Gặp hai nông dân kêu khó vay vốn: Ngân hàng gỡ được gì?

Ông Võ Quan Huy tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các NHTM ngày 9/5.
Ông Võ Quan Huy tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các NHTM ngày 9/5.
TP - Hai nông dân kêu khó vay vốn. Một người vướng bởi “lỗi” của ngân hàng còn cứng nhắc chu kỳ tín dụng, phần vướng còn lại bởi tài sản thế chấp đất đai còn thiếu căn cứ pháp lý nay bổ sung đủ là xong. Còn một người thì hóa ra  muốn kêu thay tiếng nói của hàng chục hộ nuôi tôm tại Sóc Trăng đang không vay được vốn vì dính nợ xấu. Ngân hàng cuối cùng “gỡ” khó được gì?

Không vay được vì  “dầy” nợ xấu

Sáng 8/5, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước (Hà Nội) diễn ra buổi làm việc giữa “nông dân” kêu khó vay vốn Võ Quan Huy, chủ tịch Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh. Phát biểu, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: Ngay sau khi các nông dân có ý kiến tại hội nghị, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại và chi nhánh NHNN các tỉnh có liên quan làm việc báo cáo rõ. Quan điểm là xử lý và gỡ vướng ngay  những gì thuộc về trách nhiệm của ngành.

Tại buổi làm việc, ông Vũ Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ các ngành kinh tế thông tin ngay: nắm bắt thông tin từ NHNN các chi nhánh Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu và tra cứu qua trung tâm thông tin tín dụng (CIC), ông Võ Quan Huy và con trai Võ Quan Thuận là Tổng Giám đốc/Giám đốc của 3 Công ty đang có dư nợ khoảng 168,203 tỷ đồng tại các tổ chức tín dụng và toàn bộ khoản là nợ nhóm 1 và không có nợ xấu trong 5 năm gần nhất. Lãi suất các khoản vay của nông dân này đều đúng quy định, thậm chí được xem là giá vốn rẻ (lãi suất vay sản xuất 6,5%). “Nói chung, anh Võ Quan Huy là khách hàng tốt thậm chí trong hạn mức tín dụng vẫn còn dư nợ tới 9 tỷ không vay đến”, ông Hùng nói.

Vậy vấn đề ông Huy kêu khó tiếp cận vốn là gì? Qua phản ánh của một số TCTD trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, ông Võ Quan Huy hiện đang là chủ tịch hiệp hội tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng. Việc ông Huy phản ánh cần vay vốn không phải cho cá nhân ông mà là kiến nghị cho các thành viên Hiệp hội. “Tại hội nghị đối thoại 19/4 với Thủ tướng, tôi được phân công nói về các vấn đề đất đai, nhưng sau do có nhiều ý kiến nên ban tổ chức bảo tôi đổi sang nói về tiếp cận vốn. Tôi muốn đề xuất nguyện vọng của một số hộ dân trong Hiệp hội tôm”, ông Huy cho hay.  

Tuy vậy, theo đại diện NHNN, hiện Hiệp hội tôm Mỹ Thanh Sóc Trăng do ông Huy làm chủ tịch có 175 hội viên thì Agribank chi nhánh Sóc Trăng đang cho vay 15 công ty là thành viên của Hiệp hội tôm và hầu hết đều rơi vào tình trạng “tê liệt” tín dụng. Cụ thể, đến nay chỉ có 3 thành viên của Hiệp hội có hoạt động sản xuất kinh doanh dần ổn định và có dấu hiệu khởi sắc và đang có dư nợ là 52,2 tỷ đồng; 2 thành viên đã tất toán nợ còn 10 thành viên còn lại, đều rơi vào nợ xấu khó đòi và Agribank đã bán nợ cho VAMC với số dư nợ lên tới 399,83 tỷ đồng. “Nợ xấu lớn và đã bán cho VMAC đó là lý do vì sao các nông dân của Hiệp hội tôm mà bác Huy lên tiếng kêu không vay được vốn”, ông Hùng cho biết.

Tìm cách gỡ

Trước đó, đúng 10 ngày sau buổi đối thoại 19/4, diễn ra buổi làm việc với nông dân Tô Hiến Thành tại Bắc Giang. Tại đây, bác Thành kể: “Tôi nằm trong nhóm khách hàng đang được Chính phủ khuyến khích đầu tư nông nghiệp sạch, công nghệ cao nhưng bất cập ở chỗ ví như chu kỳ lứa lợn nuôi bán cho Trung Quốc chỉ 3 tháng trong khi tôi nuôi lợn Organic (lợn sạch - hữu cơ) quy trình phải tốn 7,5 tháng mới được xuất chuồng. Trong khi ngân hàng lại chỉ cho tôi vay vốn trong 6 tháng.Vì lợn chưa đến thời điểm xuất chuồng nên tôi phải đi vay lãi ngoài để trả ngân hàng”.

Ngoài ra, ông Thành kiến nghị đang có dự án về nuôi cá, liên quan đến tài sản thế chấp cần được xem xét đưa vào nhóm khách hàng ưu đãi theo Nghị định 55. “Tôi muốn nuôi cá công nghệ cao với tổng dự án dự kiến hết 8,6 tỷ đồng trong khi vốn tự có 4,6 tỷ và cần ngân hàng tạo điều kiện vay thêm 4 tỷ đồng. Đề nghị nghị một trong 2 ngân hàng (Agribank và VietinBank) xem xét tạo điều kiện”.

Cũng tại buổi trao đổi, nông dân Tô Hiến Thành nói thêm, việc ông phải vay tín dụng đen rất bất đắc dĩ. Vấn đề ở chỗ đất của ông có tài sản thế chấp, sổ đỏ nhưng được ngân hàng định giá quá thấp. “Gần 40 ha đất, tài sản trên đất có mà hạn mức cho vay chỉ được 2 tỷ đồng. Bản thân tôi thấy rất tâm tư. Thấy ngân hàng đánh giá tài sản trên đất chưa đúng kỳ vọng, ngoài ra là nông dân tôi còn được vay tín chấp.”, ông Thành nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) thừa nhận: Anh Thành là khách hàng tốt và cần vốn trong kinh doanh, trong khi các ngân hàng đang thừa vốn. Do đó rất cần sự chia sẻ, ngân hàng cần tin tưởng phục vụ khách hàng tốt.

Còn Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng lập tức chỉ ra: Vấn đề ở đây là Agribank chưa linh hoạt. Ví như chỉ cho vay vốn ngăn hạn 6 tháng trong khi lứa lợn nuôi 7,5 tháng mới được xuất chuồng (quy định tín dụng ngắn hạn chỉ được trong vòng 6 tháng). “Nếu thời gian vay chênh 1,5 tháng mà không có nợ xấu thì ngân hàng cần điều chỉnh chu kỳ vay nợ lên dài hơn;tạo điều kiện để người nông dân không phải đi vay tín dụng đen với lãi suất cắt cổ bù đắp trả nợ”, Phó Thống đốc Tú khẳng định.

Còn về vướng tài sản thế chấp, ngay sau đó  khi bên Tài nguyên Môi trường xử lý xong đất của bác Thành về tính pháp lý, các ngân hàng từ Agribank đến Vietinbank đồng loạt khẳng định sẽ xử lý ngay nhu cầu vay vốn bác Thành mong muốn.

Có không chuyện ngân hàng gây khó?

Tại buổi làm việc với “nông dân” Võ Quan Huy, Phó tổng giám đốc Agribank ông Phạm Toàn Vượng không giấu diếm: Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn vào khoảng 6,5%/năm nhưng nếu là khách hàng quá tốt lại cạnh tranh gay gắt nên có khách ngân hàng còn hạ xuống thấp hơn chỉ trên 5%. “Đến hết quý 1/2018 Agribank tăng trưởng dư nợ chưa tốt, tiền dư thừa phải gửi qua đêm của các ngân hàng khác.Nói thực không cần Chính phủ hay NHNN thúc giục chúng tôi mong cho vay ra lắm chứ làm sao dám làm khó cho nông dân”, lãnh đạo nhà băng này nói.

Theo ông Vượng, hiện cán bộ tín dụng của Agribank gắn bó với nông dân từ đầu đến cuối, 1 cán bộ phụ trách 500 khách hàng. Vấn đề ở chỗ cho vay của thủy sản đặc biệt miền Tây trước đây có những doanh nghiệp rất tốt Agribank cho vay tín chấp đến 50% nhưng rồi mất vốn thành nợ xấu. Do đó, đến nay ngân hàng không thể cứ tiếp tục cho vay thế được.

Đánh giá của các NHTM, trường hợp ông Huy và các công ty của ông có nhu cầu vay vốn sản xuất nuôi tôm thế chấp nhà màn thì có thể làm việc ngay với các TCTD trên địa bàn để được xem xét, giải quyết. Còn việc ông Huy kiến nghị cho Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, cần nêu cụ thể tên thành viên để NHNN chi nhánh các tỉnh chỉ đạo các TCTD trên địa bàn chủ động tiếp cận, xem xét cho vay. “Tuy nhiên, cho vay phục vụ nuôi tôm tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh, thị trường biến động. Vì vậy, ngân hàng khẳng định khách hàng cần chứng minh phương án sản xuất, năng lực tài chính, dòng tiền”, đại diện ngành NH lưu ý. 

Theo Thống đốc Tú, đúng là người nuôi tôm nhìn chung rất khó kể cả được giá được mùa vẫn thế vì có nhiều rủi ro dễ xảy ra.  Tuy nhiên, với ngân hàng, không thể cứ muốn vay bao nhiêu cũng là được vì còn nhiều điều kiện cần. “Hiện đã có chính sách quan trọng của Thủ tướng là quyết định 540 liên quan đến chính sách và gỡ khó trong lĩnh vực nuôi tôm, cá tra, ba sa mà NHNN là đơn vị đi đầu đề xuất giải quyết các vấn đề.”, Phó Thống đốc khẳng định.

Đối với việc việc định giá tài sản thấp liên quan đến tài sản thế chấp trường hợp bác Thành, theo ông.  đây không chỉ là vấn đề của riêng ông Thành mà của rất nhiều nông dân cần một giải pháp gỡ khó tổng thể lâu dài và sự vào cuộc của các bộ ngành.

Tại buổi đối thoại lần đầu giữa Thủ tướng tháng 4/2018, hai nông dân là bác Tô Hiến Thành (Bắc Giang) và bác Võ Quan Huy (Long An) đã lên  tiếng “kêu” đến Thủ tướng về việc khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Hư thực việc khó tiếp cận vốn thế nào, vấn đề đã được làm rõ. Thực tế ngân hàng cần giải ngân, có cơ hội là tiếp cận khách ngay, vì áp lực cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu có nợ xấu hay còn vướng các vấn đề pháp lý, cơ chế thì không thể bắt ngân hàng vượt qua, bỏ đi các  nguyên tắc trong tín dụng được.

MỚI - NÓNG