Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần nhìn Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là động lực để phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ của đất nước. Vì dự án có số vốn rất lớn do đó, cần kết hợp nội lực với sử dụng hợp lý vốn vay.
“Những gì Việt Nam làm được thì phải để Việt Nam làm, tránh trường hợp vay tiền nước ngoài xong rồi Việt Nam chỉ làm thầu phụ. Tư vấn cần tính toán khối lượng các thiết bị, phụ kiện để đặt hàng các đơn vị sản xuất thép ở Việt Nam. Không phải chúng ta nhập toàn bộ thép từ nước ngoài về, trong lúc chúng ta đủ sức làm. Cần hạn chế tối đa việc đi nhập, để tạo điều kiện hình thành nền công nghiệp trong nước”, ông Kiên nói.
Đơn vị tư vấn đề xuất lập Học viện đường sắt để đào tạo nhân lực cho triển khai xây dựng tuyến đường sắt tương lai. Tuy nhiên, chuyên gia đường sắt - GS Đỗ Đức Tuấn không đồng tình, vì cho rằng lãng phí. Trong khi cả nước đã có 3 trường đại học chuyên về đào tạo nhân lực giao thông vận tải, chỉ cần nâng cấp lên, không cần lập mới.
Ông Tuấn đồng thời đề xuất, cần phương án để Việt Nam có thể dần dần làm chủ công nghệ, tránh việc khi các nước không còn sử dụng công nghệ đã bán, Việt Nam sẽ bị động... Ngoài ra, các chuyên gia cũng góp ý về phương án nhà nước đầu tư hạ tầng và cho tư nhân thuê lại, phương án đầu tư đường sắt mới thay vì nâng cấp đường sắt hiện hữu...
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu tư vấn: Nghiên cứu và chỉnh sửa báo cáo cho phù hợp với những góp ý tâm huyết của các chuyên gia; làm rõ tính khả thi của dự án, việc sử dụng vốn; Lộ trình đào tạo nhân lực, lựa chọn công nghệ; Phần nào Việt Nam làm được, phần nào phải nhập khẩu...
Theo đơn vị tư vấn, để quản lý, vận hành khai thác đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tương lai cần đào tạo khoảng 13.773 nhân lực. Trong đó, giai đoạn đầu (năm 2030), cần đào tạo khoảng 5.182 nhân lực; giai đoạn 2040 đào tạo thêm 7.659 nhân lực, giai đoạn 2050 đào tạo thêm 932 nhân lực... Dự kiến bắt đầu đào tạo từ năm 2027, để vận hành đường sắt vào năm 2030.
Về tiếp nhận công nghệ, phía tư vấn đề xuất khi ký hợp đồng mua công nghệ nước ngoài cần điều khoản nhà cung cấp phải xây dựng nhà máy liên danh với các công ty trong nước (như Trung Quốc, Ấn Độ đang áp dụng). Điều này sẽ giúp Việt Nam rút ngắn thời gian làm chủ công nghệ.