Ép cô giáo quỳ và lo ngại về cải cách giáo dục

Trường tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) nơi cô giáo bị phụ huynh ép quỳ gây nhiều tranh cãi những ngày qua.
Trường tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) nơi cô giáo bị phụ huynh ép quỳ gây nhiều tranh cãi những ngày qua.
TP - “Một nền giáo dục nhân bản văn minh, một xã hội hiện đại thượng tôn pháp luật mà vẫn tồn tại phương cách giáo dục nhiều nghịch lý, giữa hiểu biết pháp luật và hành xử, giữa lý thuyết và thực hành, nơi đề cao sự tôn nghiêm mà giá trị con người lại bị xem nhẹ. Giáo dục mà không lấy con người làm trung tâm thì chắc chắn sẽ tạo ra những sản phẩm giáo dục vô cùng tồi tệ”, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, trò chuyện với PV Tiền Phong.

Bạo hành cả tinh thần và thể xác

Ngành giáo dục trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc gây phẫn nộ dư luận, điển hình nhất là vụ ép cô giáo quỳ vừa qua tại trường tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Điều đó càng khiến dư luận quan ngại về công cuộc cải cách giáo dục hiện nay?

Qua theo dõi vụ việc trên báo chí, tôi cho rằng dư luận có lý do để họ phẫn nộ, giận dữ hướng đến cách hành xử của một số phụ huynh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chủ quản cũng đã lên tiếng, chỉ đạo xử lý vụ việc nhưng dường như câu chuyện đau lòng này vẫn chưa lắng xuống. Quả thật, ngành giáo dục thời gian vừa qua đã có nhiều vụ việc không hay lẫn không may xảy ra khiến cho bất kỳ ai quan tâm đến công cuộc cải cách giáo dục cũng đều băn khoăn lo lắng, rất buồn và đáng suy ngẫm.

Hiện tại, dư luận phần lớn bức xúc theo hướng lên án đối với hành vi ép cô giáo quỳ gối như một cách trả thù, thỏa mãn tâm lý giận dữ của một số vị phụ huynh vì thương con, xót con. Không ít ý kiến của người lớn đồng thuận, chấp nhận việc giáo viên có quyền sử dụng các hình phạt với con em mình ở lớp học, miễn là với mục đích giáo dục bọn trẻ nên người.

Nhiều người còn so sánh với hình phạt của thầy cô ngày xưa, có khi bị đòn roi còn nặng nề hơn. Tôi không phản đối lối suy nghĩ này, ở từng thời kỳ, giai đoạn khác nhau sẽ có những suy nghĩ, nhận thức khác nhau về định hướng phát triển con người. Nhưng khi quyền trẻ em đang ngày càng được đề cao, được thể chế hóa một cách đầy đủ, cụ thể trong luật trẻ em thì chúng ta cần phải hướng đến xây dựng phương cách giáo dục tiến bộ, phù hợp với nhà nước pháp quyền.

Là người đang phụ trách lĩnh vực trẻ em, bình đẳng giới và công tác xã hội về trẻ em, ngoài những tranh luận về giáo viên và phụ huynh, chắc hẳn bà quan tâm nhiều hơn đến các em học sinh phải chịu hình phạt từ cô giáo?

Sự việc vừa rồi, cá nhân tôi lại nhìn nhận theo hướng soi chiếu pháp luật bảo vệ quyền trẻ em, quyền con người trong bối cảnh của nền giáo dục ở nước ta hiện nay. Tôi cứ nghĩ đến những em học sinh phải chịu hình phạt của cô giáo. Tôi quan tâm đến ánh mắt, suy nghĩ của những đứa trẻ khi chứng kiến, hay được nghe cảnh cô giáo mình phải quỳ gối trong lớp học hôm ấy. Nó chẳng khác nào cả cô lẫn trò đang phải cùng gánh chịu một hình phạt còn ghê gớm hơn đòn roi, đó là bạo hành về tinh thần, ngược đãi về thể xác.

Ép cô giáo quỳ và lo ngại về cải cách giáo dục ảnh 1 ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền: Trong môi trường giáo dục, học sinh đến lớp để đón nhận tri thức, giáo viên đến lớp để truyền tải kiến thức, kỹ năng, những điều hay lẽ phải. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Cá nhân tôi nghĩ rằng, cho dù là ai, người lớn hay trẻ em, giáo viên hay học sinh phải quỳ gối trước bao nhiêu cặp mắt, tự nguyện hay ép buộc cũng là một hành động không thể chấp nhận được. Ai theo dõi, chứng kiến đầy đủ sự việc từ đầu đến cuối, từ nguyên nhân đến hậu quả thì tôi chắc rằng, ít nhiều gì cũng sẽ cảm thấy đau lòng, tùy mức độ khác nhau. Và sự tổn thương của trẻ em hay người lớn trong phạm vi của vụ việc này, rất cần thiết phải đặt ngang nhau. Đấy là chưa xét đến khoa học về tâm lý con người, trẻ em là đối tượng dễ tổn thương tâm lý nhất.

Nghĩa là trong sự việc này, có một cách nhìn thiếu công tâm giữa việc cô giáo phải quỳ với bản thân học sinh cũng phải quỳ?

Đúng vậy. Tại sao giáo viên sai và bị ép quỳ được xem là hạ nhục, vi phạm quyền con người, còn học sinh sai bị phạt quỳ trước mặt các bạn mình lại được dễ dàng chấp nhận, bỏ qua? Cùng một hành vi nhưng một cái được gọi là trừng phạt, một cái thì gọi là xử phạt. Một bên được xem là nạn nhân, một bên thì không. Tôi cho rằng, cần phân định rạch ròi và công tâm giữa hình thức kỷ luật tích cực với kỷ luật tiêu cực, giữa xử phạt và trừng phạt. Nếu không khéo sẽ dẫn đến sự xung đột về quyền con người, quyền trẻ em trong lĩnh vực giáo dục và cả những lĩnh vực khác có liên quan đến trẻ em.

Luật pháp đã quy định rất rõ về quyền con người, quyền và bổn phận của trẻ em, luật cũng quy định những hành vi nghiêm cấm, trong đó có quy định nghiêm cấm xâm hại, bạo lực, ngược đãi trẻ em. Chính phủ cũng đã quan tâm ban hành nhiều chương trình quốc gia về trẻ em như: Chương trình bảo vệ trẻ em, chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ... Nhưng rồi, khi sự việc nào đó có liên quan đến trẻ xảy ra, thì người lớn lại quên đi cách đặt mình vào trẻ em để lắng nghe chúng.  Chúng ta cần nhớ lại rằng, Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là quốc gia thành viên được xem là bản tuyên ngôn cơ bản về quyền con người, quyền trẻ em cũng chính là quyền con người.

Điều thứ hai mà tôi nghĩ đến và tự hỏi mình rằng, nếu như giáo viên kia là một thầy giáo, liệu có bị phụ huynh tạo sức ép phải quỳ gối 40 phút như vậy không? Tôi thật sự xót xa khi được biết rằng, cô giáo ấy vừa đi làm lại sau kỳ nghỉ chế độ thai sản. Tôi cũng rất phẫn nộ về cung cách quản lý và giải quyết sự việc của ban giám hiệu nhà trường, nội quy quy chế nhà trường để ở đâu mà ai muốn vào làm gì thì làm một cách ngang nhiên như thế? Tôi khẳng định rằng, đó không phải là câu hỏi thừa.

Những sự việc xảy ra gần đây cho thấy rằng, ở đâu đó trong xã hội này, sự vô cảm, phân biệt đối xử về giới vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của một bộ phận người dân. Sẽ vô cùng nguy hiểm nếu trong ngành giáo dục vẫn tồn tại việc nữ giới vẫn mặc nhiên là đối tượng yếu thế.

Không để “cúi đầu chấp nhận”

Từ câu chuyện quỳ gối trong giáo dục vừa qua, bản thân bà có lo ngại điều gì về môi trường giáo dục hiện nay đối với giới trẻ?

Trong môi trường giáo dục, học sinh đến lớp để đón nhận tri thức, giáo viên đến lớp để truyền tải kiến thức, kỹ năng, những điều hay lẽ phải. Đặt trong quan điểm phát triển con người một cách toàn diện, tôi cho đây là một mối quan hệ bình đẳng, công bằng, đó là cùng nhau xây dựng tri thức. Giáo viên và phụ huynh cùng có trách nhiệm xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, văn minh và phát triển. Trong khi ai cũng mong muốn hướng con người đến vẻ đẹp chân- thiện- mỹ, chúng ta không còn cách nào khác để ứng xử văn minh hơn hay sao?

Hành xử của người lớn có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi, lối sống, nhân cách của trẻ em. Với trẻ em, chúng ta bảo vệ chúng một cách xuê xoa, dễ dãi trước pháp luật. Với người lớn, chúng ta lại tự bảo vệ quan điểm và hành động của mình bằng cách đổ lỗi cho nhau hoặc do các yếu tố bên ngoài, do hệ thống pháp luật và trách nhiệm cao nhất vẫn thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Giáo dục là sự cộng hưởng trách nhiệm và nỗ lực của cả gia đình, nhà trường và xã hội.

Liệu rằng, chúng ta giáo dục được gì cho thế hệ trẻ, khi có quyền đổ hết lỗi lầm cho trẻ em, khi người lớn hành xử với trẻ em và với nhau một cách tùy tiện trong một môi trường đề cao tính tôn nghiêm, tính kỷ cương, kỷ luật và trong một xã hội thượng tôn pháp luật như thế?

Vậy theo bà, đâu là những giải pháp cần phải thực hiện để bảo vệ quyền lợi chính đáng của trẻ em, để các em có thể trưởng thành trong một môi trường giáo dục, môi trường xã hội thực sự văn minh?  

Đã đến lúc chúng ta cần quan tâm hơn nữa việc thành lập cơ chế giám sát về quyền trẻ em, quyền con người mang tính độc lập phù hợp với thể chế của ta hiện nay và trong thực trạng pháp luật ở ta còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nhận thức, tư duy về phát triển con người vẫn mang nặng hình thức, thiếu tính khách quan và biện pháp mang tính khoa học.

Tôi rất mong các bộ ngành và các bên liên quan cần đề cao vai trò nghĩa vụ của mình trong việc giải trình, đề ra các biện pháp xử lý kịp thời, cụ thể trong từng vụ việc liên quan đến quyền lợi chính đáng của trẻ em. Cũng như thiết lập, hoàn chỉnh các cơ chế chính sách liên quan đến con người trong từng lĩnh lực do mình quản lý. Trong bất kỳ công việc nào, nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, ứng xử nhân văn phải được quan tâm đặt lên hàng đầu.

Cảm ơn bà.

Ép cô giáo quỳ và lo ngại về cải cách giáo dục ảnh 2

Một nền giáo dục nhân bản văn minh, một xã hội hiện đại thượng tôn pháp luật mà vẫn ngang nhiên tồn tại phương cách giáo dục nhiều nghịch lý, giữa hiểu biết pháp luật và hành xử, giữa nhận thức và hành động, không lấy con người làm trung tâm thì chắc chắn sẽ tạo ra những sản phẩm giáo dục vô cùng tồi tệ. Nhìn xa hơn, sẽ là một thế hệ yếu ớt, không đủ sức tự bảo vệ mình, chỉ biết cúi đầu chấp nhận sự vô pháp, một xã hội chỉ toàn là nạn nhân và chỉ biết đổ lỗi cho nhau.

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền

MỚI - NÓNG