Được tự chủ, học phí ngành Y tăng phi mã

Sinh viên Khoa Y dược, ĐH Quốc gia Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: Diệp An
Sinh viên Khoa Y dược, ĐH Quốc gia Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: Diệp An
TP - Các trường ĐH khối y dược vừa công bố đề án tuyển sinh 2020. Mức học phí dự kiến lên đến 70 triệu đồng/năm học đầu tiên đối với ngành Răng - Hàm - Mặt của trường ĐH Y dược TPHCM vừa công bố đã khiến nhiều “ứng viên” choáng váng nhưng các chuyên gia lại cho rằng đó là điều hợp lý.

Theo đề án tuyển sinh 2020 của trường ĐH Y dược TPHCM, so với mức thu hiện tại chỉ 1,3 - 1,4 triệu đồng/tháng, tương ứng 13 - 15 triệu đồng/năm, học phí dành cho sinh viên khóa mới của Trường ĐH Y Dược TPHCM từ năm 2020 tăng gấp nhiều lần: với ngành  Răng - Hàm - Mặt lên tới 70 triệu đồng/năm, ngành Y khoa là 68 triệu đồng/năm, ngành Kỹ thuật phục hình răng là 55 triệu đồng/năm, ngành Dược học là 50 triệu đồng/năm.

Các ngành Điều dưỡng, Điều dưỡng chuyên ngành hộ sinh, Điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng là 40 triệu đồng/năm; ngành Y học dự phòng và Y học cổ truyền 38 triệu đồng/năm; ngành Dinh dưỡng và Y tế cộng đồng thấp nhất, 30 triệu đồng/năm. Nhà trường cũng công bố, học phí các năm tiếp theo dự kiến sẽ tăng 10%. Với ngành có học phí cao nhất Răng - Hàm - Mặt, tổng thời gian học 6 năm, một sinh viên sẽ phải đóng khoảng 539,8 triệu đồng học phí.

Học phí nhóm ngành y khoa ở nhiều trường ĐH khác cũng ở mức khá cao. Học phí Khoa Y - ĐH Quốc gia TPHCM áp dụng cho khóa tuyển sinh 2020-2021 (dự kiến) chất lượng cao như ngành Y khoa là 60 triệu đồng/năm, Dược học 88 triệu đồng/năm, ngành Răng - Hàm - Mặt 55 triệu đồng/năm.

Tại trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hiện đang thu hai mức học phí. Theo đó, sinh viên không có hộ khẩu ở TPHCM sẽ phải đóng học phí cao hơn, 605.000 đồng/tín chỉ, tương đương 23,6 triệu đồng/năm/sinh viên. Sinh viên có hộ khẩu TPHCM sẽ đóng 305.000 đồng/tín chỉ, tương đương 11,8 triệu đồng/năm.

Đối với các trường ngoài công lập, ngành Y cũng là ngành có học phí đắt đỏ nhất so với ngành còn lại.

Hiện ĐH Y Hà Nội và ĐH Y dược Phạm Ngọc Thạch chưa được tự chủ nên mức học phí vẫn tuân theo Nghị định 86 của Chính phủ.

Trước thông tin này, thầy Vũ Khắc Ngọc, một giáo viên dạy Hóa tại Hà Nội khuyên thí sinh cần đặc biệt lưu ý vấn đề học phí khi làm hồ sơ đăng ký xét tuyển. Vì cơ chế tài chính của các trường ĐH hiện nay rất đa dạng, nếu không tìm hiểu kỹ, tới lúc vào trường sẽ rất khó để thay đổi.

Có chính sách cho sinh viên nghèo, học giỏi

Theo thông tin từ Trường ĐH Y Dược TPHCM, tổng nguồn thu hợp pháp của trường năm 2019 là 225,8 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước cấp cho đào tạo ĐH là 90,8 tỷ đồng, trường phải thu học phí 134,936 tỷ đồng. Với số kinh phí này, tổng chi phí đào tạo trung bình cho 1 sinh viên là 22,9 triệu đồng/ năm.

Đại diện nhà trường cho biết, tính đến thời điểm này, Trường ĐH Y Dược TPHCM thu 13 triệu đồng/năm vì phần lớn chi phí để đào tạo sinh viên được ngân sách Nhà nước hỗ trợ, chứ không phải đào tạo 1 sinh viên chỉ tốn có bằng đó tiền.

Nhưng bắt đầu từ tháng 1/2020, trường ĐH Y Dược TPHCM không nhận ngân sách Nhà nước, phải tính toán lấy thu bù chi để hoạt động và phát triển. Vì vậy bắt buộc phải tăng học phí.

Cũng theo đại diện nhà trường, có những ngành đòi hỏi chi phí đào tạo cao như ngành Răng - Hàm - Mặt phải hơn 100 triệu đồng/sinh viên/năm, bởi mỗi sinh viên sẽ trực tiếp thực hành trên một máy riêng cùng với chi phí nguyên vật liệu khác. Dù vậy, nhà trường phải cân nhắc bởi nếu thu đúng như vậy liệu có sinh viên theo học và có làm tròn trách nhiệm của trường không. Do đó, trường quyết định vẫn bù lỗ và đưa ra mức thu 70 triệu đồng/năm.

Đại diện nhà trường khẳng định, luôn có chính sách hỗ trợ, đảm bảo không có sinh viên nghèo, học giỏi trúng tuyển mà bị bỏ lại. Theo quy định, các trường phải  dành 8% nguồn thu làm quỹ học bổng nhưng Trường ĐH Y dược TP HCM thường trích lại tới 10%. Quỹ học bổng này cùng với sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, đơn vị bên ngoài sẽ dùng để hỗ trợ sinh viên học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn.      

Đào tạo sinh viên ngành y tốn gấp 5 lần

Trao đổi với PV, PGS- TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TPHCM cho biết: “Do trường thực hiện tự chủ nên học phí tăng song chỉ dành cho sinh viên khóa mới, đối với sinh viên các năm trước không thay đổi”. 

Ông Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, trường cũng đã đề xuất UBND TPHCM tăng học phí từ mức 13 triệu đồng/ năm/ sinh viên lên mức 30 triệu đồng song chưa được phê duyệt. Theo ông Xuân, mặt bằng chung ở quốc tế, đào tạo một sinh viên ngành y tốn gấp 5 lần chi phí so với sinh viên các ngành khác và Việt Nam cũng không ngoại lệ. “Mức học phí ngành y 30 triệu/ năm/ sinh viên là mức tối thiểu để trường tồn tại và may mắn lắm là tạm thời phát triển”, ông Xuân nói.

NGUYỄN DŨNG

Theo GS.TS Phùng Đắc Cam, chuyên gia đầu ngành vi sinh lâm sàng Việt Nam, cho biết: “Hiện nay, các nước phát triển trên thế giới, không còn nước nào đào tạo bác sĩ 6 năm như Việt Nam. Thậm chí ngay tại nước láng giềng như Thái Lan cũng đào tạo theo tiêu chuẩn của Âu - Mỹ. Vì vậy du học sinh Việt Nam hầu như không bao giờ có cơ hội xin học bổng ngành Y vì yêu cầu đòi hỏi rất cao”.

MỚI - NÓNG