Facebook là công cụ tốt để truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá

TP - Trước thực trạng công tác truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá ở nhiều tỉnh thành còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, các chuyên gia quốc tế đưa ra đề nghị thử nghĩ đến mạng xã hội - một công cụ dễ dàng, rẻ tiền mà không kém hiệu quả trong việc gây ý thức cộng đồng về thuốc lá.

Ngày 1/10, Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) đã tổ chức chương trình tập huấn kéo dài 2 ngày tại TPHCM nhằm hỗ trợ việc lập kế hoạch truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá cho đại diện các trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe thuộc khu vực miền Trung và miền Nam.

Facebook là công cụ tốt để truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá ảnh 1

Dùng Facebook tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá, tại sao không? Ảnh: WLF.

Kinh phí eo hẹp, công cụ lạc hậu

Một trong các gợi ý về mục đích truyền thông mà khóa tập huấn đưa ra, đó là cần một luật phòng chống tác hại thuốc lá cứng rắn hơn ở Việt Nam. Đồng thời, bắt đầu quy định môi trường không khói thuốc ở nơi làm việc và nơi công cộng.

Tuy nhiên, đại diện Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Đồng Tháp cho biết, nguồn lực và điều kiện eo hẹp, nên công tác phòng chống tác hại của thuốc lá mới được triển khai tại đây gần 1 năm nay nhưng chủ yếu vẫn chỉ làm ở các bệnh viện. Còn hoạt động phòng chống ở cộng đồng chưa thể triển khai. Nếu thời gian tới có thêm kinh phí sẽ triển khai hoạt động tuyên truyền không hút thuốc lá ở 12 trường THPT trong tỉnh. Tương tự, theo ông Phan Công Duẩn - Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Quảng Nam, hiện kinh phí cho các hoạt động in tờ rơi, đặt bảng tuyên truyền tác hại của thuốc lá… trên địa bàn khá eo hẹp. Sự phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để tuyên truyền còn hạn chế. “Trước giờ, công tác tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá chủ yếu được thông tin qua kênh phát thanh và truyền hình của địa phương. Tuy nhiên công tác này không được thường xuyên”, ông Duẩn cho biết.

Nhiều đại biểu tham gia tập huấn còn nêu vấn đề xử phạt vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng hiện nay cũng không nghiêm, “thuốc chưa đắng, nên chưa dã tật”. Một đại biểu kể, có lần đi kiểm tra phát hiện người hút thuốc lá ở bệnh viện. Khi lập biên bản xử phạt thì người vi phạm cũng chẳng có tiền đóng phạt. Chả có quy định nào cho phép xử lý những người không nộp tiền trong trường hợp này.

Tại sao không dùng mạng xã hội?

Trước những khó khăn kinh phí eo hẹp, công cụ truyền thông lạc hậu tại các địa phương, nhiều mô hình truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá “giá rẻ” đã được đưa ra tại khóa tập huấn. Theo Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Sóc Trăng, đơn vị này đang triển khai mô hình thí điểm “Không khói thuốc lá trên các tuyến xe buýt” tại Công ty CP Vận tải Sóc Trăng. Cụ thể, công ty hiện có 60 đầu xe buýt. Mỗi ngày có 40 lượt xuất bến, với mỗi lượt khoảng 15% hành khách hút thuốc và 45/50 tài xế nghiện thuốc lá. Mục tiêu đưa ra là 90% hành khách, tài xế và nhân viên bán vé không hút thuốc trên xe.

Còn tại Khánh Hòa, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe TP Nha Trang triển khai kế hoạch dựa trên quan điểm cho rằng học sinh là yếu tố “truyền thông đa chiều” tốt nhất để hạn chế hút thuốc lá trong các gia đình và phòng chống tác hại của thuốc lá nơi công cộng. Bằng cách thông qua các hoạt động phong trào, hội đoàn, nhà trường sẽ tuyên truyền cho các em biết rõ tác hại của thuốc lá. Từ những kiến thức đó, các em sẽ có những “can thiệp nhỏ” tại gia đình để bố mẹ, anh chị bỏ dần thói quen hút thuốc.

Giảng viên khóa tập huấn, bà Mego Lien - Thạc sỹ Y tế công cộng, Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á Truyền thông và vận động chính sách, Quỹ lá phổi thế giới (WLF) - đưa ra con số thống kê mới nhất, Việt Nam có hơn 94,3 triệu dân thì có đến 44% truy cập internet. Thời gian trung bình người Việt dành cho internet là 5,2 giờ/ngày, trong đó, thời gian trung bình mà người dân xứ ta dành cho truyền thông xã hội là 3,1 giờ/ngày. Và Facebook đang là mạng xã hội hàng đầu ở Việt Nam với tỷ lệ người dùng chiếm 21%.

Từ đó, bà gợi ý, cần sử dụng truyền thông xã hội cho vận động và đẩy mạnh các chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá. Trong đó, vai trò của Facebook trong chiến dịch truyền thông là cách kết nối, hướng dẫn và vận động cộng đồng một cách miễn phí để có thể chia sẻ tin tức, nội dung và hình ảnh hỗ trợ phòng chống tác hại cả thuốc lá hữu hiệu.

Ngoài ra, theo bà Mego Lien, các địa phương có thể sử dụng các kênh truyền thông gây chú ý như lập đường dây tư vấn cai nghiện, tập huấn cho lãnh đạo khu dân cư… Dù bằng công cụ nào, cũng cố gắng xây dựng các thông điệp. Bà đưa ra vài ví dụ, chẳng hạn, “việc áp đặt những nguy cơ sức khỏe lên những người không hút thuốc lá là không công bằng”. Hoặc “mọi người đều có quyền hưởng thụ nơi công cộng”. Hoặc “người không hút thuốc có quyền được thở không khí trong lành tại nơi làm việc và công cộng”.

10% dân số Việt Nam sẽ tử vong do bệnh tật liên quan đến thuốc lá đến 2020 nếu không thực hiện những biện pháp phòng chống tác hại. Tỷ lệ tiếp xúc với khói thuốc lá rất cao ở Việt Nam, với 56% đối với người lớn ở nơi làm việc, 73% ở nhà.

Khói thuốc thụ động chứa những chất độc có thể gây ảnh hưởng có hại đến trẻ em, bao gồm hen, viêm tai, viêm phổi gây tử vong. Các chính trị gia cần phải nhận thức được các nhu cầu lớn cộng đồng về quy định không khói thuốc thông qua các kiến nghị trực tuyến. Chính phủ cần phải thông qua quy định môi trường không khói thuốc mạnh mẽ.

MỚI - NÓNG