Đọc tin những người Việt đang làm tại nhà máy Samsung ở Thái Nguyên lao vào… tấn công nhau rồi đốt phá, khiến 13 người nhập viện, 3 container làm chỗ sinh hoạt cùng hàng chục chiếc xe gắn máy bị thiêu rụi hoàn toàn, mà buồn vô hạn.
Chuyện cũng chẳng có gì to tát: Nhóm bảo vệ nhà máy ngăn không cho một công nhân mang cơm đi làm, rồi dẫn đến ẩu đả và đốt phá.
Chuyện xảy ra ở một doanh nghiệp “có yếu tố nước ngoài” càng khiến chúng ta phải suy nghĩ. Đáng ra, những người “cùng mẹ” làm việc cho “người ta”, phải biết yêu thương, đùm bọc nhau, thì họ lại sẵn sàng… “đá” bạn, chỉ vì những chuyện nhỏ.
Trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, công nhân Việt như thế nào sau vụ việc "quân ta đánh quân mình" này?
Trong mắt người nước ngoài, văn hóa của một bộ phận người Việt ra sao?
Thậm chí, trong mắt chúng ta, hành động ấy thể hiện văn hóa gì, cũng là điều đáng suy ngẫm.
Rồi, nhìn ở khía cạnh nhỏ hơn văn hóa ứng xử nơi công cộng, là ý thức kỷ luật. Ý thức kỷ luật kém, thói hống hách, chuyên quyền, khiến nhiều người tự cho phép mình làm tổn thương người khác, cả về thể xác lẫn tinh thần?
Ý thức kỷ luật kém nên vẫn còn những người không chấp hành quy định nơi làm việc.
Tiếc là, hiện còn không ít người như thế, nên mới có chuyện chỉ vì cái va quệt xe nhẹ ngoài đường, những “cái mồm” sẵn sàng oang oang, rồi lao vào nhau, thay vì lời “tôi xin lỗi”.
Khôn ngoan đối đáp người ngoài, chứ gà cùng một mẹ sao hoài đánh nhau.