Gặp người Vân Kiều cuối cùng cà răng

Tiếng khèn Pây lúc trầm, lúc bổng, lúc vui nhộn, lúc huyễn hoặc liêu trai (ảnh lớn). Những chiếc răng hàm dưới bị cà sát lợi nhưng già làng Hồ Cao luôn nở nụ cười thân thiện (ảnh nhỏ).
Tiếng khèn Pây lúc trầm, lúc bổng, lúc vui nhộn, lúc huyễn hoặc liêu trai (ảnh lớn). Những chiếc răng hàm dưới bị cà sát lợi nhưng già làng Hồ Cao luôn nở nụ cười thân thiện (ảnh nhỏ).
TP - “Bốn thanh niên lực lưỡng đè già nằm ngửa trên tảng đá, người giữ tay, người giữ chân, đầu hướng về suối, thầy mo cầm cục đá nhám cứ thế cà vào hàm răng dưới của già...

... Tiếng kêu kèn kẹt nghe đến rợn người, đau đến tận xương tủy, máu me tứa ra đầy cả vòm miệng. Thầy mo múc nước dưới suối tạt vào cho sạch máu rồi tiếp tục cà” - già làng Hồ Cao, người Vân Kiều ở Làng Ho, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), nhớ lại lễ cà răng của ông cách đây hơn 50 năm trước.

Lễ cà răng cuối cùng

Bản Làng Ho của tộc người Vân Kiều nằm dưới rặng núi Răng Lược, thuộc dãy Trường Sơn. Tộc người Vân Kiều ngày nay sinh sống trải rộng từ Tây Nam Quảng Bình vào đến Tây Bắc Quảng Trị, nhưng người Làng Ho luôn tự hào, núi Răng Lược là đỉnh cao nhất của dãy Trường Sơn và là nơi sinh ra thủy tổ của tộc người Vân Kiều.

Ngồi bên cửa sổ của ngôi nhà sàn nhỏ nhắn nhưng khá tươm tất của mình, già làng Hồ Cao nhìn xa xăm về phía đỉnh núi Răng Lược, như để lục tìm trong ký ức, về cái ngày ông được Hội đồng già làng chọn làm thủ lĩnh bảo vệ và dẫn dắt tinh thần của tộc người Vân Kiều ở Làng Ho.

Ông nói, cho đến nay đã hơn 70 tuổi, nhưng ông vẫn chưa luận giải được vì sao ngày đó mọi người lại chọn ông mà không phải ai khác. Bởi người Vân Kiều xưa nay, chức vị thủ lĩnh thường được nối đời, nhưng cả ông nội và bố của ông không ai làm thủ lĩnh. Ông chỉ nhớ cái ngày ông tròn 18 tuổi, tại buổi lễ mừng hồn trưởng thành, trước đông đảo dân bản, già làng Làng Ho dõng dạc tuyên bố: Hồ Cao được chọn làm thủ lĩnh dẫn dắt tộc người Vân Kiều.

Lúc ông đang rất bất ngờ và sung sướng trong tiếng vỗ tay chúc mừng của mọi người, thì 4 thanh niên lực lưỡng sấn đến, xách nách ông ra bờ suối, theo sau là một thầy mo uy tín trong bản. Già làng Hồ Cao lí giải, có lẽ, trước đó, Hội đồng già làng đã bàn bạc thống nhất với ông nội và cha của ông rồi, nên khi nghe tuyên bố, cả hai người không hề có biểu hiện bất ngờ gì cả.

Ra đến bờ suối, thầy mo đặt lễ trên một tảng đá to cạnh bờ suối, khấn vái thần linh xong, bảo ông nằm lên tảng đá. Già làng Hồ Cao nhớ lại: “Bốn thanh niên lực lưỡng đè già nằm ngửa trên tảng đá, người giữ tay, người giữ chân, đầu hướng về suối, thầy mo cầm cục đá nhám cứ thế cà vào hàm răng dưới của già, tiếng kêu kèn kẹt nghe đến rợn người, đau đến tận xương tủy, máu me tứa ra đầy cả vòm miệng. Thầy mo múc nước dưới suối tạt vào cho sạch máu rồi tiếp tục cà. Họ cà từ sáng đến trưa, mặc già vật vã, van xin, cho đến khi hàm răng dưới bằng với lợi mới dừng lại, trừ 4 cái răng cấm không cà”.

Già làng Hồ Cao kể tiếp: Cà răng xong, máu chảy không ngừng, nhức buốt cả người, dòng suối đỏ cả một khúc. Nhưng khi thầy mo lấy lá cây kỳ chắc đắp vào, máu ngừng chảy, cảm giác đau nhức không còn. Thầy mo bảo ông xuống suối bắt cho được 7 con cá xanh để về bản làm lễ nhậm chức thủ lĩnh. Về đến bản, mọi người tập trung đông đủ, già làng đặt 7 con cá của ông cùng các lễ vật khác lên khấn vái, công bố với trời đất về việc ông được chọn làm thủ lĩnh bảo vệ và dẫn dắt tinh thần của tộc người Vân Kiều ở Làng Ho. Tại buổi lễ này, ông cũng được trao hai thứ linh vật truyền đời là A Châu (dao cầu hồn) và Pây (khèn thổi hồn), cùng những câu chú để điều khiển hai linh vật đó.

Gặp người Vân Kiều cuối cùng cà răng ảnh 1

Người Vân Kiều làm lễ cột cỏ máu để giữ hồn cho một đứa bé.

Hai linh vật kỳ bí

Già làng Hồ Cao cho biết: Hai linh vật truyền đời hàng trăm năm của tộc người Vân Kiều mà ông đang nắm giữ, là hai báu vật của bản làng, nếu thiếu nó, tộc người Vân Kiều sẽ bị diệt vong. A Châu là một cây dao dài chừng 80mm, lưỡi thép, mũi nhọn, chuôi bằng ngà voi; còn Pây là một chiếc khèn dạng như sáo nhưng nhiều lỗ hơn, được làm từ cây lồ ô trên rừng già. Theo già làng Hồ Cao, hai linh vật này được dùng trong các buổi lễ như: buộc cỏ máu giữ hồn cho đứa trẻ mới sinh, mừng hồn lúc đứa trẻ lên 8 tuổi và mừng hồn trưởng thành lúc 18 tuổi, hay làm lễ tiễn hồn về trời khi người Vân Kiều qua đời. Cả hai thứ phải luôn đi cùng, nếu thiếu một trong hai thì không thể làm lễ.

Theo quan niệm của người Vân Kiều, hồn là một thứ vô hình nhưng là nguồn sống của con người, nếu hồn bỏ đi thì con người sẽ chết. Hồn tồn tại vĩnh cửu và tái sinh như thuyết luân hồi của đạo Phật. Vậy nên, người Vân Kiều có hai dạng tế lễ: giữ hồn và tiễn hồn.

Khi đứa trẻ ra đời, người Vân Kiều làm lễ bộc cỏ máu (Xa na chiết), để giữ hồn cho đứa trẻ, đến 8 tuổi, làm lễ mừng hồn đã không bỏ đứa trẻ mà đi và 18 tuổi làm lễ mừng hồn trưởng thành. Tất cả những buổi lễ này đều phải có sự hiện diện của hai linh vật nói trên. Con dao được xuyên qua lễ vật (gà, heo...), phần chuôi đặt trong một bát gạo, sau khi chủ tế đọc thần chú, tiếng khèn Pây vang lên, con dao sẽ đứng yên không bị đổ, đó là dấu hiệu của buổi lễ thành công.

Còn với lễ tiễn hồn của người chết để về trời, già làng Hồ Cao cho biết: Sau khi chôn cất người đã khuất một ngày, gia đình có người chết sẽ mời ông đến làm lễ tiễn hồn về trời. Lễ vật là một cái đầu heo nấu chín, xâu vào lưỡi dao, chuôi dao đặt trong một bát gạo. Sau câu thần chú, thả tay ra và ngay lập tức phải thổi khèn Pây để giữ dao không bị đổ. Nếu dao không đổ, đầu heo không bị rơi, có nghĩa hồn người chết đang đến núi Răng Lược để về trời. Nếu con dao đổ, đầu heo rơi thì hồn người chết không về trời được, phải đến năm sau làm lại”.

Già làng Hồ Cao tự hào, đã hơn 50 năm cầu hồn, nhưng chưa bao giờ thất bại. Ông  đứng lên, cung kính vái lạy tổ tiên, rồi cẩn thận mang chiếc khèn Pây từ trang thờ ra thổi cho chúng tôi nghe. Tiếng khèn không trong trẻo như sáo nhưng nhịp điệu lại rất linh hoạt, lúc bổng, lúc trầm, lúc vui nhộn, lúc huyễn hoặc liêu trai... “Trong mỗi buổi lễ tế khác nhau, tiếng khèn Pây cũng khác nhau. Khi tiếng khèn vui nhộn là lúc dành cho các buổi lễ giỗ sống mừng hồn, còn khi trầm buồn là để tiễn hồn về với trời, với tổ tiên. Thổi càng hay thì dao đứng càng lâu, già thổi cho dao đứng lâu nhất là 30 phút. Khi mọi thứ đã xong thì có cố thổi mấy, khèn cũng không thành tiếng, dao cũng không muốn đứng nữa, vì hồn người Vân Kiều lúc đó đã thật sự rời khỏi bản làng, không bao giờ vương vấn cõi trần”.

Ông chiêm nghiệm, không có nỗi đau thể xác nào bằng việc cà răng. Người thủ lĩnh phải trải qua nỗi đau ấy mới có đầy đủ tự tin, bản lĩnh để dẫn dắt bản làng của mình. Từ một thanh niên bình thường, ông trở thành một người ở đẳng cấp khác, đi đâu cũng được dân bản, từ người già đến trẻ con kính trọng. Nhất là các cô gái trong bản, ai cũng đắm đuối muốn được làm vợ ông.

Cuối cùng, ông cũng chọn được một người vợ, mà theo ông là đẹp nhất bản, cả người lẫn nết. Hai ông bà sinh được 7 người con. Và đứa cháu đích tôn, khi tròn 18 tuổi, sẽ được ông chọn truyền đời làm thủ lĩnh của tộc người Vân Kiều. Người kế tục ông tới đây sẽ được bỏ qua lễ cà răng, mà theo ông là “để phù hợp với thời đại”.

MỚI - NÓNG