc! Có lẽ trong cuộc chiến tranh vệ quốc, khó có trận đánh nào bi hùng hơn cuộc đọ sức giữa hỏa lực dân quân non yếu với lực lượng hùng hậu của địch!
Có người nói giặc đã trút, đã đổ xuống mấy con thuyền có tên giặc lái ấy một núi bom đạn! Lại có người nói vào đến bờ anh dân quân Nguyễn Bá Vanh đã tắt thở nhưng vẫn ôm cứng lấy xác tên phi công? Nhưng nhiều người khẳng định anh Nguyễn Bá Vanh vào bờ được đưa đi bệnh viện rồi mới hy sinh?
Cuốn sổ biên việc của tôi hồi nãy hằn thêm mấy dòng về miền quê bất khuất Quỳnh Long.
… Quỳnh Long là xã ven biển phía nam của huyện Quỳnh Lưu có hai cửa lạch là Lạch Quèn và Lạch Thới. Trong những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Quỳnh Long là “túi bom” với mật độ đánh dày đặc và ác liệt. Chỉ tính từ năm 1968 - 1972, không quân và hải quân Mỹ đã đánh vào xã 540 trận lớn nhỏ, gồm 16.000 tấn bom đạn các loại, trên 3.700 quả đại bác từ tàu biển bắn vào xã mang tính hủy diệt. Có 445 lần địch cho biệt kích đến tập kích vùng biển Quỳnh Long, vây bắt hơn 100 ngư dân đang đánh bắt hải sản...
… Ông bạn đồng nghiệp Hồ Bất Khuất đưa chúng tôi lên dâng hương trước mộ người Anh hùng LLVT Nguyễn Bá Vanh ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quỳnh Long. Không xa là phần mộ của thân phụ anh, ông Hồ Xuân Kế. Và mộ phần của mấy dân quân hy sinh trong hai trận đánh.
Hồ Bất Khuất cũng dẫn chúng tôi ghé lại chân núi Kiến chỗ mộ viên phi công lái chiếc F.8 năm nào. Mộ ấy nằm ở địa thế đẹp: đầu gối lên núi, chân hướng ra biển xa. Hài cốt được cất bốc đưa về Mỹ, năm 1978.
Xác chiếc tàu bay gửi dưới lòng biển Quỳnh Long năm 1968 xa ấy cũng được trục vớt!
… Trên xe về Hà Nội, anh bạn đồng nghiệp như chợt nhớ ra điều gì, hỏi Hồ Bất Khuất rằng cái tên Bất Khuất có phải ông cụ nhà đặt cho không? Khác với cung cách ăn to nói lớn, Khuất gật đầu rồi khẽ khàng. Cái ông họa sĩ họa ông cụ mình cũng tàm tạm. Ông bố mình khá cao to, 1 mét 72…
Ông bạn Hồ Bất Khuất cũng tầm vóc như bố. Cùng cái tên như lời răn cho hậu thế!