Duy trì hòa bình ở biển Đông

Duy trì hòa bình ở biển Đông
TP - Chiều 9/10, tại các Hội nghị Cấp cao ASEAN với đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ, lãnh đạo các quốc gia nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế, duy trì hòa bình ở biển Đông…

> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hòa bình, ổn định ở Biển Đông
> Hình ảnh khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 23

Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 16: Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá cao kết quả hợp tác đạt được trong 10 năm qua, nhất là trong lĩnh vực thương mại với kim ngạch thương mại hai bên đã tăng gấp 7 lần, đạt 400 tỷ USD năm 2012, đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc.

Hai bên đề nghị cần tiếp tục nỗ lực triển khai Chương trình hành động giai đoạn 2011-2015, thực hiện hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc, phấn đấu đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 500 tỷ USD vào năm 2015.

ASEAN và Trung Quốc khẳng định tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết nêu trong DOC và Tuyên bố Cấp cao ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC, nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và biển Đông. Hội nghị hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc khởi động tham vấn chính thức ở cấp quan chức cấp cao về COC hồi tháng 9 tại Trung Quốc, và khẳng định hai bên cần thúc đẩy nỗ lực hướng tới COC.

Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ nhất: ASEAN đánh giá cao cam kết của Mỹ đối với khu vực cũng như khẳng định của Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực.

Hai bên nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác vì hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải và phát triển ở khu vực; hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, biến đổi khí hậu, phát triển và sử dụng bền vững nguồn nước ở Tiểu vùng Mekong... Trước mắt, cần tiếp tục nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động 2011-2015 và Kế hoạch Công tác Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư ASEAN-Mỹ, Kế hoạch Công tác Năng lượng ASEAN-Mỹ 2012-2014 và Sáng kiến Liên kết Kinh tế mở rộng; đồng thời cần phấn đấu để đưa quan hệ lên tầm đối tác chiến lược.

Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 16: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản, đánh giá cao kết quả triển khai Kế hoạch hành động 2011-2015 thời gian qua, đồng thời cam kết tăng cường nỗ lực sớm hoàn tất Hiệp định Thương mại Dịch vụ và Đầu tư, tạo tiền đề xây dựng Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản.

Nhật Bản cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN và Sáng kiến Liên kết ASEAN, gia hạn Quỹ Liên kết ASEAN-Nhật Bản tới ngày 31/12, cũng như ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 16: Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh cần tiếp tục tăng cường thực hiện hiệu quả Kế hoạch Hành động giai đoạn 2011-2015 thực hiện Tuyên bố Đối tác Chiến lược ASEAN-Hàn Quốc, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như thương mại, đầu tư, du lịch… Đồng thời, phấn đấu đạt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại hai chiều lên 150 tỷ USD vào năm 2015, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác như kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển nguồn nhân lực, giao lưu nhân dân, ứng phó biến đổi khí hậu…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.