Trả danh hiệu để tự do?
Qua cổng làng Mông Phụ (xã Đường Lâm) không xa, gặp ngay bà Hà Thị Khanh-một trong số hộ dân quyết liệt trong câu chuyện trả danh hiệu năm trước.
Chưa kịp hỏi, bà nói luôn: “Thời đại các cụ, đến chúng tôi đều ở nhà cấp bốn, nhưng không thể bắt đời con tôi thế được. Dân tôi vẫn muốn xin trả lại làng cổ, vừa được cơi nới, làm chủ ngôi nhà, không bị cưỡng ép. Xây cái gì cũng suốt ngày bốn, năm anh thanh tra sùng sục, mất tự do”.
Miệng nói, tay bà chỉ đống sắt thép chất gần cổng bị dỡ phần tầng hai của ngôi nhà. “Nhà hai tầng bị phá bỏ giờ còn một tầng, chỉ còn một phòng ngủ. Bố mẹ con cái, cháu chắt chỉ có chừng 70m2 sinh hoạt”, bà Khanh tiếp. Đời sống dân có gì thay đổi so với một năm trước? “Từ khi dân đòi trả làng cổ thì nhúc nhích được một tẹo nhưng vẫn thắt chặt. Nếu các ông muốn giữ lại di tích, phải giãn dân, cho dân sự sống, có chỗ ở”, bà nói.
“Đất giãn dân, chúng tôi chỉ nghe, chưa được họp hành gì. Mà đưa tít vào đồi cách đây mấy cây số, đồng ruộng thì ngay đây. Khi chúng tôi vác được cái cày cái bừa, gánh được gánh phân đến ruộng thì chả phải làm nữa, vì quá ốm người rồi. Gia đình tôi vẫn muốn trả lại danh hiệu. Nếu muốn giữ lại nhà cổ thì tốt nhất đừng nói đến làng cổ nữa”, bà Vũ Thị Thu trả lời.
Bà Hà Thị Bích đưa đứa cháu nhỏ đi chơi, liền dừng xe đạp góp lời: “Giờ không cho làm nhà hai tầng thì ba cặp vợ chồng ở vào đâu”. Diện tích nhà những hơn 200m2, với tám người còn rộng chán so với thành phố? “Nông thôn chúng tôi còn lợn gà trâu bò phân gio, chúng tôi để vào đâu. Thóc gạo, lúa má nữa. Rồi củi đun toàn ở đồng mang về, chứ tiền đâu đun bếp ga”, bà tiếp. Bà Khanh phụ họa, do nhà quá chật, hai con trai bà Bích không dám lấy vợ.
Dân không được lợi
“Nhận danh hiệu làng cổ dân có được gì đâu, mất rất nhiều. Làm nhà không được, tiêu chí của nông thôn mới không được, đường quanh làng là đường đất, ruộng đồng không có gì đổi mới”, ông Phan Văn Lối nói.
Chúng tôi chờ từ sáng, tới gần trưa ông Lối mới đi cày về. Ngôi nhà cấp bốn chật hẹp là nơi ở của vợ chồng, con cái, nằm ven đường trục chính của làng. Đây cũng là tuyến đường được kiến nghị phải khống chế độ cao nhà.
Các hộ dân trên đều không phải nhà cổ, thuộc khu vực 1 của làng Mông Phụ, theo quy chế đưa ra không được phép xây nhà hai tầng. GS. Phan Huy Lê từng nêu quan điểm gay gắt: “Nếu ta cấp phép một lần thì chỉ vài tháng là xóa sổ di sản. Ai chủ trương xây dựng nhà hai tầng khu vực 1 là vi phạm luật. Nhưng phải giúp người dân giải tỏa bức xúc về chỗ ở, cải thiện đời sống sinh hoạt”.
Bức xúc của dân không phải vô căn cứ: Đến làng cổ, ngay khu vực 1 vẫn thấy những ngôi nhà hai tầng mới, quét ve vàng nổi bật so với không gian nhà cổ, nhà cũ xung quanh.
Nhiều người nói không biết gì về đất giãn dân, họ chưa được họp. “Các văn bản nhà nước quảng cáo đầy ra, dán ở nhà văn hóa đó thôi. Đất giãn dân đáp ứng nhu cầu đấy, nhưng lại gây khó dễ cho dân, vì xa dân quá lại không cắm khẩu mà phải đóng tiền, ai có nhu cầu phải đóng tiền mới được nhận đất, đắt đỏ nên chưa ai nhận”, ông Phan Văn Mun, 80 tuổi người trông đình Mông Phụ nói.
Nhà ông Mun không thuộc diện nhà cổ, gần 200m2, không đến nỗi bức xúc về chỗ ở. Tuy nhiên, ông cũng đồng quan điểm với nhiều hộ dân ở đây rằng chỉ các nhà cổ hưởng lợi: Những gia đình này có khách đến, buôn bán sản phẩm gia truyền như tương, chè lam, hoặc nhận nấu nướng cho khách, còn đại đa số là dân cày, chưa thấy hưởng lợi gì.
Ông Nguyễn Văn Hùng, sở hữu căn nhà cổ loại 1 khoảng 400 năm thừa nhận: “Sống trong di tích nhưng cấp trên chưa tuyên truyền cho dân hiểu và biết cách làm du lịch. Người Đường Lâm chậm tiếp cận phát triển du lịch, do nhận thức có phần hạn chế”. Ngoài 400 ngàn đồng hỗ trợ mỗi tháng, gia đình ông Hùng là một trong số ít nhà cổ khách ra vào tấp nập. Ngoài nghề làm chè lam gia truyền, ông nhận nấu những bữa cơm quê do khách đặt.
Tiền trong két, di sản hấp hối
Không chỉ dân kêu khổ, BQL làng cổ Đường Lâm cũng kêu...thành phố. “Đình Cam Thịnh chuẩn bị sập rồi, không ai dám hứa, tôi đứng ra hứa với dân, nên bây giờ tôi thành người nói dối. Thành phố duyệt 15 tỷ đồng nhưng chịu chết không thể giải ngân”, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng BQL di tích làng cổ Đường Lâm nói.
Được hỏi vặn tại sao không thể giải ngân, ông Sơn lí giải do một loạt cơ chế: Làng cổ không nằm trong 16 di tích do Hà Nội quản lý, nên không được nhận 100% vốn tu bổ. Thành phố chỉ cho 60%, còn lại huyện phải lo. “Huyện tôi thu được hơn trăm tỷ mỗi năm, lấy đâu tiền cho di tích”, ông nói.
Số tiền 15 tỷ đồng này thành phố hỗ trợ cho Sơn Tây tu bổ ba di tích, trong đó có đình Cam Thịnh. Tuy nhiên, theo lời ông Sơn, lãnh đạo thành phố có ý kiến rằng khi nào phê duyệt đề án thì mới được giải ngân. Địa phương trình ba lần rồi, nhưng lại vướng vì không tìm đâu ra nguồn vốn xã hội hóa. “Tiền đó thì để lãng phí từ tháng 1 đến nay. Trong khi đó, Chủ tịch UBND thành phố làm việc với UBND TX. Sơn Tây, giao cho Sở Kế hoạch đầu tư giải ngân 15 tỷ trong quý 1, giờ gần hết quý 2 rồi mà tôi không thấy tiền đâu”, ông nói.
“Được giao rất nhiều quyền, nhưng tôi thực chẳng có quyền gì: Cơ chế giãn dân không có, tiền hỗ trợ cho dân không có. Chúng tôi thu phí theo quyết định của thành phố để phát triển du lịch, chứ không phải để phát cho dân năm nghìn, mười nghìn đồng”, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng BQL di tích Đường Lâm nói. Năm 2013, Đường Lâm thu hút khoảng 12 vạn khách, được 1,4 tỷ đồng tiền vé. Ngoài số tiền nhỏ chi cho các nhà cổ, dân luôn đặt nghi vấn về số tiền này.