EU vạch chiến lược Ấn – Thái, nhưng nói không chống Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Tàu Vendemiaire (F734) của Hải quân Pháp. (Ảnh: Reuters)
Tàu Vendemiaire (F734) của Hải quân Pháp. (Ảnh: Reuters)
TPO - Ngày 19/4, Liên minh châu Âu (EU) công bố chiến lược riêng nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, sử dụng các lĩnh vực từ an ninh đến y tế để bảo vệ lợi ích của mình và đối phó với sức mạnh gia tăng của Trung Quốc.

Chiến lược do Pháp, Đức và Hà Lan dẫn dắt để đề ra những biện pháp nhằm làm sâu sắc quan hệ với các nước như Ấn Độ, Nhật Bản và Úc. Khối của 27 quốc gia châu Âu muốn dùng kế hoạch này để thể hiện với Bắc Kinh rằng họ chống lại cách làm của Trung Quốc.

Chiến lược được nêu ra trong tài liệu dài 10 trang cho rằng “EU cần củng cố trọng tâm chiến lược, sự hiện diện và hành động ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương…dựa trên việc thúc đẩy dân chủ, pháp quyền, nhân quyền và luật quốc tế”, các bộ trưởng ngoại giao EU khẳng định. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao EU vẫn nói rằng kế hoạch này không phải để chống Trung Quốc.

Các bộ trưởng nhất trí rằng sau tài liệu này, EU sẽ đưa ra chiến lược chi tiết hơn vào tháng 9 tới. Các bộ trưởng EU nói rằng họ sẽ làm việc với “những đối tác cùng chung suy nghĩ” để bảo vệ các quyền cơ bản ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Chiến lược cho thấy EU sẽ coi trọng hơn những vấn đề của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, dành thêm nhân lực và đầu tư vào khu vực này, cũng như gia tăng hiện diện an ninh bằng những cách như đưa tàu chiến qua Biển Đông hoặc tuần tra chung với hải quân Úc, dù kế hoạch chi tiết chưa được thống nhất.

Dù không đề cập tên Trung Quốc, ngôn ngữ trong tài liệu vừa đưa ra của EU được hiểu là sự ủng hộ đối với Mỹ trong cách tiếp cận với Trung Quốc, giữa những lo ngại rằng Bắc Kinh đang sử dụng những thành quả công nghệ và quân sự của mình để đe doạ phương Tây và các đối tác thương mại ở châu Á.

Giới ngoại giao EU nói rằng các nước ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương muốn EU chủ động ở khu vực để duy trì thương mại mở và bảo đảm rằng họ không bị buộc phải lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington.

Tuyên bố của EU, tiếp nối kế hoạch tương tự của Anh, cho thấy thái độ của châu Âu với Trung Quốc đã rắn hơn sau khi Bắc Kinh siết chặt quản lý Hong Kong, đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và ứng xử với đại dịch COVID-19.

“EU sẽ phát triển hơn nữa các quan hệ đối tác và tăng cường hiệp đồng với các đối tác và tổ chức cùng chung tư tưởng trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Điều này sẽ bao gồm việc ứng phó với những thách thức chung đối với an ninh quốc tế, bao gồm an ninh trên biển”, tuyên bố của EU viết.

Chưa rõ EU sẵn sàng đi xa đến đâu trong vấn đề an ninh, trong khi đang muốn thúc đẩy thương mại và coi Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực giàu tiềm năng.

Tài liệu khẳng định cam kết thúc đẩy các thoả thuận thương mại tự do với Úc, Indonesia và New Zealand. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas từng cảnh báo rằng EU đang bị gạt ra rìa, sau khi Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương ký RCEP.

Tài liệu của EU cũng nói rằng khối này muốn ký một thoả thuận đầu tư với Trung Quốc mà hai bên đã đồng ý về nguyên tắc vào cuối năm 2020.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG