Câu hỏi này của tôi không phải để dành cho nhà phát triển game Nguyễn Hà Đông mà dành cho những người đang chơi và quan tâm trò chơi này (trong đó có tôi).
Hay để dành cho nhiều người hâm nộ Flappy Bird khi có những lời dọa nạt đáng sợ lẫn đáng yêu như “dọa tự tử”, dọa tới “làm thịt” Nguyễn Hà Đông nếu anh không chịu khôi phục trò chơi… Rồi một tài khoản Twitter có tên @SaveFlappyBird với hi vọng 100 nghìn like sẽ giúp Flappy Bird “hồi sinh”.
Đúng là thế giới mạng. Rất ảo.
Và đúng là có điều gì bất ổn thật.
Trong khi cả thế giới cuốn theo những trò chơi hay những bộ phim 3D, 4D thì trò chơi với đồ họa đơn giản lại khiến người ta phát cuồng. Phải chăng độ khó và sự đơn giản của trò chơi đã khiến những người vốn sống gấp gáp, quay trở lại với chính mình.
Một trò chơi dễ chơi nhưng khó thắng, chỉ để giết thời gian bỗng trở thành nơi lập ngôn cho biết bao người như những ví von “đòi hỏi người chơi vượt lên chính mình”, “thành công đến từ những điều đơn giản”, "đường dài mới biết chim hay"...
Trong khi chúng ta đang tranh luận vì sao Nguyễn Hà Đông gỡ Flappy Bird và đặt ra vô vàn giả thuyết về bản quyền, trốn thuế, áp lực, chơi trò ú tim, muốn tạo scandal để nổi tiếng… thì ở Phần Lan, trò chơi Angry Bird đã được nâng lên thành thương hiệu quốc gia.
Và trước đó điệu nhảy Gangnam Style của anh chàng PSY, được Hàn Quốc hậu thuẫn trở thành thương hiệu quốc gia. Các sản phẩm ăn theo Gangnam Style cũng nở rộ, người hâm mộ K-pop tăng cao và hơn cả là thương hiệu “Made in Korea” được mùa.
Trong khi ở ngoài kia có người vẫn rêu rao về việc “tấn công thị trường Mỹ” thì trong căn phòng của mình, chàng kỹ sư mất 3 ngày để tạo ra sản phẩm gây hiệu ứng trên toàn thế giới, hàng ngày ước tính thu về hàng chục ngàn USD.
Đúng là bất ổn thật!
Và rồi trong khi nhiều diễn viên ca sĩ, người mẫu muốn nổi tiếng phải giở hết chiêu trò này khác để được nổi tiếng, được xuất hiện tại các trang mạng, diễn đàn, hay báo mạng, thì một chàng trai với cái đầu tròn, khuôn mặt hiền khô muốn tránh mặt giới truyền thông lại xuất hiện khắp các tờ báo uy tín hàng đầu thế giới như Telegraph, US Today, Daily Mail, Forbes, Huffington Post, Atlantic, Cnet, Time, USA Today, Reuters, PC Magazine…
Đâu mới là giá trị thật của cuộc sống. Giá trị của chất xám hay của những màn hở hang, lố lăng?
Và rồi, khi tôi ngồi đây viết những dòng phù phiếm này, bạn ngoài kia đồn đoán, suy luận hay đặt câu hỏi đại loại như “Làm sao để những tài năng Việt Nam có thể chắp cánh bay xa?”, còn Nguyễn Hà Đông đang ở trong căn phòng của mình và tiếp tục lập trình những trò chơi mới.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.