Gặp lại người Việt duy nhất trên bè tre vượt Thái Bình Dương

 Ảnh chụp ông Lợi (ngoài cùng phía tay phải) và đoàn thám hiểm vượt Thái Bình Dương trên bìa cuốn sách “Bè tre Việt Nam du ký 5.500 dặm vượt Thái Bình Dương”
Ảnh chụp ông Lợi (ngoài cùng phía tay phải) và đoàn thám hiểm vượt Thái Bình Dương trên bìa cuốn sách “Bè tre Việt Nam du ký 5.500 dặm vượt Thái Bình Dương”
Không có tàu to, thuyền lớn, chỉ bằng những cây tre, cây luồng của Việt Nam kết lại thành bè, đoàn thám hiểm vẫn đi được nửa vòng Trái Đất, làm nên những điều kỳ tích.

Đó là câu chuyện của ông Lương Viết Lợi ở phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa - người đã chỉ huy đóng chiếc bè mảng và đã cùng đoàn thám hiểm của nhà văn, nhà du lịch, nhà thám hiểm Tim Severin vượt qua nửa vòng Trái Đất trên chính chiếc bè tre của người Việt Nam cách đây tròn 20 năm.

Chúng tôi gặp ông Lợi tại Sầm Sơn trong một buổi chiều nắng nóng. Giờ đây, ông đã bước vào tuổi 50, vẫn rất tráng kiện với nước da sẫm màu đặc trưng của người dân vùng biển.

Nói về chuyến vượt Thái Bình Dương - chuyến đi nửa vòng Trái Đất với chiều dài 5.500 dặm trong thời gian 6 tháng của 20 năm trước, ông vẫn nhớ như in. Với ông, đó không chỉ là niềm tự hào của bản thân mà còn là niềm tự hào của người Việt Nam, bởi ông là người Việt Nam duy nhất đi cùng đoàn. Tham gia đoàn thám hiểm lúc đó gồm 5 người, ông Tim Severin, người Iceland là thuyền trưởng và ông Lợi là thuyền phó.

Ông Lợi cho biết năm 1991, được phép của Bộ Văn hóa khi đó, một nhóm các nhà thám hiểm, đứng đầu là nhà văn-nhà du lịch- nhà thám hiểm Tim Severin đã đến Sầm Sơn tìm hiểu về nghề đi biển bằng bè mảng tại đây.

Đến tháng 9/1992, mọi người bắt tay vào làm chiếc mảng. Khoảng 500 cây luồng với hơn 40 người thợ làm ngày đêm. Từ những cây luồng, qua bàn tay của người thợ và được kết nối với nhau bằng những sợi dây mây đã dần hình thành một chiếc mảng “khổng lồ.”

Theo ông Lợi, có khoảng 100km dây mây đã được dùng để làm chiếc mảng. Sau 6 tháng thực hiện, đến tháng 3/1993 chiếc mảng đã được hoàn thành. Mảng có kích thước dài 20m, rộng 6m, cao gần 1m với 4 lớp luồng và cứ một lớp luồng có một lớp gỗ, được buộc bằng hàng ngàn mối lạt mây.

Riêng những cánh buồm được gia công cắt may tại Quảng Ninh. Điều đặc biệt là chiếc mảng không dùng một chiếc đinh sắt hay dây nilon nào.

Ngày 16/3/1993, mảng được làm lễ hạ thủy tại đền Độc Cước, thị xã Sầm Sơn trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương và đông đảo người dân. Sau khi làm lễ hạ thủy, chiếc mảng được một con tàu khác kéo ra Quảng Ninh để lắp buồm. Từ Quảng Ninh, tháng 4/1993, mảng được đưa lên tàu chở sang Hong Kong.

Đến tháng 5/1993, chiếc mảng mang hai quốc kỳ của Việt Nam và Iceland đã đưa các nhà thám hiểm bắt đầu khởi hành từ Hong Kong. Trong chuyến đi này, ông Lợi được giao nhiệm vụ lái chính chiếc bè và phụ trách kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho bè. Hôm nào ít sóng gió, ông Lợi ngụp lặn xuống kiểm tra xem phía dưới bè có chỗ nào hư hỏng để kịp thời gia cố, sửa chữa.

Gặp lại người Việt duy nhất trên bè tre vượt Thái Bình Dương ảnh 1

Phóng viên cùng ông Lợi bên quyển sách Bè tre Việt Nam du ký. (Ảnh: Duy Hưng/Vietnam+)

Ông Lợi cho biết đoàn thám hiểm đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Đầu tiên là trận bão trên đường đi từ Hong Kong đến Đài Loan đã làm cột buồm bị gãy do cả đoàn chưa có kinh nghiệm không hạ hết cột buồn khi có gió lớn. Sự cố này không làm nản chí của các thành viên trong đoàn.

Sau khi đưa bè tre vào Nhật Bản sửa chữa, đoàn tiếp tục hành trình hướng tới vùng biển San Francisco miền Tây nước Mỹ. Trên hành trình vượt Thái Bình Dương, đoàn đã gặp 4 trận bão, 2 lần đối mặt với cái chết do suýt đụng tàu lớn và một lần gặp hải tặc.

Sau gần 6 tháng lênh đên trên biển, khi chiếc mảng còn cách bờ biển bang California, Mỹ khoảng 1.000 hải lý, nghe tin sắp có bão lớn và một số cây luồng đã bị tuột khỏi các nút, cả đoàn buộc phải rời mảng lên tàu trở về Tokyo kết thúc chuyến hành trình vượt Thái Bình Dương với hơn 5.500 hải lý.

Toàn bộ chuyến hành trình này đã được Tim Severin ghi chép cẩn thận và viết quyển sách ''Bè tre Việt Nam du ký 5.500 dặm vượt Thái Bình Dương.'' Quyển sách này cũng đã được Nhà xuất bản trẻ dịch sang tiếng Việt và được in lần đầu 2.000 cuốn trong quý 2 năm nay.

Quyển sách kể về câu chuyện khác thường mà Tim Severin cùng đoàn thủy thủ đã tạo nên lịch sử hàng hải bằng cách vượt Thái Bình Dương trên một chiếc bè tre của Việt Nam. Mục đích của họ là thử nghiệm lý thuyết cho rằng những người đi biển châu Á đã đi tới châu Mỹ vào khoảng 2000 năm trước.

Ông Lương Viết Lợi cho biết thêm, sắp tới, ông sẽ cùng Ủy ban Nhân dân thị xã Sầm Sơn phục dựng chiếc bè độc đáo này.

Theo Theo Vietnam+
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.