Đặc biệt mỗi lúc bóng đá Việt Nam có chuyện, như ĐTQG thua hoặc giải V-League gặp sự cố thì chuyện này thường bị lôi ra để mỉa mai. Ông Nguyễn Trọng Hỷ, mang hàm thứ trưởng, có lẽ là không mấy vui.
Đơn cử như hồi cuối mùa giải 2011, khi ông Nguyễn Trọng Hỷ đặt vấn đề với kết quả trận thua ngược của Thanh Hoá trước đội bóng láng giềng SLNA, HLV Lê Thuỵ Hải dẫn dắt Thanh Hoá khi đó đã làm một câu, “Ông Hỷ là dân bóng rổ chứ có phải bóng đá đâu”.
Tôi thấy ít người trong làng bóng để bụng ông Hải “lơ”, vì ông vốn trực ngôn. Nhưng về sau này ngẫm lại thì thấy cách đánh giá về ông Nguyễn Trọng Hỷ vẻ như là chưa ổn. Thi thoảng ngồi với anh em phóng viên, ông Hỷ lại nói vui: “Các cậu cứ nói thế, chứ tớ có nghề quản lý”. “Cậu, tớ” là cách xưng hô khi thân mật của ông Nguyễn Trọng Hỷ với cánh báo chí thân quen.
Ông Nguyễn Trọng Hỷ không cần là một cầu thủ xuất sắc, bởi ở VFF đã có cả một hệ thống phụ trách về chuyên môn, từ Hội đồng HLV quốc gia tới Phòng các ĐTQG…Các mảng tài chính, chuyên môn, hay điều hành hoạt động của VFF, ông Nguyễn Trọng Hỷ đều có những nhân vật được đánh giá là giỏi ở mảng mình phụ trách phụ giúp. Nếu xét về thành tích, có lẽ nhiệm kỳ ông Nguyễn Trọng Hỷ, bóng đá Việt Nam gặt hái nhiều thành tích cao nhất: Vô địch AFF Cup 2008, HCB SEA Games 2009 hay ĐTQG vào Tứ kết Asian Cup 2007.
Dĩ nhiên, sẽ là tốt hơn nếu ông chủ tịch vừa là một nhà quản lý giỏi, lại có chuyên môn xuất sắc, nhưng chuyên môn tốt không đồng nghĩa có thể làm một nhà lãnh đạo giỏi. Bóng đá thế giới không thiếu dẫn chứng về chuyện này.
Trở lại chuyện bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Ông Thiện mới đây đã được giới thiệu ra tranh cử chức chủ tịch VFF nhiệm kỳ 8. Vài ý kiến băn khoăn về sự chồng chéo giữa vai trò lãnh đạo bộ với một vị chủ tịch liên đoàn. Đặt vấn đề như vậy không sai nhưng có lẽ là chưa
đầy đủ.
Đầu tiên phải nói thẳng là theo tìm hiểu, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện không phải phương án đầu tiên ngành thể thao và VFF nhắm tới khi giới thiệu vào chiếc ghế Chủ tịch VFF. Một loạt doanh nhân có tầm cỡ lớn đã được ướm lời, gần nhất như ông bầu Đỗ Quang Hiển, nhưng đều từ chối. Trong khi đó sau khi Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn không thể tranh cử, các ứng viên còn lại cho vị trí chủ tịch VFF đều chưa thoả mãn được mong đợi của bóng đá.
Quan trọng hơn, tình trạng đấu đá, tranh giành ghế trước Đại hội 8 đặt bóng đá Việt Nam trước nguy cơ bị dẫn dắt bởi một vị chủ tịch không có tầm, và đặc biệt thiếu tâm. Trong bối cảnh này, một chính khách tầm cỡ như Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện được đánh giá là phương án đảm bảo ổn định tình hình, không để bóng đá rơi vào cảnh mất kiểm soát. Trách nhiệm đầu tiên, và cũng lớn nhất của bộ trưởng, là cất nhắc người đúng vị trí, năng lực.
Giải quyết tốt chuyện này coi như bộ trưởng đã xong gần nửa trách nhiệm trên cương vị chủ tịch VFF.
Tôi từng có lúc “phản biện” vui các đồng nghiệp: “Ông Nguyễn Ngọc Thiện là Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, thế thì ông ấy có nhất thiết phải bắn súng chuẩn như Hoàng Xuân Vinh, bơi nhanh hơn Ánh Viên hay dứt điểm đẹp như Công Phượng hay không?”. Câu trả lời chắc chắn là không. Ông Nguyễn Ngọc Thiện không cần xuất chúng như vậy, bởi đã có hẳn một cơ quan rất lớn là Tổng cục TDTT, chuyên đảm trách tư vấn về chuyên môn cho bộ trưởng.