Đường sắt tặng suất ăn 'tiêu chuẩn hàng không' để kéo khách trở lại

Hiện nay, hành khách tự chuẩn bị thức ăn hoặc phải di chuyển đến toa dịch vụ trên tàu để dùng bữa. Ảnh Báo Giao thông
Hiện nay, hành khách tự chuẩn bị thức ăn hoặc phải di chuyển đến toa dịch vụ trên tàu để dùng bữa. Ảnh Báo Giao thông
TPO - Từ tháng 1/2018, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cung cấp suất ăn tiêu chuẩn hàng không cho hành khách. Bên cạnh những lời xì xào, “bắt chẹt”, bán cho khách như “cơm tù”, lãnh đạo tổng công ty này khẳng định chi phí suất ăn sẽ do đường sắt chi trả, không tăng giá vé nhằm thu hút khách quay về.

Đãi khách, không tăng giá vé

Từ tháng 1/2018, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cung cấp suất ăn tiêu chuẩn hàng không cho hành khách. Bên cạnh những lời xì xào, “bắt chẹt”, bán cho khách như “cơm tù”, lãnh đạo tổng công ty này khẳng định chi phí suất ăn sẽ do đường sắt chi trả, không tăng giá vé nhằm thu hút khách quay về.

Những ngày qua, thông tin ngành đường sắt cung cấp suất ăn cho hành khách đi tàu tạo ra nhiều thông tin trái chiều. Không ít ý kiến cho rằng, việc ngành đường sắt bán suất ăn vào giá vé làm cho hành khách không có lựa chọn, thậm chí, có ý kiến bình luận, đường sắt đang lặp lại “nạn cơm tù” như xe khách trước đây.

Trao đổi với Tiền phong, Chủ tịch Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) Vũ Anh Minh cho hay: Chi phí suất ăn sẽ được tính vào giá vé nhưng ngành đường sắt sẽ chịu khoản chi phí này và không tăng giá đối với hành khách. Theo ông Minh, suất ăn là một trong những nỗ lực của Tổng Cty ĐSVN nhằm tăng chất lượng dịch vụ nhưng vẫn giữa nguyên, thậm chí hạ giá vé.

“Chúng tôi đã đóng mới các đoàn tàu, vệ sinh, cải tạo các nhà ga, đưa tiếp viên đào tạo tại các trường hàng không..., nay là cung cấp thêm suất ăn nhưng vẫn giữ nguyên giá vé. Mục tiêu của chúng tôi là tăng thêm các dịch vụ để thu hút khách, tăng sản lượng. Lợi nhuận trên một khách có thể giảm đi nhưng khi khách đông, chúng tôi có thể có lãi hơn” – ông Minh nói.

Ông Minh lý giải, việc chấm dứt cung cấp suất ăn trên tàu vào năm 2007 không đơn thuần vì khách không muốn sử dụng dịch vụ này của đường sắt lúc đó mà một phần do ngành đường sắt muốn tăng lợi nhuận/vé. “Đến nay, dù có nhiều cố gắng nhưng lượng khách vẫn giảm (hiện tỷ lệ vận tải của đường sắt chỉ chiếm chưa đến 1% - PV). Chúng tôi nhận thấy rằng, cái cần nhất là đông đảo khách đến với đường sắt chứ không phải lợi nhuận tối đa trên một hành khách” – ông Minh nói.

Trả lời câu hỏi, vì sao không giảm giá vé rồi để hành khách dành tiền tự lựa chọn, có mua suất ăn hay không như hàng không giá rẻ, ông Minh cho rằng: Hàng không có thời gian di chuyển trong 1 vài giờ, có người có nhu cầu ăn, có người không. “Còn đi tàu mất thời gian dài, hầu hết các hành khách đều có nhu cầu ăn khi đến bữa. Đó là lý do chúng tôi thực hiện đại trà” – ông Minh nói.  

Đường sắt tặng suất ăn 'tiêu chuẩn hàng không' để kéo khách trở lại ảnh 1 Một trong những suất ăn điển hình sẽ được "nhà tàu" cung cấp miễn phí

Hiện tại ĐSVN đã tiến hành xong quá trình đàm phán với đơn vị cung cấp là Cty cổ phần Dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco). Theo đó, suất ăn sẽ được cung cấp thí điểm trên 6 đoàn tàu SE (loại tàu chất lượng cao nhất hiện nay) trên tuyến Bắc - Nam. Trong ngày, tuỳ vào thời điểm, hành khách sẽ được cung cấp bữa ăn chính (giá trị 35.000 đồng) và bữa ăn phụ (25.000 đồng/suất). Bữa ăn chính gồm: Cơm ăn kèm đồ mặn (thịt, cá, trứng) hoặc cơm rang, mì xào, phở xào; mỗi phần có thêm canh, hoa quả, nước uống. Bữa phụ gồm bánh bao, xôi, bánh ướt hoặc cơm cuộn và nước uống. Thực đơn có tính đến yếu tố ẩm thực vùng miền, cho người ăn bình thường hoặc ăn chay. Ông Minh cho hay, do thời gian di chuyển trên tàu dài nên suất ăn cũng được tăng thêm khối lượng so với hàng không  

Đừng nên làm “lem nhem”

Qua khảo sát sơ bộ, nhiều hành khách hào hứng với kế hoạch mới của ĐSVN vì sẽ không còn phải “cơm niêu nước lọ” mỗi khi đi tàu hay phải di chuyển đến tận toa hàng ăn trên tàu để mua bữa cơm. Trả lời câu hỏi, “Anh/chị muốn được giảm giá vé hay nhận suất ăn mới của ngành đường sắt?”, chị Nguyễn Thị Ngân (nhân viên văn phòng tại toà nhà 60 Lý Thái Tổ mua vé tàu tại Ga Hà Nội) cho hay: Với mức giá tàu SE hơn 1 triệu đồng, nếu giảm vài chục nghìn không đáng kể. Nếu có suất ăn đảm bảo chất lượng sẽ tốt hơn”. Chị Hà, một hành khách có dịp đi tàu vào Quảng Bình dịp hè vừa rồi cũng cho biết việc có thêm suất ăn làm hợp lý vì với hơn 10 tiếng trên tàu, gia đình chị rất có nhu cầu dùng bữa tối luôn cho tiện.

Theo GS.TS Bùi Xuân Phong, Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải Đường sắt Việt Nam , việc ĐSVN “đãi” hành khách thêm các bữa ăn trên tàu là quyết định dũng cảm, hướng tới một dịch vụ văn minh. “Cảnh hành khách tự chuẩn bị bữa ăn trên tàu hay nhà tàu tự nấu ăn, bán trên tàu … là dịch vụ phù hợp với ngày trước. Nay, một bữa ăn gọn gàng, sạch sẽ, tiện dụng, khách giàu hay nghèo cũng ăn như nhau là một xu hướng văn minh. Vì vậy, tôi rất ủng hộ cách làm này” – GS Phong nói.

Tuy nhiên, ông Phong cho rằng, việc đường sắt cắt lợi nhuận trên một hành khách để tăng hành khách dù là một bước đi mang tính chiến lược nhưng nế  không quyết liệt sẽ phản tác dụng. “Bữa ăn của ngành hàng không trên đường bay Hà Nội – TP HCM gần đây đã kém hơn trước. Nếu ngành đường sắt trông chờ hoàn toàn vào chất lượng hàng không, không sâu sát, thực hiện một cách quyết liệt, coi xuất ăn làm cho có, với giá trị thấp sẽ tiếp tục thất bại” – GS.TS Bùi Xuân Phong cảnh báo.

Vì sao đường sắt không tự làm suất ăn ?

Nhiều cán bộ đường sắt cho hay, doanh thu sụt giảm, ĐSVN nên tự thực hiện việc chuẩn bị suất ăn cho hành khách? ông Vũ Anh Minh cho hay: ĐSVN muốn nhanh chóng đạt được chất lượng cao để thu hút khách thông qua một dịch vụ đã được khẳng định của Sasco. Thứ hai, do Sasco đã hoạt động cung cấp thức ăn từ lâu, máy móc thiết bị đã đủ khấu hao nên giá thành suất ăn hợp lý. Việc đường sắt đầu tư dây chuyền mới trong giai đoạn hiện nay không hiệu quả bằng thuê ngoài.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.