> Việt Nam vẫn còn gà 9 cựa Hùng Vương
Diễn viên Quang Lâm với con gà trống bảy cựa mang về từ Xuân Sơn. |
Nhắc đến "gà chín cựa", chúng ta thường nghĩ đến một sản vật tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết thuở Hùng Vương. Bất ngờ, gần đây, chúng tôi đã được chứng kiến tận mắt "hậu duệ" của những con gà chín cựa đang được nuôi dưỡng trong những ngôi nhà bê tông giữa lòng Hà Nội.
Gà chín cựa "hạ sơn"
Ngày cuối tuần, diễn viên Quang Lâm (người đóng vai Lường trong phim “Ma làng”, vai Quých thịt trâu trong “Gió làng Kình”) bỗng nhiên gọi điện cho chúng tôi để khoe về một đôi gà chín cựa - loại gà được biết đến lần đầu tiên trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh khi vua Hùng Vương thứ 18 kén chồng cho Mỵ Nương công chúa.
Bán tin bán nghi, chúng tôi lò dò đến nhà Quang Lâm ở phố Quán Thánh và đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi tận mắt được chứng kiến đôi gà chín cựa đang phởn phơ bới đất tìm giun trên mảnh vườn nhỏ nằm tít trên tầng thượng ngôi nhà 5 tầng của gã diễn viên mặt đỏ.
Thích thú trước sự ngạc nhiên của tôi, Quang Lâm hào hứng kể lại cơ may mua được đôi gà quý ở một bản người Dao nằm tít ở nơi tận cùng vùng cao Tân Sơn, Phú Thọ. "Vào dịp tháng 5 vừa qua, đoàn chúng tôi phải đi thực hiện một số cảnh quay cho bộ phim mới ở khu vực Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Trong thời gian "đóng quân" tại đó, anh em thường mò vào khu vực làng bản của người Dao để mua gà về thịt ăn.
Trong một lần như vậy, chúng tôi được một người đàn ông bản xứ bán cho mấy con gà rất lạ. Chân của những con gà này có đến sáu cựa và giá cũng đắt hơn gấp gần 3 lần so với loại gà bình thường. Thế nhưng khi luộc lên thịt gà ăn rất ngon, ngon hơn cả giống gà ta ở dưới xuôi.
Tò mò tìm hiểu thì được người dân cho biết, đây chính là giống gà chín cựa được nhắc đến trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh mà Vua Hùng thứ 18 đã đưa ra thách cưới kén chồng cho công chúa Mỵ Nương".
Theo anh Lâm thì chiếc cựa thứ tám ở chân con gà có thể sẽ chồi ra trong ít ngày nữa. |
Đôi gà mà diễn viên Quang Lâm mua được có bảy cựa, tức là còn ít hơn hai cựa so với loại gà được nhắc đến trong truyền thuyết. Vừa ôm con gà quý giới thiệu với tôi, anh Lâm vừa chắt lưỡi tiếc nuối vì không thể tìm nổi một con gà chín cựa hay tám cựa nào ở các bản người Dao.
Anh bảo: "Tôi nghe người bản xứ nói là cả Xuân Sơn cũng chỉ còn 1 - 2 con gà đủ chín cựa đang được nuôi dưỡng ở một nơi bí mật trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Thế nhưng tôi cùng mấy người bạn đã vào đó hỏi mãi mà cũng chưa có được chút manh mối nào. Có lẽ những vị "vua gà" đó giờ chỉ còn tồn tại trong truyền thuyết mà thôi".
Từ ngày mua được đôi gà quý, Quang Lâm bỏ công bỏ sức xây dựng hẳn một khu vực chuồng trại để nuôi gà ở trên tầng 5 ngôi nhà của anh mới xây ở phố Quán Thánh. Dù đã được những người bán cảnh báo về độ hung dữ của đôi gà nhiều cựa nhưng anh Lâm chỉ thực sự thấm thía khi con gà trống bảy cựa phi như tên bắn đuổi con gà chọi của anh chạy trối chết quanh sân.
Bình thường, anh Lâm vẫn bê một chậu cát lớn lên cho gà tắm. Thế nhưng từ khi đôi gà bảy cựa hạ sơn, chúng đã chiếm luôn chậu cát đó và đe dọa tất cả những con gà nào dám tới gần. Chính vì thế, anh Lâm đã phải nhốt riêng những kẻ "côn đồ" này để đảm bảo an toàn cho cả đàn gà chọi lẫn gà ta mà anh kỳ công nuôi nấng lâu nay.
Hàng ngày, cứ về đến nhà là diễn viên Quang Lâm lại mê mải với đôi gà quý. Dù rất bận rộn với những bộ phim đang quay nhưng anh vẫn dành thời gian ra chợ mua bã cua và đầu cá về trộn vào cám cho chúng ăn. Được cái, đôi gà ăn rất khỏe, hạt ngô to thế chúng cũng có thể nuốt chửng được dễ dàng.
Với sự chăm sóc công phu của mình, anh Lâm hồ hởi khoe: "Trong số những người cùng đoàn mua gà nhiều cựa về nuôi thì đôi gà của tôi là lớn nhanh nhất. Chỉ trong vòng 4 tháng, chúng đã tăng trưởng đến hơn 2 kg. Đạo diễn Triệu Tuấn cũng mua một đôi về nuôi và đã ấp nở thành công được một lứa gà con.
Đáng tiếc là do không rào chắn cẩn thận nên đàn gà con đã bị chuột ăn mất. Đôi gà của tôi cũng đã đẻ trứng một lần nhưng do vào đợt nắng nóng nên đã bị ung mất. Tôi hy vọng sẽ nhân giống được một đàn gà nhiều cựa có thể sống khỏe với thời tiết Thủ đô để có sản vật quý dành tặng bạn bè".
Để tạo một không gian gần gũi với tự nhiên cho đôi gà bảy cựa, Quang Lâm đã kì công trộn đất với mùn và giun rồi đổ ra một góc "vườn treo" cho chúng bới. Mấy ngày qua, trời mưa dầm dề, anh lại chẳng quản gió bão lọ mọ xuống tận đường Trường Chinh mua thuốc nhỏ mũi cho... gà để chống cúm. Ngẫm ra nghề chơi nào cũng lắm công phu!
Ở Xuân Sơn giờ chỉ còn có thể tìm thấy những con gà 7 cựa, gà 8 cựa và 9 cựa đã gần như tuyệt chủng. |
Tìm về cội nguồn truyền thuyết
Bị hấp dẫn bởi câu chuyện của gã "ma làng" Quang Lâm, chúng tôi đã tìm lên bản Cỏi, Xuân Sơn - xã xa xôi hẻo lánh nhất của huyện Tân Sơn (Phú Thọ). Xuân Sơn có 4 bản thì bản Cỏi là bản tập trung nhiều gà chín cựa nhất và cũng chính là nơi phát tích giống gà quý này.
Đón những người khách lạ, ông Chủ tịch UBND xã Bàn Xuân Lâm trịnh trọng kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện nhuốm đầy màu sắc huyền bí về nguồn gốc của loại gà vua này. Theo lời ông Lâm thì mấy chục năm trước, có ông Lý Phúc Lâm - một người dân ở bản Cỏi - đi lấy rễ cây ăn trầu trong rừng mang xuống chợ thị trấn bán. Bán cả ngày trời chẳng có ai đến hỏi mua. Đến chiều muộn, có một bà lão đến đổi một con gà mái lấy toàn bộ số rễ cây.
Chuyện trò qua lại, bà lão nói rằng bà ở xóm Lèn bên mãi Tân Sơn. Ông Lý Phúc Lâm mang con gà mái về nuôi. Con gà này đẻ trứng và ấp nở được hai con gà con, kỳ lạ là cả hai con đều có chín cựa. Sau đấy giống gà này được nhân rộng ra cả xóm.
Trải qua hàng chục năm, gà chín cựa vẫn phát triển và sinh sôi nhiều ở Xuân Sơn. Theo ông Lý Phúc Lâm, để cho đúng thì nên gọi là gà nhiều cựa, bởi loại gà này không chỉ chín cựa mà nhiều con chỉ có sáu, bảy hoặc tám cựa.
"Gà càng nhiều cựa càng khó nuôi lúc nhỏ bởi nó hay bị chết vì vướng chân vào các rễ cây dây dợ dọc đường. Thường một lứa gà, để nuôi đến lúc trưởng thành mà được hai, ba con cũng đã là thành công. Khi đã trưởng thành việc nuôi rất nhàn bởi gà nhiều cựa tính tự lập rất cao, nhiều khi chúng theo đàn đi lên núi kiếm ăn mấy ngày mới trở về".
Cũng chính vì gà chín cựa khó nuôi, tăng trưởng chậm, sản lượng ít nên nhiều gia đình đã tính chuyện… đem thịt hết để nuôi gà thường cho năng suất. Thậm chí bà con nói với nhau rằng, nuôi con gì to to như con trâu con bò còn có lãi, chứ nuôi con gà… thì nhỏ quá. Vậy là nhà nhà thi nhau ăn thịt… gà chín cựa. Kết quả là cả xóm Cỏi chẳng còn con gà chín cựa nào, gà tám cựa, bảy cựa chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Tá hỏa, ông Trần Đăng Lâu - Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Sơn lúc đó - liền lặn lội leo ngược mấy cây số đường rừng vào tận những bản làng xa tun hút ấy để… cứu gà. Ông mua tất tật đem về cho anh em cho anh em ở Vườn Quốc gia chăm nuôi. Mỗi người phải nuôi ít nhất một con gà. Từ Giám đốc cho đến nhân viên, tất cả bốn mươi người. Qua giai đoạn khó khăn ấy, giống gà chín cựa ngày càng được coi trọng.
Hiện nay, giá gà chín cựa ngày bình thường đã trên 200.000đ/kg, còn dịp cuối năm, Tết nhất lễ lạt thì dứt khoát không dưới 300.000đ/kg. Ở Xuân Sơn, một con gà chín cựa có giá bán trên một triệu không phải là chuyện lạ. Thậm chí con gà trên 5kg của ông Lý Phúc Lâm ngày trước đã có người đã có người trả trên 2 triệu nhưng ông Lâm vẫn không bán.
Với những nỗ lực của các cá nhân và bà con thôn bản, năm 2008 tin vui đã đến với Xuân Sơn khi các chuyên gia Đan Mạnh đã quyết định đến tìm hiểu và đầu tư bảo tồn giống gà quý này. Dân bản vui như hội khi mà gà chín cựa đã trở thành một phép màu từ trong truyền thuyết giúp người dân nơi đây thoát khỏi đói nghèo.
Đôi gà mà diễn viên Quang Lâm mua được có bảy cựa, tức là còn ít hơn hai cựa so với loại gà được nhắc đến trong truyền thuyết. Vừa ôm con gà quý giới thiệu với tôi, anh Lâm vừa chắt lưỡi tiếc nuối vì không thể tìm nổi một con gà chín cựa hay tám cựa nào ở các bản người Dao. "Tôi nghe người bản xứ nói là cả Xuân Sơn cũng chỉ còn 1 - 2 con gà đủ chín cựa đang được nuôi dưỡng ở một nơi bí mật trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Thế nhưng tôi cùng mấy người bạn đã vào đó hỏi mãi mà cũng chưa có được chút manh mối nào.” |
Theo Phụ nữ Thủ đô