Gala 'Giai điệu Tự hào' - vở đại nhạc kịch về lịch sử dân tộc

TPO - Gala Giai điệu tự hào 2014 với sự dàn dựng hoành tráng về sân khấu và dàn ca sĩ hùng hậu tham gia, hứa hẹn sẽ là "vở nhạc kịch" tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc.

Là vở đại nhạc kịch, khắc họa 3 giai đoạn của lịch sử dân tộc: Hành khúc kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1945 – 1954, Người Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ 1954 – 1975, Thời kỳ dựng xây đất nước 1975 – 1980. Mỗi ca khúc được biểu diễn tại Gala Giai điệu Tự hào 2014 như lát cắt của thời quá vãng. Các ca sĩ không chỉ thể hiện ca khúc mà còn đóng vai trò là diễn viên, kể lại quá khứ hào hùng bằng màu sắc âm nhạc. 

Giám đốc âm nhạc Thanh Phương cho biết: “Trọng tâm của Giai điệu Tự hào là tôn vinh các ca khúc kinh điển. Ca sĩ xuất hiện trên sân khấu chỉ là cầu nối để đưa các tác phẩm tới gần hơn với công chúng. Chính vì thế, danh sách ca sĩ thể hiện trong Gala lần này có khác một chút so với chương trình hàng tháng”.

Nếu như ở số phát sóng tháng 10 năm 2014, “Người Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi do bộ tứ Thanh Lam, Trần Thu Hà, NSƯT Quang Lý, Tùng Dương thể hiện, thì ở Gala, diva Hồng Nhung và giọng ca thính phòng Lan Anh sẽ đảm nhiệm vị trí của Thanh Lam và Hà Trần.

Ca khúc “Chiến sĩ Việt Nam” của nhạc sĩ Văn Cao sẽ do Hợp ca Phương Bắc biểu diễn thay vì bộ ba Đăng Dương – Trọng Tấn – Việt Hoàn như trước.

Gala 'Giai điệu Tự hào' - vở đại nhạc kịch về lịch sử dân tộc ảnh 1

Ca sĩ Lan Anh, diva Hồng Nhung thay thế cho diva Thanh Lam và Trần Thu Hà trong ca khúc 'Người Hà Nội'.

Ca sĩ Cẩm Vân sẽ không đơn ca “Bài ca không quên” như trước, ở những đoạn cao trào, Cẩm Vân và dàn bè nữ sẽ cùng hòa giọng với gần 1000 khán giả tại trường quay.

Đạt gần 500 ngàn lượt theo dõi trên kênh youtube của chương trình, ca nương 17 tuổi Kiều Anh đã trở thành nhân tố mới, gây bất ngờ của Giai điệu Tự hào mùa phát sóng đầu tiên. Xuất hiện trên chiếc thuyền thúng đặc trưng của người dân miền biển, nữ ca sĩ sẽ thể hiện lại ca khúc này ngọt ngào và tươi mới.

Bước ra từ hầm mỏ, NSND Quang Thọ cũng cất lên những tiếng ca hào sảng về những người chiến sĩ khai thác vàng đen của Tổ quốc. 

Gala 'Giai điệu Tự hào' - vở đại nhạc kịch về lịch sử dân tộc ảnh 2

Ca sĩ Cẩm Vân thể hiện 'Bài ca không quên' cùng dàn hợp xướng hoành tráng.

Đạt tổng số gần 1 triệu lượt theo dõi trên các kênh chia sẻ video, tiết mục song ca “Đưa cơm cho mẹ đi cày” của mẹ con Mỹ Linh – Mỹ Anh sẽ xuất hiện trong Gala với diện mạo mới mẻ hơn nhờ việc Mỹ Anh đã khắc phục cách nhả chữ lai tây do học trong môi trường quốc tế từ nhỏ.

Với Đan Trường, Giai điệu Tự hào không phải show diễn đơn thuần, anh chấp nhận hủy tất cả show trong 2 ngày tổng duyệt và ghi hình để tập trung toàn lực vào tiết mục “Tình đất đỏ miền Đông”.

Phim trường 3D tạo hiệu ứng đặc biệt

Với chiều dài 45m, sâu 16m, gồm 3 bối cảnh riêng biệt cho từng ca khúc: Đô thị trong kháng chiến – góc phố cổ Hà Nội theo tỷ lệ 1-1, rừng núi chiến khu và khu vực kỹ xảo visual art trình chiếu thước phim lịch sử, sân khấu Giai điệu Tự hào được đánh giá là một trong những sân khấu truyền hình lớn nhất từ trước tới nay.

Đạo diễn thiết kế sân khấu Đinh Công Đạt đã dụng công thiết kế phim trường 3D cho Gala Giai điệu Tự hào lần này.

Không chỉ vậy, nhằm mang tới những cảm xúc thực tới khán giả, ekip thiết kế sân khấu kỳ công mang tới phim trường cả đầu máy hơi nước của những năm 1940 cho tiết mục “Đoàn Vệ quốc quân”, cả mô hình như thật của chuyến tàu điện xưa trong phần dàn dựng cho tiết mục “Nhớ về Hà Nội” của Văn Mai Hương.

Những chi tiết nhỏ nhất gắn liền ký ức một thời: Con trâu bằng lá đa, chiếc Peugeot chở người em gái xuống phố, người phụ nữ Nam bộ gánh cúc vàng xuống chợ, những người thợ mỏ bước ra từ hầm lò... cũng được chăm chút tỉ mỉ.

Gala 'Giai điệu Tự hào' - vở đại nhạc kịch về lịch sử dân tộc ảnh 3

Sân khấu 3D tái hiện những hoạt cảnh công phu và hoành tráng.

Đạo diễn hình ảnh Lê Phúc cho biết: “Gala Giai điệu Tự hào đánh dấu việc lần đầu tiên ekip truyền hình sử dụng flyingcam để quay các đại cảnh trong nhà. 14 máy quay HD tiên tiến nhất được đầu tư tối đa cho các tiết mục.

Không chỉ trong ngày ghi hình chính thức, ngay cả ngày tổng duyệt, tất cả ca sĩ đều phải trang điểm, biểu diễn và ghi hình như thật để đảm bảo rằng ekip không để sót bất cứ góc quay đẹp nào”. 

Gần 10 ngày để thi công sân khấu, hơn 1 tháng để thiết kế ra tất cả đạo cụ cho 23 ca khúc, hơn 50 diễn viên múa hai miền tập luyện liên tục trong hơn 2 tuần, Gala Giai điệu Tự hào chắc chắn sẽ khiến khán giả truyền hình hòa mình vào ký ức của dân tộc.

Những hình ảnh của Gala Giai điệu tự hào 2014:

Gala 'Giai điệu Tự hào' - vở đại nhạc kịch về lịch sử dân tộc ảnh 4 Diva Hồng Nhung thể hiện 'Mùa xuân đầu tiên'.

Gala 'Giai điệu Tự hào' - vở đại nhạc kịch về lịch sử dân tộc ảnh 5 Mỹ Tâm lãng mạn với 'Biển hát chiều nay'.
Gala 'Giai điệu Tự hào' - vở đại nhạc kịch về lịch sử dân tộc ảnh 6 Mỹ Linh thể hiện 'Hà Nội niềm tin và hy vọng'.
Gala 'Giai điệu Tự hào' - vở đại nhạc kịch về lịch sử dân tộc ảnh 7 Chào anh Giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng – Người chiến sĩ ấy: Phạm Thu Hà – Nhóm Phương Bắc.
Gala 'Giai điệu Tự hào' - vở đại nhạc kịch về lịch sử dân tộc ảnh 8 Hoa hậu Thu Thủy cũng xuất hiện trong số các vị khách mời.
Gala 'Giai điệu Tự hào' - vở đại nhạc kịch về lịch sử dân tộc ảnh 9 Đan Trường thể hiện 'Tình đất đỏ miền Đông'.
Gala 'Giai điệu Tự hào' - vở đại nhạc kịch về lịch sử dân tộc ảnh 10 Thùy Chi với 'Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây'.
Gala 'Giai điệu Tự hào' - vở đại nhạc kịch về lịch sử dân tộc ảnh 11 NSND Quang Thọ với 'Tôi là người thợ mỏ'.
Gala 'Giai điệu Tự hào' - vở đại nhạc kịch về lịch sử dân tộc ảnh 12 NSƯT Quang Lý – Hồng Nhung – Lan Anh – Tùng Dương thể hiện 'Người Hà Nội'.
Gala 'Giai điệu Tự hào' - vở đại nhạc kịch về lịch sử dân tộc ảnh 13 Sân khấu hoành tráng của Gala 'Giai điệu tự hào 2014'.
Ảnh: TuArts Nguyễn

MỚI - NÓNG