FBI thừa nhận sai lầm trong vụ iPhone

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), ông James Comey
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), ông James Comey
TP - Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), ông James Comey, hôm qua thừa nhận rằng, cơ quan này đã tự đánh mất cơ hội lấy được dữ liệu từ chiếc iPhone của một trong các tay súng trong vụ xả súng hàng loạt ở thành phố San Bernardino, bang California. Cuộc chiến giữa FBI và Apple vẫn chưa đến hồi kết.

Ngay sau khi vụ xả súng giết hại 14 người diễn ra hôm 2/12/2015, FBI ra lệnh cài đặt lại mật khẩu truy cập tài khoản lưu trữ trực tuyến iCloud của tay súng. “Đó là một sai lầm mà chúng tôi mắc phải trong vòng 24 giờ sau vụ tấn công”, Giám đốc FBI nói với các nghị sĩ Mỹ trong phiên điều trần về nỗ lực của chính phủ trong việc ép Apple giúp bẻ khóa chiếc iPhone. Các nhân viên FBI tin rằng, sau khi cài đặt lại mật khẩu iCloud, họ có thể truy cập được thông tin lưu trữ trên chiếc iPhone. Tuy nhiên, việc cài đặt lại password đã phản tác dụng: FBI phải đứng ngoài và đánh mất các biện pháp khác để vào trong chiếc điện thoại.

Chiếc iPhone mà tay súng Syed Rizwan Farook sử dụng hiện là trung tâm cuộc chiến dữ dội về pháp lý và chính trị về sự cân bằng giữa an ninh quốc gia và quyền riêng tư của người tiêu dùng. “Một vấn đề lớn đặt ra đối với đất nước chúng ta là nhân danh an ninh, chúng ta sẽ hy sinh bao nhiêu quyền riêng tư?”, nghị sĩ Jason Chaffetz nói với Giám đốc FBI. Trong khi một số nhà làm luật bày tỏ ủng hộ mối quan tâm về quyền riêng tư của Apple, một số khác tấn công lập trường của hãng này, cho rằng lập trường đó sẽ khiến cơ quan chức năng mất cơ hội tìm được bằng chứng trong các vụ nghiêm trọng liên quan các dòng iPhone mới hơn.

Bruce Sewell, luật sư của Apple, nói với các thành viên Ủy ban Tư pháp Hạ viện rằng, việc FBI yêu cầu trợ giúp kỹ thuật để bẻ khóa chiếc iPhone 5c của Farook “sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho chính phủ xâm phạm quyền riêng tư và an toàn của các công dân”. Phía Bộ Tư pháp Mỹ có ý cho rằng, chiến lược marketing và làm thương hiệu của Apple là động lực khiến hãng từ chối giúp FBI. Ông Sewell phản ứng quyết liệt: “Chúng tôi không dựng biển quảng cáo quảng bá, tiếp thị mức độ bảo mật của chúng tôi. Chúng tôi làm điều đó (từ chối bẻ khóa) là vì chúng tôi nghĩ rằng, bảo vệ an ninh và quyền riêng tư của hàng trăm triệu iPhone là việc đúng đắn cần làm”.

Các quan chức FBI nói rằng, dữ liệu mã hóa trong iPhone của Farook và hệ thống GPS của điện thoại có thể chứa những đầu mối quan trọng về địa điểm đối tượng này và vợ từng tới 18 phút sau vụ nổ súng (sau đó bị cảnh sát bắn chết) cũng như về những người mà họ có thể liên lạc trước đó. Tháng trước, một thẩm phán yêu cầu Apple phát triển phần mềm tắt cơ chế bảo mật trong iPhone của Farook để FBI có thể thử nhiều loại mật khẩu nhằm mở được điện thoại mà không phá hủy dữ liệu. Cụ thể, hai tuần trước, một tòa án liên bang ra lệnh cho Apple viết một đoạn mã cho phép FBI bẻ khóa iPhone của Farook. Apple từ chối, nói rằng đoạn mã có thể được sử dụng để mở khóa các máy iPhone khác.

Trận chiến đậm chất sử thi

Giới quan sát cho rằng, cuộc đấu giữa Apple và FBI được coi là trận chiến đậm chất sử thi giữa công nghệ lớn và chính phủ lớn. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, Apple đang chăm chăm bảo vệ mô hình kinh doanh và chiến lược marketing thương hiệu của mình, coi nhẹ vấn đề an toàn công cộng. Ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Apple, bao gồm iPhone.

Tổng giám đốc điều hành của Apple, ông Tim Cook, nói rằng, hãng luôn ủng hộ, bảo vệ sự an toàn cá nhân và riêng tư của khách hàng. Sự chống đối của Apple được nhiều hãng công nghệ lớn khác ủng hộ. Facebook, Google, Microsoft, Twitter và Yahoo từng nếm đòn đau giáng vào danh tiếng của họ, thiệt hại hàng tỷ đô la, sau khi người lộ mật Edward Snowden tiết lộ rằng, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) trong nhiều năm tình nguyện chuyển giao dữ liệu khách hàng của các hãng công nghệ cho cơ quan tình báo. 

Họ “đánh hơi”, “dòm ngó”, “sưu tầm” vô số email, cuộc gọi, tin nhắn và liên lạc video trên hành tinh. Theo các nhà phân tích, gần như chắc chắn rằng NSA có nội dung dữ liệu iPhone của tay súng trong vụ San Bernardino cũng như của nhiều người. Các dữ liệu này được lưu trữ trên máy chủ tại “trang trại gặt hái dữ liệu” khổng lồ ở bang Utah. Nhưng nhờ sự cứng đầu chống lệnh tòa án của Apple, NSA không thể hoặc sẽ không chuyển giao những dữ liệu đó cho FBI.

Theo Theo USA Today, New York Times, Computerworld
MỚI - NÓNG