GĐ lĩnh lương 2,6 tỷ, Chủ tịch TPHCM: "Trị tới nơi tới chốn'

GĐ lĩnh lương 2,6 tỷ, Chủ tịch TPHCM: "Trị tới nơi tới chốn'
TP - Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã nhấn mạnh như vậy khi đề cập việc Giám đốc công ty công ích lĩnh lương khủng tới 2,6 tỷ đồng/năm.

> Chủ tịch TP HCM 'choáng' với mức lương 2,6 tỷ đồng
> Lương 2,6 tỷ đồng/năm: ‘Cách tính lương có vấn đề’

Theo công bố của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM (LĐ-TB&XH) tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách của UBND TPHCM ngày 29/8, ở TPHCM hiện có ít nhất 8 doanh nghiệp (DN) công ích của nhà nước bớt xén quyền lợi chính đáng của người lao động để làm giàu cho lãnh đạo.

Sai về quản lý tài chính và đạo đức

Công nhân Công ty Công viên cây xanh xử lý sự cố cây đổ trên đường Võ Thị Sáu. Năm 2013, ngân sách chi hơn 500 tỷ đồng duy trì mảng xanh. Ảnh: LT
Công nhân Công ty Công viên cây xanh xử lý sự cố cây đổ trên đường Võ Thị Sáu. Năm 2013, ngân sách chi hơn 500 tỷ đồng duy trì mảng xanh. Ảnh: LT.
 

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân bức xúc: “Thông tin nóng nhất mấy ngày nay là chuyện lương giám đốc công ty dịch vụ công ích 2,6 tỷ đồng/năm, cao quá, ai cũng choáng. Tôi đi đâu cũng nghe người ta bàn tán, sao giám đốc ở TPHCM giỏi dữ vậy”.

 “Cái tội của các anh lớn lắm. Các anh bớt lương, bớt thu nhập của người lao động làm giàu cho lãnh đạo. Làm như thế sai hoàn toàn, cả về quan điểm lẫn đạo đức. Tội này phải trị tới nơi, tới chốn, không phải cứ trả lại là xong”. 

Chủ tịch UBND TPHCM
Lê Hoàng Quân

Được mời giải thích, Phó Giám đốc Sơ GTVT Dương Hồng Thanh “chối”: Bốn công ty này chuyển thành Công ty TNHH một thành viên (MTV) từ năm 2010, không còn trực thuộc Sở GTVT, lãnh đạo Sở GTVT không còn duyệt quỹ lương nữa. Ông Quân ngắt lời: “Không còn thuộc trách nhiệm của Sở GTVT, vậy là của UBND thành phố?”. Ông Thanh trả lời: “Dạ, em không nói vậy, không phải vậy. Hiện nay, các sở đang rà soát việc quản lý, chi trả lương...”.

Trước câu hỏi truy của ông Quân “Không quản thì rà soát làm gì? Có quy định nào cho chuyển hợp đồng lao động từ dài hạn sang ngắn hạn không?”, ông Thanh thừa nhận: “Cái đó sai hoàn toàn rồi”.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Huỳnh Thanh Khiết cho hay, mới đây, Sở LĐ-TB&XH có phối hợp với Chi cục Tài chính thanh tra 8 DN công ích 100% vốn nhà nước, hầu hết đều sai phạm. Sai phạm chủ yếu là các đơn vị chỉ ký hợp đồng thời vụ với hầu hết người lao động đủ điều kiện hợp đồng có thời hạn; ký hợp đồng có thời hạn cho những người đủ điều kiện vô thời hạn. Họ thậm chí ký hợp đồng lao động 3 tháng/lần, để không đóng bảo hiểm xã hội. Quá đáng hơn, các đơn vị trên cũng lấy quỹ lương của người lao động để chi trả cho cán bộ viên chức quản lý.“Hành vi này hoàn toàn sai kể cả về quản lý tài chính và đạo đức” - ông Khiết khẳng định.

Theo bà Lê Ngọc Thùy Trang, Chi cục trưởng Chi cục tài chính doanh nghiệp Nhà nước (Sở Tài chính), các đơn vị lấy quỹ lương của người lao động trả cho ban điều hành là cố tình làm sai. Thông tư 27 của Bộ Tài chính quy định có hai quỹ tiền lương của người lao động và của ban điều hành, không được lấy quỹ tiền lương chung để chi cho ban điều hành. Theo quy định, quỹ tiền lương của ban điều hành do UBND thành phố phê duyệt hằng năm, còn tiền lương của người lao động tính theo đơn giá.

“Mỗi năm, các công ty TNHH MTV phải báo cáo quỹ tiền lương thực hiện theo phê duyệt của UBND TPHCM làm cơ sở giám sát, quản lý và giao định mức hằng năm nhưng hiện nay không có DN nào chấp hành”- Bà Trang cho biết.

Sẽ xử nghiêm

Ông Lê Hoàng Quân nói thẳng: “Cái tội của các anh lớn lắm. Các anh bớt lương, bớt thu nhập của người lao động làm giàu cho lãnh đạo. Làm như thế sai hoàn toàn, cả về quan điểm lẫn đạo đức. Tội này phải trị tới nơi, tới chốn, không phải cứ trả lại là xong”.

“Nếu không là DN nhà nước, nhà nước không đầu tư cho anh, anh làm ăn có lời được như thế không? Trong lúc cả nước và TPHCM đang nỗ lực vượt khó thì các anh lại làm như vậy, trả lời như vậy có thấu tình đạt lý không? Tôi yêu cầu cơ quan chức năng tổng kiểm tra ngay quỹ lương của 53 DN thuộc UBND TPHCM chấn chỉnh, nhanh chóng lập lại ngay kỷ cương, ý thức trách nhiệm, không thể cứ cho rằng không đụng tới tiền nhà nước thì muốn chia làm sao thì chia, muốn làm gì thì làm” – ông Quân chỉ đạo.

Ông Lê Hoàng Quân tiết lộ, trước khi kiểm tra một số doanh nghiệp công ích ông đã phát hiện giám đốc một DN công ích hưởng lương 36 triệu đồng/tháng nên yêu cầu chấn chỉnh, xử lý. DN đó khiếu nại lên Thành ủy rằng, làm theo UBND TPHCM sẽ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thu nhập của cán bộ công nhân viên. Nhờ DN này khiếu nại, UBND TPHCM cho kiểm tra luôn các DN khác mới lòi ra việc chi lương như vậy. Đúng là thu nhập của công nhân có giảm nhưng không phải do chủ trương mà là ban giám đốc làm sai để hưởng lương cao ngất trời.

Trao đổi với báo chí về giải trình của một số lãnh đạo công ty cho rằng, lương cao là do hoạt động hiệu quả nên có quyền sử dụng, ông Lê Hoàng Quân khẳng khái: Không đụng tới ngân sách nhưng nếu được bao nhiêu đem chia nhau hết bấy nhiêu thì còn gì là DN nhà nước. Tiền đó phải được dùng để nghiên cứu, tái sản xuất, đầu tư mở rộng, cải tiến công nghệ máy móc thiết bị và chăm lo cho đời sống người lao động chứ lãnh đạo không thể bỏ vào túi riêng được.

Hà Nội kiểm tra hàng loạt doanh nghiệp công ích

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 29/8, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, tại các doanh nghiệp công ích của Hà Nội chắc chắn không xảy ra tình trạng như TPHCM. Hằng năm, các doanh nghiệp này đều phải thực hiện theo “đặt hàng” công việc của thành phố và thang bảng lương của lãnh đạo các doanh nghiệp công ích phải do Sở LĐ-TB&XH xác định. Việc xác định diễn ra hằng năm và là căn cứ để trả lương. “Lương của lãnh đạo doanh nghiệp công ích tại Hà Nội cao lắm cũng chỉ khoảng 20 triệu đồng/tháng thôi, không có chuyện như TPHCM đâu”-ông Hùng nhận định.

Cũng theo ông Hùng, ngay đầu tuần tới, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội sẽ kiểm tra hàng loạt các doanh nghiệp công ích, trong đó kiểm tra cả mức lương của lãnh đạo và việc thực hiện Luật Lao động với người lao động. “Ngày mai tôi sẽ họp về việc này và ra quyết định để đầu tuần tới kiểm tra luôn” - ông Hùng cho biết. Dự kiến Sở LĐ-TB&XH sẽ kiểm tra khoảng 1/3 số doanh nghiệp công ích tại Hà Nội. Quá trình kiểm soát hằng năm, Sở LĐ-TB&XH mới phát hiện những sai sót nhỏ chứ chưa phát hiện tình trạng như ở TPHCM. Hà Nội làm đúng theo quy trình với sự kiểm soát của Sở Tài chính.

Về phần mình, đại diện lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội cho hay, chưa phát hiện trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp công ích nhà nước của thành phố nhận lương tiền tỷ mỗi năm như TPHCM.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG