Fukushima yêu hơn bao giờ - Kỳ cuối: Nặng lòng

Nhóm học sinh đang đợi xe ở điểm chờ xe bus tại trung tâm thành phố Fukushima, Tỉnh Fukushima, sau giờ tan trường. Ảnh Lê Văn.
Nhóm học sinh đang đợi xe ở điểm chờ xe bus tại trung tâm thành phố Fukushima, Tỉnh Fukushima, sau giờ tan trường. Ảnh Lê Văn.
TPO - Tục ngữ có câu “Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”. Người Nhật Bản có cách thể hiện tình yêu quê hương gần như ngược lại. Họ không ngần ngại bố trí cho đoàn nhà báo quốc tế tới Fukushima để tận thấy những tai ương vẫn đang chồng chất ở đó.

Bố trí công phu các cuộc gặp gỡ với đại diện báo chí Nhật Bản với nhiều chính kiến khác nhau, các đồng nghiệp ở Hiệp hội Báo chí Khoa học & Công nghệ Nhật Bản (JASTJ) còn giúp các nhà báo quốc tế tiếp cận Fukushima để tận thấy những điều mà, theo lẽ thường, người ta phải che giấu.

“Trước đây, mỗi ngày, tôi chỉ uống ba chai bia. Giờ, tôi uống tới sáu chai”, nhà báo Makoto Ohmori, Giám đốc Sản xuất Kênh TV-U Fukushima, sinh ra và gắn bó với mảnh đất Fukushima gần 60 năm, coi đó như một cách giúp ông giải tỏa.

Nhưng ông lại nằm trong số các nhà báo Nhật Bản lo toan cho đoàn nhà báo quốc tế thuộc SjCOOP Asia (Chương trình Hợp tác Báo chí Khoa học Châu Á) thẳng tiến Fukushima quê ông với sự tận tuỵ hiếm thấy.

Đe dọa vô hình

“10 năm nữa không biết em có khỏe mạnh thế này không?” hay “Có lẽ em sẽ chết vì ung thư mất” là điều mà nhiều học sinh cấp ba tâm sự với Tiến sĩ, Bác sĩ Masaharu Tsubokura, bác sĩ y khoa Bệnh viện Minami-Soma, khi ông tới các trường học. “Thực tế đáng buồn là nhiều học sinh không tin chuyên gia, bác sĩ”, Tsubokura nói.

Trả lời phóng viên Tri Thức Trẻ qua email, Giáo sư Trần Đại Phúc cho biết: “Tác dụng sinh học của bức xạ hạt nhân là nguy cơ phát triển các chứng rối loạn tâm lý và các vấn đề sức khỏe tâm thần ngắn hạn cũng như dài hạn như rối loạn lo âu và các triệu chứng căng thẳng sau chấn thương”. GS Phúc công tác tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), có thâm niên hơn 40 làm việc trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân tại nhiều quốc gia Âu-Mỹ.

Theo thống kê của giới chức Nhật và được Thời báo Nhật Bản (Japan Times) trích thuật, có tới 1.656 người ở Tỉnh Fukushima tử vong vì các bệnh liên quan đến stress và các chứng bệnh khác. Con số cao hơn nhiều so với số người chết và bị thương liên quan trực tiếp đến thảm họa diễn ra hôm 11/3/2011.

Có rất nhiều vấn đề sức khỏe sau thảm họa cần quan tâm, đặc biệt là vấn đề sức khỏe tâm thần. Tình trạng này sẽ tiếp tục trong vài năm nữa và không chỉ giới hạn ở vùng tai nạn xảy ra, Tiến sĩ Sae Ochi, Giám đốc Y học Nội khoa của Bệnh viện Trung ương Soma, chia sẻ.

Tôi ủng hộ điện hạt nhân ở những nước có đủ trình độ Văn hóa An toàn để làm, vì hiện nay chưa có một năng lượng tái tạo nào có thể cung cấp công suất lớn một cách thường xuyên như điện hạt nhân. Còn ở đâu chưa đủ Văn hoá An toàn (trong lĩnh vực điện hạt nhân), nơi đó chưa nên xây nhà máy ĐHN. 

Ý kiến của một chuyên gia trong ngành ĐHN trao đổi với TTT

Theo nghiên cứu được đăng trên Tạp chí giấy Psychiatry and Clinical Neurosciences vào Tháng 7/2014, triệu chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (post-traumatic stress disorder - PTSD) đang gia tăng ở các thị trấn lân cận vùng Fukushima như Hirono, nơi chỉ có hai trong số 5418 cư dân thiệt mạng do thiên tai trong khi những người sống sót lại mang những ký ức đầy ám ảnh.

“Ngoài các thiên tai, dân chúng ở Hirono cũng phải hứng chịu thảm họa nhân tạo, tai nạn rò rỉ và phát nổ nhà máy ĐHN Fukushima Daiichi. Họ đang phải chiến đấu lại một mối đe dọa vô hình”, Giáo sư Yamawaki nói.

Hơn một nửa trong tổng số 241 cư dân được khảo sát có các biểu hiện lâm sàng liên quan đến triệu chứng PTSD, Giáo sư Niwako Yamawaki, Đại học Brigham, một thành viên tác giả nghiên cứu cho hay. Ngoài ra, hai phần ba (66,8%) số người tham gia nghiên cứu cũng mắc các triệu chứng trầm cảm. Trong đó, 33,2% có triệu chứng trầm cảm nhẹ, 19,1% và 14,5% có các triệu chứng trầm cảm vừa và nặng.

Đáng chú ý, tất cả những người tham gia khảo sát đều sống trong các căn nhà tạm của chính phủ dựng lên. Tính đến nay, vẫn còn khoảng 267 nghìn người đang vật lộn với cuộc sống ở các khu nhà tạm cư rải rác trên cả nước Nhật.

Theo thống kê mới nhất của Cơ quan Tái thiết Nhật Bản, có gần 48 nghìn người ở Fukushima tiếp tục sống trong cảnh tha phương.

Hơn 40% người ở ba tỉnh ở Đông Bắc Nhật Bản muốn bán đất hoặc sống xa những khu vực nằm trong dự án tái định cư thay vì trở lại sống ở những thị trấn mới chống sóng thần.

Fukushima yêu hơn bao giờ - Kỳ cuối: Nặng lòng ảnh 1

Các lão niên đang lựa mua hàng trong một siêu thị ở Thị trấn Miharu, Tỉnh Fukushima, cây anh đào cổ ngàn năm tuổi nổi tiếng, từng đón 30.000 lượt du khách mỗi năm trước khi thảm họa xảy ra. Ảnh Lê Văn.

Gắn bó hơn

Công bố mới nhất của Đại học Y khoa Fukushima hồi Tháng 2/2014 cho thấy 16.242 người trưởng thành trong tổng số 66.279 người trả lời khảo sát cần được hỗ trợ (khoảng 1/4 dân số trưởng thành).

Không thể quay trở lại cuộc sống bình thường trước kia; sợ hãi và không chắc chắn về tương lai là những ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng đến chục ngàn người đang sống trong các khu nhà tạm.

Sau tai nạn Chernobyl, Văn hóa An toàn mới được đề cao. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA ra bản định nghĩa Văn hóa an toàn hạt nhân.

Ngồi ở hành lang trụ sở Trung tâm An toàn Môi trường Fukushima, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản, Misato Suzuki, nghiên cứu sinh ngành di truyền học, Đại học Tokyo, kể về quê hương Kawamata của cô, cách nhà máy ĐHN Daiichi 75 km, nơi không có nhiều đất trồng trọt.

Trong số những người trở về sau những tháng ngày sơ tán, nhiều người dùng số tiền bồi thường uống rượu bia hay chơi bạc. Họ không có công ăn việc làm. ”Những người ở lại chấp nhận sống với các rủi ro. Chỉ nghĩ như vậy, họ mới đỡ phiền lòng”, Misato buồn rầu.

Fukushima yêu hơn bao giờ - Kỳ cuối: Nặng lòng ảnh 2

“Sau thảm họa, nhiều người ở Thị trấn Miharu không rời bỏ quê hương”, chia sẻ của Nhà sư Genyu Sokyu, trụ chì Đền Fukujyji với đoàn nhà báo khoa học SjCOOP Asia khi đến thăm Thị trấn Miharu, Tỉnh Fukushima. Ảnh: Lê Văn.

Theo một báo cáo của Diễn đàn Chernobyl năm 2005 nói rằng, sức khỏe tâm thần kết hợp với hút thuốc lá và lạm dụng rượu sau thảm họa Chernobyl là vấn đề lớn hơn nhiều so với bức xạ. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng  nhận thấy, trong vụ nổ lò phản ứng hạt nhân tại Chernobyl, chỉ có 56 người thiệt mạng trực tiếp, 4.000 người khác chết gián tiếp, nhưng có đến 90.000 người chết do các di chứng liên quan đến hậu Chernobyl trong vòng 28 năm qua.

“Một trong các nguyên nhân chính của tai nạn Fukushima là sái Văn hóa An toàn khi đình trệ việc cập nhật nâng cấp các thiết bị theo đúng tiêu chuẩn an toàn mới trên quốc tế, phải chăng là do thiếu tinh thần phản biện trong lúc làm việc?” Tiến sĩ Tô Lệ Hằng, cựu nhân viên Viện Bảo vệ & An toàn Hạt nhân tại Pháp, trả lời trực tiếp phóng viên Tri Thức Trẻ.

Vấn đề sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tâm thần sau thảm họa cần được quan tâm hơn việc đầu tư khôi phục hệ thống hạ tầng”, Tiến sĩ, Bác sĩ Sae Ochi, Giám đốc Y học Nội khoa, Bệnh viện Trung ương Soma, nhận định. Giải quyết sức khỏe tâm thần cần can thiệp bằng nhiều giải pháp khác nhau thay vì chỉ dựa vào việc kiểm xạ cơ thể người dân, cô nói.

“Chúng tôi cung cấp kết quả nghiên cứu cho chính phủ”, nữ bác sĩ chia sẻ.

Chính phủ vẫn chưa có chính sách nào để giải quyết các tác động sức khỏe lâu dài mặc dù nghiên cứu và đề xuất của Tiến sĩ Ochi đã gửi cho cơ quan có liên quan của chính phủ từ hai năm trước.

Dù thế, sau tai nạn, nhiều người ở Fukusshima cảm thấy mảnh đất ấy vô cùng thân thương với họ, nhà báo Makoto OHMORI, Giám đốc Sản xuất Kênh TV-U Fukushima, tiết lộ.

Sau thảm họa, nhiều người ở Thị trấn Miharu không rời bỏ quê hương. Thay vào đó, họ tìm đến Đền Fukujyji đông hơn. Họ cầu nguyện cho người đã chết, cầu nguyện để vơi bớt nỗi sợ hãi, để tìm sự thanh thản trong tâm hồn. . “Tôi đã khuyên các phật tử sử dụng phương pháp thiền như một cách tự giải quyết vấn đề tâm lý của họ ngay tại nơi họ sinh ra và lớn lên”- Nhà sư Genyu Sokyu, trụ trì Đền Fukujyji, Tỉnh Fukushima, nói.

Các phật tử đến đó, hành hương đến một trong những mảnh đất nghèo nhất Nhật Bản và còn đầy thương tích cho dù, theo chính sách của nước này, họ có quyền chuyển tới bất cứ nơi nào của xứ Phù Tang để sinh tồn.

Việt Nam tiếp tục lùi xây dựng nhà máy ĐHN

Thời gian khởi công xây dựng hai nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận có thể sẽ lùi lại vào cuối năm 2020 hoặc 2022 thay vì cuối năm 2014.

“Việc giãn tiến độ xây dựng hai nhà máy ĐHN nhằm có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất”, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết tại buổi làm việc với Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội với Tỉnh Ninh Thuận về tình hình thực hiện dự án ĐHN hôm 18/9 vừa qua.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết sau tai nạn Fukushima, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị tư vấn đưa ra phương án thiết kế an toàn; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật với mục tiêu đảm bảo an toàn ở mức cao nhất khi xây dựng nhà máy ĐHN. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian lập dự án đầu tư.

Theo Tri Thức Trẻ
MỚI - NÓNG