Ngày 30/11, tại hội nghị tổng kết công tác Lâm nghiệp năm 2018 tại các tỉnh phía Bắc, ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, khu vực này (31 tỉnh, từ Thừa Thiên-Huế trở ra) có diện tích rừng 8,73 triệu ha, chiếm 60,6 % diện tích có rừng cả nước, độ che phủ rừng đạt 49,84%.
Đến hết 30/11, toàn khu vực đã phát hiện 6.046 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, chiếm gần 50% số vụ vi phạm cả nước, giảm gần 1.100 vụ (15%) so với năm 2017.
Diện tích rừng bị thiệt hại trên 450 ha, giảm hơn 220 ha (33%) so với năm 2017. Đến nay, tổng số vụ việc đã xử lý là gần 5.378 vụ, trong đó khởi tố hình sự 66 vụ, xử lý hành chính 5.312 vụ.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là phá rừng trái pháp luật: Xảy ra 712 vụ, diện tích rừng bị phá 220 ha, giảm 162 ha (42%) so với năm 2017. Tình trạng phá rừng chủ yếu xảy ra tại các tỉnh Sơn La (132 vụ/20,4 ha), Lai Châu (103 vụ/18ha), Điện Biên (90 vụ/25 ha), Nghệ An (78 vụ/26ha).
Về khai thác rừng trái phép tới 373, xảy ra tại các tỉnh Tuyên Quang 40 vụ, Bắc Kạn 32 vụ, Lai Châu 42 vụ, Thanh Hóa 83 vụ. Trong khi đó, lĩnh vực buôn bán, vận chuyển lâm sản trái trái phép tới gần 2.350 vụ (giảm 748 vụ-khoảng 24% so với năm 2017).
Các địa phương phát hiện, xử lý nhiều nhất là Nghệ An (243 vụ), Quảng Bình (212 vụ), Thanh Hóa (177 vụ), Quảng Trị (145 vụ), Sơn La 138 vụ, Hà Giang 200 vụ, Điện Biên 243 vụ.
Theo ông Công, nhìn chung, tình hình vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua giảm mạnh, có sự chuyển biến tích cực ở nhiều địa phương (số vụ vi phạm giảm 15% và diện tích thiệt hại giảm 33%).
Tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép trên quy mô lớn được kiềm chế, giảm thiệt hại đến tài nguyên rừng và cơ bản đã kiểm soát được các “điểm nóng” phá rừng, khai thác rừng trái phép.
Chủ rừng phải chịu trách nhiệm nếu để mất rừng
Tuy nhiên, theo Tổng cục Lâm nghiệp, tình trạng phá rừng trái pháp luật, đặc biệt phá rừng tự nhiên để trồng rừng, khai thác lâm sản vẫn diễn ra ở một số nơi, nhiều vụ việc phá rừng diễn ra với quy mô lớn, trong thời gian dài nhưng chậm bị phát hiện và xử lý. Còn những điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật và chống người thi hành công vụ...
Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp chỉ ra rằng, thực tế, một số địa phương nhận thức đầy đủ về Chỉ thị 13 của Ban Bí thư về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, chỉ đạo chưa kiên quyết, áp dụng chế tài chưa đủ mạnh để ngăn chặn xử lý hành vi vi phạm pháp luật, nhất là hành vi phá rừng trái pháp luật...
Trong khi đó, với chủ rừng, còn buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, việc cập nhật, báo cáo diện tích rừng bị phá không trung thực; không phát hiện, ngăn chặn, báo cáo kịp thời tới cơ quan chức năng để xử lý.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm chủ trương đóng của rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Phân cấp rõ trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền các cấp và tăng cường sự phối hợp các lực lượng trong việc bảo vệ rừng. Xác định rõ cơ chế để cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công cuộc bảo vệ và phát triển rừng.
Đối với chủ rừng, phải chịu trách nhiệm bảo vệ rừng được Nhà nước giao, cho thuê theo quy định hiện hành của pháp luật, chịu trách nhiệm nếu để mất để rừng. Những địa phương để xảy ra tình trạng mất rừng, Chủ tịch UBND các cấp phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và bị xử lý theo quy định.
Lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng phải từng bước đổi mới theo hướng phải bám rừng, bám dân, gắn với chính quyền cơ sở để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, huy động sức mạnh của toàn dân, toàn xã hội cho sự nghiệp bảo vệ rừng.
Chỉ đạo để có sự phối hợp thường xuyên của các ngành với lực lượng kiểm lâm trong việc bảo vệ rừng và xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và chống người thi hành công vụ. Tiếp tục giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất.
Chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, kết quả bảo vệ rừng rất khả quan, cả nước giảm 25% số vụ, 40% diện tích thiệt hại nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Bí thư, của Chính phủ và việc thực hiện đồng bộ các giải pháp.
“Nhưng như thế không có nghĩa chúng ta hài lòng mà tiếp tục phải tìm giải pháp nâng cao chất lượng cả về trữ lượng gỗ lâm sản và tính đa dạng sinh học, nâng cao khả năng hấp thụ các bon”-ông Tuấn lưu ý.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Tuấn đề nghị các địa phương tập trung, giảm thiểu vụ khai thác rừng trái phép, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân gắn với rừng. Lực lượng kiểm lâm phải là tổng chỉ huy về lâm nghiệp trên địa bàn, đảm bảo việc minh bạch chi trả dịch vụ môi trường rừng, thu đủ, không để các đơn vị chây ỳ. Người được hưởng lợi, thì gắn với trách nhiệm bảo vệ rừng. Từ năm 2019, phải thanh toán phi tiền mặt, hạn chế rủi ro.