Trong bài báo đăng ngày 2/9, Reuters dẫn lời một quan chức G7 giấu tên của châu Âu cho biết “rất có thể sẽ có một thoả thuận”. Các quan chức G7 dự kiến sẽ công bố phác thảo của thoả thuận sau một cuộc họp trực tuyến.
Khối lượng xuất khẩu dầu của Nga đã giảm sau khi xung đột bùng phát ở Ukraine hồi cuối tháng 2, nhưng doanh thu của nước này đã tăng trong tháng 6 thêm 700 triệu đô la so với tháng 5, theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, do giá dầu toàn cầu tăng cao.
Giới hạn giá - mà các nhà lãnh đạo phương Tây đã đồng ý về nguyên tắc hồi tháng 6 - sẽ giới hạn số tiền mà các công ty tinh chế và nhà buôn có thể trả cho dầu thô của Nga.
Động thái này được đưa ra nhằm làm giảm doanh thu của Điện Kremlin nhưng vẫn giúp giữ dầu Nga trên thị trường để tránh tăng giá.
Mátxcơva nói rõ rằng họ sẽ không tuân thủ quyết định của G7, thay vào đó, Nga sẽ vận chuyển dầu thô của mình đến các quốc gia không bị ràng buộc bởi giới hạn giá.
Trả lời Reuters, một số quan chức G7 giấu tên bày tỏ nghi ngờ về việc liệu biện pháp hạn chế này có hiệu quả hay không nếu nó chỉ được thực hiện bởi các thành viên nhóm là Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản. Họ nói thêm rằng để biện pháp này có thể thực sự ảnh hưởng đến doanh thu từ dầu của Nga, G7 sẽ cần sự ủng hộ của các nước tiêu thụ dầu lớn, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ.
Kịch bản như vậy rất khó xảy ra, theo Reuters. Hơn nữa, mặc dù khoảng 95% đội tàu chở dầu trên thế giới hiện đang phụ thuộc vào bảo hiểm vận chuyển do Anh làm trung gian, nhưng Nga vẫn có thể tìm được các giải pháp thay thế.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 1/9 đã chỉ trích G7 về kế hoạch áp đặt giới hạn giá dầu Nga, cảnh báo rằng Mátxcơva sẽ không cung cấp dầu cùng các sản phẩm dầu cho những nước ủng hộ quyết định này.
Đại sứ quán Nga tại Mỹ cũng cảnh báo về những hậu quả sâu rộng từ "những ý tưởng rõ ràng có hại về việc đưa ra giới hạn giá đối với dầu của Nga đang được Washington tích cực thúc đẩy".
Trong một tuyên bố hôm 2/9, Đại sứ quán Nga đã đề cập đến một “tình huống quen thuộc”, khi “phương Tây - bị ám ảnh bởi mục tiêu bóp nghẹt nền kinh tế Nga - đưa ra các biện pháp hạn chế chống lại thương mại giá rẻ và nguồn năng lượng chất lượng cao”. Đại sứ quán cho rằng điều này “gây bất ổn cho thị trường năng lượng thế giới”.
Theo các nhà ngoại giao Nga, Mátxcơva “sẽ không bán dầu khi thua lỗ” và “sẽ không hoạt động với các điều kiện phi thị trường”. Đại sứ quán nhấn mạnh rằng Nga “xứng đáng được hưởng danh tiếng của một nhà xuất khẩu đáng tin cậy với các nguồn năng lượng chất lượng cao” và “luôn cởi mở trong hợp tác, nhưng chỉ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi”.
Tuyên bố được đưa ra sau khi người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên hôm thứ Năm rằng các bộ trưởng tài chính G7 sẽ thảo luận về giới hạn giá dầu Nga. Bà Jean-Pierre lập luận rằng việc áp đặt giới hạn giá là “cách hiệu quả nhất để đánh mạnh vào doanh thu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, giúp doanh thu từ dầu của Nga và giá năng lượng toàn cầu giảm.”