Hội chứng “tay nhanh hơn não”
Trong 4 ngày quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt được 16 tỷ đồng, MC Phan Anh trở thành “soái ca” khi có những hoạt động thiện nguyện hiệu quả. “Hiện tượng Phan Anh” ngập tràn trên mạng xã hội với rất nhiều thông tin tung hô quá đà.
Thời điểm nhân vật chính còn đang vất vả với việc trao quà, có không ít trang mạng suy tôn anh lên mây xanh. Nạn bầy đàn, a dua đã đẩy mọi thứ lên quá đà với hàng chục nghìn lượt bình luận. Người trong cuộc, người thực lòng yêu mến Phan Anh phải thốt lên: “Xin tha cho Phan Anh, hãy để cậu ấy được làm nghệ sĩ với trái tim, tấm lòng nhân hậu”; “Đừng đẩy cậu ấy vào chỗ khó khăn như thế!”.
Việc “tâng bốc lên mây” MC Phan Anh có phải là sự yêu mến một cách tử tế hay không? Rõ ràng, Phan Anh không phải là một huyền thoại. Anh chỉ là người đàn ông 3 con, lấy sự tử tế làm lựa chọn sống cho mình.
Cuối cùng Phan Anh phải lên tiếng: “Đừng đi nghe rồi like, chia sẻ cái không rõ nguồn gốc, không có cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm làm gì! Kinh nghiệm là cứ kéo xuống phía dưới xem trang mình đọc là của ai, đến từ đâu đã (không có gan lộ mặt thì khác gì mấy kẻ hay đi tung tin đồn). Mấy bữa rồi là cả nhà giúp sức để tăng lượng view của cái trang nhảm đó lắm đấy nhé! Bài học kinh nghiệm cho chúng ta: ngày càng tỉnh táo và tin tưởng những thật tâm nha”.
Like dạo làm khổ cả người thân
Có trường hợp like, share dạo mà không đọc kỹ thông tin dẫn đến hiểu lầm. Mới đây, để kiểm chứng nạn like dạo, H. (phóng viên một tờ báo) cho đăng tấm hình chụp tờ giấy đăng ký kết hôn của một người có tên trùng với H. cùng với cô dâu lạ, vốn không phải là người yêu hiện tại của H. Dù không có bất cứ lời bình nào nhưng chỉ xem qua tấm hình, có tới 90% bạn bè trong danh sách comment chúc mừng. Trong danh sách bạn bè còn có nhiều anh em họ hàng của H, đã lập tức gọi cho bố mẹ H. trách móc sao cưới con không bàn bạc, mời mọc. Điều đáng bàn, ngoài việc trùng họ tên, tất cả các thông tin khác đều sai như ngày tháng năm sinh, địa chỉ cư trú…, nhưng tất cả người thân của H. đều không đọc.
Chỉ sau 7 giờ đăng bức ảnh với rất nhiều rắc rối, H. phải viết một bài lý giải đó là sự kiểm nghiệm nạn like dạo, bình luận mà không thẩm định xem xét rõ đúng sai, thực hư. “Tờ giấy kết hôn kia là thật, nhưng không phải là tôi. Vậy đấy, một thông tin chưa được kiểm chứng + mập mờ từ người đăng = hiệu ứng lan tỏa thông tin. Thực ra, thử nghiệm của tôi dự định kéo dài 24h đồng hồ, tuy nhiên, có thể kéo theo sự rắc rối. Vậy nên xin phép đăng tải thông tin này để kết thúc toàn bộ sự việc náo loạn vừa qua. Thông điệp tôi muốn nhắn nhủ với các bạn là: Hãy đăng tải thông tin có trách nhiệm; đọc và kiểm chứng thông tin có trách nhiệm; comment và share có trách nhiệm”, khổ chủ lên tiếng.
Hãy cân nhắc khi like, chia sẻ
Ngày 31/10, thầy giáo L.Q.C có tấm lòng thiện nguyện ở miền Trung bất ngờ chia sẻ đường link lạ nội dung hoàn toàn bịa đặt “Tạm giam 15 bạn nữ quyên góp tiền từ thiện bằng cách… 50k” với lời giới thiệu: “Ở Nhật Bản người ta cho phép quyên tiền từ thiện bằng cách này”. Ngay lập tức, nhiều người “nhảy” vào bình luận: “Thế hệ trẻ ngày nay kinh thật”, người thì nặng lời “Sinh viên gì đổ đốn. Nhân danh việc thiện mà làm điều xằng bậy”… Nhưng ít ai mảy may xem xét kỹ đó là bài viết bịa đặt của một trang mạng lá cải giật gân câu view. Sau khi đăng tải hơn 1 giờ đồng hồ, cũng có người tỉnh táo phân tích: “Báo bịa 100%, các bức ảnh đều lấy ở chỗ khác. Các bác chắc chưa đọc hoặc có đọc nhưng không hiểu tý nào!”. Anh Trần Vũ Tuấn phê phán: Mọi người cứ nhắm mắt share, comment. Đối tượng cần bị bắt là tác giả, ban biên tập của trang mạng đó và những người phát tán. Nên cân nhắc và kiểm chứng trước khi nhấn nút chia sẻ”.
Tuy nhiên, chủ nhân dẫn bài viết vẫn giữ nguyên bài viết. Cho tới khi trực tiếp đọc bài bịa đặt trắng trợn và từng “comment” cợt nhả trêu nhau, dùng nhiều từ xúc phạm các bạn trẻ tình nguyện của Thủ đô, tác giả bài viết bình luận: “Tào lao, bịa đặt như vậy mà anh cũng share là không chấp nhận được. Đặc biệt khi anh là một thầy giáo, chắc chắn có nhiều bạn trẻ đọc thông tin bịa đặt như vậy!”. Ngay lập tức, thầy giáo L.Q.C gỡ đường link và bài viết chia sẻ trên trang cá nhân.
Hạn chế dùng “phây” trong giờ làm việc
Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) TP Đà Nẵng vừa có văn bản khuyến cáo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, phường xã trên địa bàn không sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook cho mục đích cá nhân trong giờ làm việc.
Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT, hiện vẫn còn nhiều cán bộ, công chức sử dụng Facebook trong giờ làm việc để phục vụ cho mục đích cá nhân. Vì vậy Sở TT&TT khuyến cáo nhằm hướng cán bộ, công chức tập trung vào công việc hơn. Ông nhấn mạnh rằng đây là khuyến cáo, chứ chưa phải cấm. “Trước mắt là khuyến cáo bằng văn bản, các phòng, ban…phải quán triệt việc hạn chế dùng Facebook trong giờ làm việc vì mất thời gian, đó là chưa kể đến những hệ lụy xấu từ những thông tin không chính thống trên Facebook. Sau một thời gian theo dõi, nếu tình trạng cán bộ, công chức dùng Facebook cho mục đích cá nhân trong giờ làm vẫn không cải thiện, Sở sẽ dùng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn”, ông Thanh nói.
Thanh Trần
Diễn đàn “Facebook và hệ lụy” nhằm phân tích rõ tác hại của mạng xã hội Facebook cũng như đưa ra các giải pháp để ngăn ngừa, khắc phục tác hại của mạng xã hội tới giới trẻ. Rất mong được bạn đọc góp ý kiến tham gia. Bài gửi về Ban Thanh niên, báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội hoặc email:
phongcamkttp@gmail.com.Trân trọng cảm ơn.