Theo ThS Linh, thường người trẻ, đặc biệt lứa tuổi vị thành niên có tính cách đặc trưng là bồng bột, thiếu bản lĩnh, ứng xử bằng cảm xúc thay vì lý trí. Vì thế, khi không may trở thành nạn nhân của mạng xã hội, các em dễ rơi vào trạng thái chán nản, khủng hoảng, tiêu cực nhất là tìm đến cái chết. Thực tế cho thấy, rất nhiều người trẻ đã tìm đến cái chết vì những áp lực từ mạng xã hội gây ra.
ThS Cảnh Linh cho biết, dùng mạng xã hội là một xu thế phát triển. Các bậc phụ huynh không nên ngăn cấm, áp đặt con mình mà hãy có phương pháp giáo dục sao cho con sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm, văn hóa. ThS Cảnh Linh chia sẻ: “Tôi cũng có con 13 tuổi sử dụng Facebook, nhưng thay vì cấm con, tôi làm bạn với con để lắng nghe và định hướng cho con”.
Ths Cảnh Linh kể: “Có lần, con cho tôi xem status của bạn kêu chán đời, muốn làm việc dại dột. Con hỏi: “Bạn viết thế, con nên làm gì với bạn”. Tôi khuyên con, với những dòng status như thế con không nên bấm “like”, hay cổ súy. Nếu con thực sự quan tâm thì gặp bạn hoặc chat hỏi thăm bạn xem thực hư câu chuyện thế nào, rồi tìm cách động viên, an ủi bạn”. Ths Cảnh Linh cho rằng, mỗi bậc phụ huynh hãy làm bạn với con trên mạng xã hội để kịp thời nắm bắt tâm lý con trẻ, đồng hành với con, định hướng con biết cách phớt lờ với những trò vô bổ, lệch chuẩn của mạng xã hội.
Thực tế thời gian qua, nhiều Facebooker đã biết phát huy sức mạnh để biến mạng xã hội thành công cụ làm được nhiều việc có ích cho cộng đồng. Điển hình, gần đây, MC Phan Anh nhanh chóng trở thành nhân vật “hot” trên mạng khi anh lên Facebook cá nhân kêu gọi cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt và tự mình ủng hộ 500 triệu đồng. Hành động “nói là làm” của Phan Anh nhận được sự cộng hưởng nhiệt liệt của cộng đồng mạng và chỉ sau vài ngày, thu được gần 20 tỷ đồng tiền cứu trợ đồng bào miền Trung.
Ngoài MC Phan Anh, nhiều đội, nhóm, câu lạc bộ tình nguyện, hội đồng hương… cũng thông qua Facebook để vận động ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt với số tiền lên đến hàng tỷ đồng chỉ sau vài ngày kêu gọi.
Diễn đàn “Facebook và hệ lụy” nhằm phân tích rõ tác hại của mạng xã hội Facebook cũng như đưa ra các giải pháp để ngăn ngừa, khắc phục tác hại của mạng xã hội tới giới trẻ. Rất mong được bạn đọc góp ý kiến tham gia. Bài gửi về Ban Thanh niên, báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội hoặc email:
phongcamkttp@gmail.com.
Trân trọng cảm ơn.