Chả là một số nhà văn khi giao lưu với các luật sư và nhà làm bản quyền của Mỹ, cứ sùng sục nhờ tư vấn làm thế nào để ngăn chặn nguy cơ tác phẩm của họ bị nước Mỹ ăn cắp bản quyền. Ôi trời ơi muốn mất cắp trong nước còn khó - riêng văn chương. Có bạn đọc là quý lắm rồi. Tình cảnh phim nội ở Mỹ, Âu có lẽ cũng thế thôi.
Cũng mô-típ ra bên ngoài hội nhập, nghe kể vài văn sĩ đi đâu cũng giới thiệu mình là học viên xuất sắc nhất trường Viết văn Nguyễn Du. Nghe mãi bực mình nên văn hữu đi cùng bình luận “Đến Nguyễn Du có khi người ta còn chẳng biết là ai, nữa là sinh viên trường Nguyễn Văn Du”.
Xem một số phim dự giải Cánh Diều các năm qua, nhiều người trong nghề kêu lên: “Mỹ quá, trắng trợn quá”. Có phim còn đạo 100% phim Mỹ, vớ phải bộ phim nổi tiếng nên bị phát giác quá nhanh. Đây có khi không phải sự đáng yêu ngự ở đáy giếng mà nghe chừng ếch này là ếch đã thành tinh, giả đò chưa xem chưa thấy chưa nghe, giả chết bắt quạ. Cũng như vụ “Dòng máu...”, có thể Chánh Tín thừa hiểu lỗi không phải ở “Dòng máu...”, mà là ông cứ nói vậy thôi. “Là núi, mà lại không phải là núi, mà lại là núi”.
Trên máy bay chặng dài sang bên kia đại dương- chuyến đi mà tôi kể ở trên kia, một nhà thơ rủ rỉ: “Mình đi chuyến này, cả nước Mỹ nó nhìn vào đấy”. Tôi đáp: “Anh ơi, anh có biết nước Mỹ có bao nhiêu múi giờ không?!”. Lấy làm thú vị sao đó nên sau chuyến đi, Trần Mạnh Hảo thỉnh thoảng email tôi lại hehe hỏi thăm: “Thi bá dạo này thế nào, người mà cả nước Mỹ trông chờ vào ông ấy?!”.