Lao động có việc làm thấp nhất trong 10 năm
Ngày 24/4, Tổng cục Thống kê công bố tình hình lao động việc làm quý 1 năm 2020. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh, sự bùng phát của dịch COVID-19 trên toàn cầu không chỉ tạo ra cuộc khủng hoảng y tế mà còn dẫn đến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với kinh tế và thị trường lao động toàn cầu.
Tại Việt Nam, dịch COVID-19 đã gây tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh và việc làm của người lao động. Đặc biệt, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua. Đến giữa tháng 4, có gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, tình hình lao động việc làm có nhiều biến động. Dịch COVID-19 xuất hiện từ cuối tháng 1 đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động. Các chỉ số lao động việc làm phản ánh sự sụt giảm của thị trường lao động. Thất nghiệp tăng lên, tỉ lệ lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động ở mức cao nhất trong 5 năm qua. Tính đến hết quý 1/2020, cả nước có khoảng 48,9 triệu lao động trong độ tuổi.
“Số lao động thất nghiệp trong quý 1/2020 khoảng 1,1 triệu người, tăng khoảng 26 nghìn người so với quý trước. Tính đến giữa tháng 4 năm 2020, lao động bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong các doanh nghiệp và hợp tác xã chủ yếu là lao động tạm nghỉ việc (chiếm gần 59%), tiếp đến là lao động bị giãn việc hoặc nghỉ luân phiên (chiếm gần 28%) và lao động bị mất việc (chiếm gần 13%)”, bà Thủy cho biết.
Theo thống kê, lao động tạm nghỉ việc trong ngành Vận tải kho bãi và ngành Giáo dục và Đào tạo chiếm cao nhất (trên 70% tổng số lao động bị ảnh hưởng) tại mỗi ngành. Ngược lại, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành dịch vụ ăn uống có tỷ trọng lao động bị mất việc, bỏ việc cao nhất trong tổng số lao động bị ảnh hưởng so với các ngành khác (chiếm gần 20% tại mỗi ngành).
Đáng lưu ý, số thanh niên thất nghiệp (tuổi từ 15 đến 24) gần 493 ngàn người, chiếm trên 44% tổng số người thất nghiệp. Số thanh niên thất nghiệp theo đánh giá của Tổng cục Thống kê cao gấp 5,4 lần so với tỉ lệ thất nghiệp của lao động trưởng thành (người từ 25 tuổi trở lên). Số thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập, đào tạo khoảng 1,47 triệu người.
Khó tìm việc làm trong thời gian tới
Tổng cục Thống kê cho biết, có khoảng 84,8% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn so với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với hơn 90% doanh nghiệp lớn và vừa tự đánh giá là gặp khó khăn trong 4 tháng đầu năm 2020.
Trong 4 tháng qua, có 67% số doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động, cho lao động giãn việc, nghỉ luân phiên, cho lao động nghỉ không lương, giảm lương lao động. Bên cạnh đó, có gần 40% doanh nghiệp thực hiện giãn việc, nghỉ luân phiên, 28% doanh nghiệp cắt giảm lao động. Trong khi chỉ có 5,3% số doanh nghiệp thực hiện đào tạo nâng cao trình độ cho lao động.
“Đến hết quý 2, tình hình dịch bệnh vẫn là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp và người lao động. Do vậy, để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động hơn bao giờ hết cần chung tay kiểm soát dịch bệnh, đồng thời từng bước ổn định và phát triển kinh tế”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh kiến nghị.
Số lao động thất nghiệp trong quý 1/2020 khoảng 1,1 triệu người, tăng khoảng 26 nghìn người so với quý trước. Đến giữa tháng 4, có gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên do dịch bệnh.