Anh Phạm Văn Minh phản ánh, ngày 26/1, anh đưa cả gia đình trở lại Hà Nội, nên rất quan tâm tới tình hình ùn tắc giao thông các cửa ngõ của Thủ đô. Trước khi khởi hành, anh đã thử gọi tới số các đường dây nóng tiếp nhận, trả lời thắc mắc về giao thông theo công bố của cơ quan chức năng thời điểm trước Tết để hỏi.
Theo lời anh Minh, khoảng 13h30 anh gọi tới số điện thoại: 081.9115911 của Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nhưng 2 lần không có người nhận máy.
Sau đó, anh Minh gọi số 0995.67.67.67 của Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công An nhiều lần trong chiều cùng ngày nhưng chỉ nhận được trả lời của tổng đài: “Số máy quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau”.
Tiếp đó, anh Minh chuyển sang gọi số 069.2342608 cũng của Cục Cảnh sát giao thông. Cuộc gọi có người tiếp nhận, nhưng người nhận trả lời chỉ trực văn phòng nên không nắm rõ thực tế thời điểm đó các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô ra sao. Tuy nhiên, người trực khuyến cáo anh Minh có thể vào bản đồ số để xem trước, đặc biệt lưu ý các nút giao lớn giữa cao tốc đi vào nội đô lâu nay thường ùn tắc mỗi dịp cao điểm lễ, Tết.
Gần 15h chiều cùng ngày, anh Minh tiếp tục gọi tới số 081.9115911 của Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, lúc này có người nhận cuộc gọi, và trả lời chỉ tiếp nhận thông tin về các vấn đề phát sinh của người tham gia giao thông, không có thông tin về tình hình ùn tắc cửa ngõ Hà Nội để cung cấp.
Tình hình hoạt động của các đường dây nóng tiếp nhận, giải đáp thông tin giao thông dịp lễ, Tết luôn được nhiều người dân quan tâm, nhưng không phải lúc nào cũng liên lạc thuận lợi. Ảnh minh hoạ. |
Còn chị Nguyễn Thị Nga (quê Thanh Hoá) chia sẻ, chiều 26/1, chị cùng gia đình ra sân bay để vào lại TPHCM sau kỳ nghỉ Tết, trên đường đi mới nhớ ra quên giấy khai sinh của con. Khi đó, chị Nga đã gọi tới số đường dây nóng của Cục Hàng không (Bộ Giao thông vận tải), số 0916.562.119. Sau vài hồi đổ chuông có người nhận máy và hướng dẫn cho chị Nga về trường hợp của mình.
“Người trực đường dây nóng của Cục Hàng không hướng dẫn, giấy tờ cá nhân của từng hành khách, kể cả với giấy khai sinh cho trẻ em để kiểm tra khi lên máy bay là quy định bắt buộc, không thể thiếu. Do đó, nếu gần nhà nên quay lại, hoặc nhờ người nhà đưa ra. Trường hợp đã tới sân bay có thể liên hệ an ninh sân bay hoặc đại diện hãng hàng không ở sân bay để được hướng dẫn, hoặc hỗ trợ chuyển vé sang các chuyến sau để bổ sung giấy tờ”, chị Nga thuật lại.
Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, tính từ ngày 20-25/1 (tức từ 29 tháp Chạp năm Nhâm Dần tới mùng 4 tháng Giêng năm Quý Mão), đường dây nóng của cơ quan này (số 081.9115911) đã tiếp nhận 26 cuộc gọi và tin nhắn gửi tới. Trong đó, ngày có nhiều phản ánh nhất là 29 Tết, với 8 cuộc gọi và tin nhắn. Các phản ánh tập trung vào tình hình hoạt động của xe khách, tai nạn, tình hình ùn tắc… các phản ánh sau đó đã được chuyển tới các cơ quan chức năng để xác minh và xử lý kịp thời.