Ở Hà Nội hiện nay có 2.700 trường học, chính vì vậy việc kiểm soát bạo lực học đường cũng có khó khăn riêng. Ông Kiều Cao Trinh- Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Hà Nội) thông tin, ngoài đường dây nóng 111 của Bộ LĐTBXH trực 24/24, Sở GD&ĐT Hà Nội có hai đường dây nóng, một là của văn phòng Sở và hai là của phòng chính trị tư tưởng. Ngoài ra, còn địa chỉ email cũng công bố để cho các nhà trường, học sinh biết, nếu có vấn đề nào gửi vào email thì các vấn đề nào cũng có thể xử lý được. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, tổng số cuộc gọi đến đường dây nóng chưa thể tổng kết hết được.
“Trong tuần sau, Sở có văn bản hướng dẫn các nhà trường xây dựng kế hoạch phòng chống bạo lực học đường. Bây giờ phải cầm tay chỉ việc, đề nghị hiệu trưởng nhà trường xây được kế hoạch để thực hiện phòng chống bạo lực học đường, không phải phòng chống cho học sinh mà còn phòng chống cho giáo viên, cán bộ công nhân viên, bạo lực học đường không chỉ dừng ở việc đấm đá mà còn có bạo lực về tinh thần, thể chất”- ông Trinh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng theo ông Trinh, đường dây nóng thông tin về bạo lực học đường nhưng không hẳn chỉ được nhận thông về vấn đề đó. Đường dây nóng tiếp nhận tất cả những gì diễn ra hàng ngày diễn ra của các nhà trường. Đó có thể là thông tin về ùn tắc giao thông ở cổng trường, thậm chí những thông tin nặc danh,…
Các vụ đánh nhau, tung clip giảm đi?
Ông Kiều Cao Trinh- Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho rằng, trong thời gian qua, những vụ việc bạo lực học đường như học sinh đánh nhau quay clip, tung lên mạng đã giảm đi rất nhiều so với thời điểm năm 2012 trở về trước.
Những vụ nổi cộm vừa qua có vụ giáo viên đánh học sinh ở Huyện Ứng Hòa thì đã báo cáo UBND thành phố và được nói trong họp báo của ban tuyên giáo thành ủy. Hay vụ giáo viên cho học sinh tát bạn ở trường Tiểu học Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội thì UBND Quận đang tiến hành kiểm tra, xá minh, trong cuộc họp báo tháng 1 ở thành ủy Hà Nội cũng sẽ được nêu ra.
Ông Trinh cho rằng, các vụ bạo lực học đường bây giờ không giấu được và khi bung ra sự việc rất lớn: “Các trường khi có bạo lực học đường phải cung cấp chính xác và hiệu trưởng nhà trường phải thông tin và báo cáo và xử lý”- ông Trinh nhấn mạnh.
Ông Trinh cũng cho biết thêm, đối với Hà Nội, hiện đang triển khai bộ phận tham vấn học đường tại các trường. Từ các trường tiểu học đến THPT đều có bộ phận tham vấn tâm lý trong nhà trường với đầy đủ phòng tham vấn, cán bộ giáo viên.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã nhờ bên trường ĐH Sư phạm 1 tập huấn để cấp chứng chỉ theo đúng thông tư 31 của Bộ GD&ĐT.
Cũng theo ông Trinh, hiện tại, toàn Hà Nội có 1577 phòng tham vấn tâm lý trong các nhà trường và gắn nội dung về chống bạo lực học đường với hoạt động của học sinh.