FB đang là mạng xã hội được giới trẻ Việt Nam sử dụng nhiều nhất. Không thể phủ nhận mặt tích cực của FB hiện nay, đó là tập trung sức mạnh của xã hội và đặc biệt là tập trung được sức mạnh của tuổi trẻ để làm những điều có ích. Ví dụ nổi bật nhất trong thời gian này chính là tinh thần thiện nguyện tại miền Trung, giúp đồng bào khắc phục hậu quả của trận lũ lịch sử. Người ta cũng có thể sử dụng FB để làm công tác Đoàn, sử dụng FB để học tập. Ý nghĩa tích cực của nó lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, FB cũng có nhiều hệ lụy. Hiện tượng “ngáo” FB đã được báo chí đưa tin. Đó chính là hiện tượng vào FB nhưng không làm chủ được bản thân, có những biểu hiện làm ảnh hưởng đến bản thân và người khác. Ví dụ như trường hợp một thanh niên tại TPHCM tuyên bố nếu “câu” được 40.000 like (thích) thì sẽ tẩm xăng vào người và nhảy cầu. Sau khi đăng tải, bài viết của cậu thanh niên thu hút gần 100.000 like cùng hàng nghìn bình luận cổ vũ lẫn thách thức anh thực hiện hành động nguy hiểm. Cuối cùng, cậu ấy làm thật. Trường hợp thứ hai là cô bé đổ xăng đốt trường tại Khánh Hòa. Ngày 9/10, trên mạng xã hội lan truyền video nữ sinh lớp 8 tẩm xăng, châm lửa gây hỏa hoạn trong trường học. Sự việc xảy ra vào sáng cùng ngày tại trường THCS Phạm Ngũ Lão, Khánh Hòa. Trong video, nữ sinh cầm túi xăng đổ xung quanh cửa phòng rồi châm lửa đốt. Nhóm bạn đứng sau quay phim, hò reo cổ vũ.
Theo tôi, đây là những hiện tượng có biểu hiện ban đầu của “ngáo” FB. Cho nên, người sử dụng FB phải có định hướng rõ ràng. Đó còn chưa kể định hướng về mặt tư tưởng, chính trị. Ví dụ như mấy hôm nay, một Facebooker đưa tin sai lệch về đoàn xe của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về quê ở Bến Tre. Hành động này là sai lầm, bịa đặt về chính trị. Do đó, người sử dụng FB phải có định hướng về chính trị đúng đắn trước khi like hay share một nội dung nào đó trên mạng xã hội. Người sử dụng FB phải tỉnh táo, cẩn trọng, tránh gây ảnh hưởng cho bản thân, gia đình và xã hội.
Diễn đàn “Facebook & hệ luỵ” nhằm phân tích rõ tác hại của mạng xã hội Facebook cũng như đưa ra các giải pháp để ngăn ngừa, khắc phục tác hại của mạng xã hội tới giới trẻ. Rất mong được bạn đọc góp ý kiến tham gia. Bài gửi về Ban Thanh niên, báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội hoặc email: phongcamkttp@gmail.com.
Trân trọng cảm ơn.