Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (DDCN) vừa kiến nghị UBND TPHCM đẩy nhanh công tác cải tạo, sửa chữa SVĐ Thống Nhất. Theo đó, SVĐ Thống Nhất sẽ được sửa chữa các hạng mục tại khán đài A, C, D, sân cỏ, đường chạy… Các khu khán đài B, C1, D1 đã xuống cấp nghiêm trọng, khó đảm bảo an toàn cho khán giả được đề xuất xây mới hoàn toàn.
Nhiều hạng mục tại SVĐ Thống Nhất đã và đang xuống cấp trầm trọng |
Ngoài ra, TPHCM cũng dự kiến xây mới nhà điều hành hệ thống xử lý nước thải, khu vệ sinh, nhà tập kết rác, bể chứa nước ngầm sinh hoạt và một số hạ tầng kỹ thuật khác. Tổng mức đầu tư dự kiến cho công tác sửa chữa, nâng cấp SVĐ Thống Nhất khoảng 149 tỷ đồng. Công trình dự kiến sẽ được khởi công vào đầu năm 2025 và hoàn thành vào tháng 12/2025.
Theo đánh giá của Ban DDCN, việc cải tạo sân Thống Nhất nhằm tạo thuận lợi cho việc phát triển một cơ sở thể thao đúng tầm tại TPHCM. Từ đó, tạo điều kiện để thành phố tổ chức huấn luyện các vận động viên chất lượng cao; đầu tư cho một số môn thể thao trọng điểm để tiến đến loại hình thể thao chuyên nghiệp, tạo cơ hội mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế trong thể thao.
Một thời SVĐ Thống Nhất luôn kín khán giả |
Thống Nhất là SVĐ lâu đời nhất Việt Nam, được xây từ năm 1929 và khánh thành vào năm 1931. Ban đầu, sân được đặt tên là Renault, đến năm 1960, sau khi được nâng cấp, SVĐ Thống Nhất được đổi tên mới là sân Cộng Hòa.
Sau năm 1975, sân được đổi tên là SVĐ Thống Nhất.
SVĐ Thống Nhất từng tổ chức những trận đấu lớn như trận Tổng Cục Đường sắt - Tổng cục Hải Quan (7/11/1976), Thể Công - Cảng Sài Gòn (20/5/1979)… Đây là sân nhà của một số đội bóng lớn tại TPHCM một thời như Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Sở Công Nghiệp, Công An… Năm 2003, SVĐ Thống Nhất là một trong các sân chính tổ chức nhiều môn thi đấu của Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 22), trong đó có bóng đá.