Quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh trong thương mại là “khó khăn” và góp phần khiến kinh tế toàn cầu phát triển chậm lại, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói tại cuộc họp báo hôm nay ở Osaka, Nhật Bản, nơi lãnh đạo nhóm 20 nền kinh tế bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh trong 2 ngày.
“Chúng ta gặp nhau vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang trải qua nhiều bất định”, ông Juncker nói. Ông cho rằng tất cả các quốc gia sẽ gặp khó khăn nếu các bên khác không làm theo quy định.
“Trong các cuộc nói chuyện của chúng tôi với cả chính quyền Mỹ và Trung Quốc...tôi đều nhấn mạnh đến tác động tai hại mà vấn đề tranh cãi này đang gây ra”, ông nói.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kêu gọi tất cả các nước chấp nhận quan điểm mở và tự do hơn.
“Vũ đài toàn cầu không thể trở thành đấu trường...nơi những người tự cao tự đại thống trị một số hệ thống và cảm xúc dân tộc thống trị lĩnh vực kinh tế”, ông Tusk nói. Ông cho rằng nước nào cũng phải có trách nhiệm không chỉ vì lợi ích của mình và còn vì một trật tự thế giới an toàn và công bằng.
Cuộc gặp thượng đỉnh G20 trong 2 ngày đang bị phủ bóng bởi xung đột thương mại gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, và mọi con mắt đang dồn vào cuộc gặp giữa lãnh đạo 2 nước trong dịp này nhằm tiến tới giải quyết cuộc chiến thương mại.
Báo Hong Kong SCMP hôm 27/6 dẫn các nguồn tin nói rằng hai bên sẽ đồng ý đình chiến nhằm khôi phục quá trình thương lượng. Thỏa thuận đình chiến trong 90 ngày lần trước cũng được nhất trí tại thượng đỉnh G20 năm ngoái ở Buenos Aires.
Chi tiết thỏa thuận đình chiến đang được hai bên kiểm tra lại trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau vào ngày 29/6.
Trong khi căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới không ngừng leo thang suốt mấy tháng qua với việc hai bên tăng thuế và trả đũa nhau, Mỹ cũng đang thúc đẩy thay đổi các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm buộc Trung Quốc chấm dứt các cách làm thương mại bị cho là không công bằng.
“Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với Mỹ và Nhật, cũng như Trung Quốc và các nước khác, trong vấn đề cải tổ WTO và tạo ra sân chơi cấp độ khác. Điều này chỉ có thể làm được khi G20 đóng vai trò cốt lõi”, ông Juncker nói.