Liên tiếp các vụ lừa đảo
Tháng 9/2015, tài khoản Facebook Tieu Tieu, do chị Vũ Trà M. (SN 1989, trú quận Đống Đa) đăng tải trên trang cá nhân thông tin một bé gái 5 tuổi, học trường mầm non trong Khu đô thị Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) bị bắt cóc khi đi dạo tại vườn hoa cùng các bạn. Ngay lập tức, cơ quan công an vào cuộc xác minh.
Thời điểm trên, Trà M. trên đường đi taxi về nhà có nghe tài xế thuật lại việc nghe người khác kể lại có hai đối tượng lạ mặt đến bế một cháu nhỏ đi khi cô giáo đang đưa đi dạo ở Văn Quán. Sau khi xuống xe, người phụ nữ này đã đăng lên mạng. Dòng trạng thái có 728 lượt chia sẻ và được nhiều báo điện tử đăng tải gây hoang mang dư luận dù Vũ Trà M. chỉ nghe lại.
Trước đó không lâu, do hiểu biết về công nghệ thông tin, Ngô Bá Sơn (SN 1984, quê Nam Định) tự học cách tăng lượng truy cập vào các website qua mạng xã hội bằng cách đăng tin lên các nhóm trên Facebook, từ đó chuyển hướng truy cập của người dùng từ các đường dẫn do Sơn tạo ra vào 2 website khác để trục lợi. Sau đó, Sơn đăng bài viết nội dung “Bắt và hiếp một nữ sinh đại học” trên các đường dẫn để tăng lượng truy cập nhằm trục lợi bất chính. Ở một vụ khác, do Nguyễn Thanh Sơn yêu cầu cần số lượng không giới hạn người truy cập vào các website nên Ngô Bá Sơn mời Vũ Văn Bằng làm cùng với phương thức và thủ đoạn như trên. Sau đó, Vũ Văn Bằng đã nhập vào tài khoản Tim Tím gửi bài viết với nội dung Huyền Bông sẵn sàng quan hệ tình dục với ai có tiền thông qua đường dẫn/react-text http://daythi... và dùng tài khoản Facebook Nga Dinh Gia để đăng bài viết với nội dung “Đại gia xấu trai nghìn tỷ lộ video quay cùng mẹ” qua tên miền /react-text http://thailand... Việc điều hướng truy cập của Ngô Bá Sơn và Vũ Văn Bằng đã có khoảng gần 2,5 triệu lượt truy cập. Mỗi lượt người dùng truy cập, Nguyễn Thanh Sơn trả cho Sơn và Bình từ 10-15 đồng. Sơn và Bình đã thu lợi được hơn 20 triệu đồng.
Xét thấy hành vi của hai đối tượng Ngô Bá Sơn và Vũ Văn Bằng đăng những thông tin sai sự thật có tính chất giật gân để trục lợi và gây hoang mang dư luận, có dấu hiệu vi phạm pháp luật được quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet nên PC50 đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc, đối tượng và tang vật cho PC45 Công an Hà Nội để tiếp tục điều tra làm rõ theo thẩm quyền.
“Tội phạm sử dụng công nghệ cao là tội phạm ẩn, là đối tượng ngồi ở một nơi nhưng có thể gây hậu quả tới nhiều nơi khác, thậm chí không tiếp xúc với bị hại. Hơn nữa, cơ quan chủ quản của Facebook đặt ở nước ngoài, họ làm việc không theo pháp luật của Việt Nam. Những người tham gia mạng xã hội lại không phân biệt lứa tuổi, giới tính, ngành nghề công việc, trình độ học vấn… nên công tác phối hợp xác minh gặp nhiều khó khăn; trong khi số lượng vi phạm pháp luật khi sử dụng mạng xã hội ngày càng phổ biến, tinh vi và phức tạp”.
Thượng tá Hà Thị Thu Hằng, Phó trưởng Phòng PC50 Công an TP Hà Nội
Ngày 4/1/2016, PC50 phối hợp với Công an huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) xác định đối tượng Nguyễn Văn Hào (SN 1999, trú xã Đồng Tĩnh) có hành vi tạo và sử dụng website tay2015... lừa đảo người dùng dưới hình thức thông báo khuyến mại x10 giá trị thẻ nạp chiếm đoạt 116 triệu đồng. Vụ việc được chuyển giao Công an huyện Tam Dương xử lý theo thẩm quyền. Trong ngày 4/1/2016, PC50 phối hợp với Công an thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị xác định đối tượng Đinh Văn Linh (SN 1993) chiếm đoạt tài khoản Facebook Trần Hồng Dương, chiếm đoạt 50 triệu đồng của anh Lê Minh Dương (SN 1978, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội). PC50 Công an Hà Nội đã bàn giao đối tượng Đinh Văn Linh cho Công an Quảng Trị để tiến hành điều tra, xử lý.
Ngày 5/1/2016, PC50 đã khám phá chuyên án bí số 229-H để đấu tranh với ổ nhóm hoạt động phạm tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet và thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Ngay sau đó, PC50 Công an Hà Nội đã phối hợp với Công an TP Đồng Hới xác định đối tượng Nguyễn Xuân Ngọc (SN 1984, trú tỉnh Quảng Bình) có hành vi rao bán sim số đẹp trên mạng Facebook lừa người mua sim chuyển tiền rồi chiếm đoạt hơn 41 triệu đồng.
Ngày 6/4/2016, PC50 khám phá vụ đối tượng Trương Thị Thu Thảo (SN 1995, trú TPHCM), Đinh Thị Thu Quỳnh (SN 1992, quê Đắk Lắk), Nguyễn Thị Kim Thy (SN 1978, quê TPHCM) và Trương Hồng Ngọc (SN 1992, trú TPHCM), có hành vi đăng quảng cáo bán vé máy bay giá rẻ trên mạng xã hội Facebook, Zalo, lừa hành khách chuyển tiền mua vé máy bay rồi chiếm đoạt tổng số tiền hơn 101 triệu đồng, có dấu hiệu của tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 226b Bộ luật Hình sự. Ngày 28/4, PC50 đã chuyển hồ sơ vụ việc và các đối tượng cho PC46 CA TPHCM giải quyết theo thẩm quyền.
Ngày 4/8/2016, PC50 đấu tranh chuyên án 716-F, khám phá vụ đối tượng Nguyễn Tuấn Linh (SN 1987, quê tỉnh Thanh Hóa và đang ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) có hành vi tham gia diễn đàn trên mạng xã hội Facebook đưa thông tin gian dối là bản thân có khả năng nhập hàng Trung Quốc bán cho người khác giá rẻ hơn giá thị trường làm cho người có nhu cầu mua tin tưởng, đặt hàng và chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho Linh. Trong hai tháng 7 và 8, Linh đã chiếm đoạt trót lọt 5 vụ với tổng số tiền hơn 180 triệu đồng. Hành vi này có dấu hiệu của tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị số chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 226b Bộ luật Hình sự nên chuyển giao hồ sơ cho PC45 Công an Hà Nội xử lý theo thẩm quyền…
Tinh vi, phức tạp
Trao đổi với Tiền Phong, thượng tá Hà Thị Thu Hằng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội cho biết, không chỉ tung tin thất thiệt, giật gân, gây hoang mang dư luận mà rất nhiều đối tượng còn lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo người khác bằng cách nhắn tin khuyến mãi trúng thưởng, nạp thẻ cào, bán hàng qua mạng... Trong tổng số hàng trăm đối tượng bị phát hiện xử lý thì có gần 50% hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thậm chí, có nhiều đối tượng là học sinh thực hiện hành vi phạm tội vì nhận thức không đầy đủ. Việc lừa đảo, chiếm đoạt chỉ là để thể hiện năng lực, thể hiện tài năng của mình mà không để làm gì.
Bà Hằng cho biết, trong năm 2016, PC50 đã đề nghị xử lý hình sự 23 đối tượng và bàn giao nhiều đối tượng khác cho cơ quan có thẩm quyền xử lý người có hành vi sử dụng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trong đó, tỉ lệ người vi phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản chiếm gần 50%. Cũng theo bà Hằng, tội phạm sử dụng công nghệ cao là tội phạm ẩn, là đối tượng ngồi ở một nơi nhưng có thể gây hậu quả tới nhiều nơi khác, thậm chí không tiếp xúc với bị hại. Hơn nữa, cơ quan chủ quản của Facebook đặt ở nước ngoài, họ làm việc không theo pháp luật của Việt Nam. Những người tham gia mạng xã hội lại không phân biệt lứa tuổi, giới tính, ngành nghề công việc, trình độ học vấn… nên công tác phối hợp xác minh gặp nhiều khó khăn; trong khi số lượng vi phạm pháp luật khi sử dụng mạng xã hội ngày càng phổ biến, tinh vi và phức tạp. “Vì lượng người tham gia mạng xã hội quá nhiều, sự thiếu hiểu biết, ý thức vì cộng đồng, ý thức của người dùng chưa nâng cao tinh thần cảnh giác nên dễ bị các đối tượng lợi dụng”, bà Hằng nói.
Để sử dụng mạng xã hội hiệu quả, an toàn, lãnh đạo PC50 khuyến cáo người dùng nên tăng cường tính bảo mật tài khoản để tránh người khác hoặc tội phạm chiếm đoạt, sử dụng cho mục đích xấu. Đối với những thông tin chưa rõ ràng, gây hoang mang dư luận, nên tỉnh táo, bình tĩnh nhận định qua nhiều kênh thông tin khác trước khi phản hồi, bình luận hay chia sẻ. Khi gặp các trường hợp giả danh nhà mạng mua thẻ cào trúng thưởng cần kiểm chứng. Đặc biệt, khi đối tượng yêu cầu người dùng nạp tiền phí, thuế bằng thẻ cào trước khi nhận quà thưởng thì đây chính là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất. Bởi cơ quan nhà nước khi thu tiền không qua đơn vị trung gian. Thông thường họ yêu cầu tới cơ quan thuế, hải quan để giao dịch, không gửi qua thẻ, không nạp thẻ... Đồng thời người sử dụng Facebook cần kêu gọi những người tham gia mạng xã hội có ý thức xây dựng cộng đồng lành mạnh.
Khuyến cáo học sinh không like facebook thiếu lành mạnh
“Chú trọng cảnh báo học sinh không bấm like (thích), bình luận vào những trang facebook có nội dung không lành mạnh và nguy hại”, đó là chỉ đạo của Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa tại văn bản gửi các Phòng GD&ĐT trên địa bàn và các đơn vị trực thuộc.
Sở GD&ĐT Khánh Hòa yêu cầu: Không để tệ nạn bạo lực học đường xảy ra; vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh không sử dụng facebook vào mục đích gây hại đến bản thân và cộng đồng, chú trọng cảnh báo học sinh không like, bình luận những trang facebook có nội dung không lành mạnh và nguy hại; đẩy mạnh hoạt động tư vấn tâm lý học đường…
Nguyễn Đình Quân
Diễn đàn “Facebook & hệ lụy” nhằm phân tích rõ tác hại của mạng xã hội Facebook cũng như đưa ra các giải pháp để ngăn ngừa, khắc phục tác hại của mạng xã hội tới giới trẻ. Rất mong được bạn đọc góp ý kiến tham gia. Bài gửi về Ban Thanh niên, báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội hoặc email: phongcamkttp@gmail.com.
Trân trọng cảm ơn.