Ít nhất, thế giới đã biết đến Việt Nam làm ô tô
Mấy ngày nay, dư luận trong và ngoài nước không khỏi xôn xao bàn tán về việc lần đầu tiên trong lịch sử nền công nghiệp ô tô Việt Nam có một thương hiệu Việt - VinFast tham dự một trong những triển lãm ô tô lâu đời và nổi tiếng nhất thế giới - Paris Motor Show 2018 (Pháp).
Hai mẫu xe VinFast mang đến triển lãm này đều dưới dạng xe concept (xe ý tưởng) để trưng bày, nhằm ra mắt thương hiệu đồng thời thăm dò thị hiếu người tiêu dùng.
Đến nay, giá bán dự kiến của hai mẫu xe này tại thị trường Việt Nam vẫn chưa được VinFast tiết lộ. Tuy nhiên, nhìn qua thông số kỹ thuật, hình ảnh nội, ngoại thất của xe, giới sành xe Việt Nam và quốc tế đều nhận định VinFast hướng đến phân khúc tiệm cận cao cấp, dành cho khách hàng doanh nhân, thu nhập cao, giá xe phải trên 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Đồng - Thạc sĩ chuyên ngành ô tô từng có thời gian dài làm việc cho một tập đoàn xe hơi tại Đức, cho rằng, VinFast chọn hướng đi khác biệt các doanh nghiệp trước khi bắt đầu bằng cách hợp tác với các đối tác chiến lược như công ty thiết kế của Ý hay tập đoàn BMW… Đây cũng là một xu hướng được nhiều hãng xe trên thế giới áp dụng, nhưng vấn đề đặt ra là làm sao thừa hưởng, tận dụng được công nghệ từ các đối tác để tự mình đưa vào sản xuất, tạo ra sản phẩm phù hợp với số đông mới khó.
Thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), 8 tháng đầu năm 2018, các DN thiên về lắp ráp ô tô trong nước như Trường Hải, Hyundai Thành Công đang dẫn đầu thị phần ô tô tại Việt Nam. Trong đó, Trường Hải dẫn đầu (chiếm 31,8%), Hyundai Thành Công đứng thứ 2 với 19,35%. Toyota tụt xuống vị trí thứ 3 do hãng chuyển sang nhập khẩu xe nhiều hơn nhưng lại bị ảnh hưởng từ Nghị định 116.
Trường Hải và Hyundai Thành Công có lợi thế khi không ngừng đầu tư mở rộng quy mô nhà máy, đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm theo định hướng phát triển công nghiệp ô tô trong nước.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, VinFast có rất nhiều yếu tố để thành công, trong đó quan trọng nhất là sức mạnh từ tiềm lực tài chính . Ngoài ra, VinFast cũng đã huy động được đội ngũ nhân sự cao cấp (bổ nhiệm ông Võ Quang Huệ, cựu CEO Bosch Việt Nam là người am hiểu về ngành ô tô làm Phó Tổng Giám đốc; bổ nhiệm ông James B.DeLuca - cựu Phó Chủ tịch điều hành hoạt động sản xuất toàn cầu General Motors làm Tổng giám đốc VinFast...).
Hơn nữa, bằng việc thâu tóm toàn bộ hệ thống đại lý của General Motor Việt Nam (GM Việt Nam) với 22 đại lý, và hàng trăm điểm du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn Vingroup cùng cơ sở hạ tầng hiện có, VinFast có thể nhanh chóng xây dựng được mạng lưới đại lý dày đặc, cạnh tranh với các “ông lớn” như Toyota, Trường Hải, Hyundai Thành Công.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cũng cho rằng, với việc mua lại GM Việt Nam, khả năng VinFast sẽ mở rộng sản xuất sang phân khúc xe giá rẻ, đáp ứng đa dạng nhu cầu người người tiêu dùng Việt Nam.
Cùng với các chính sách giảm thuế, miễn thuế cho linh kiện nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các sản phẩm ô tô sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam trong tương lai sẽ có giá hợp lý hơn, cạnh tranh với xe nhập khẩu. Ông Hiếu tin rằng VinFast cũng như công nghiệp ô tô trong nước sẽ đầy tiềm năng để phát triển. Giấc mơ sở hữu ô tô giá hợp lý made in Vietnam sẽ không còn xa.
Tháng 6/2018, VinFast đã ký biên bản ghi nhớ với AAPICO đến từ Thái Lan, để thành lập nhà máy liên doanh sản xuất thân vỏ xe. AAPICO là nhà cung cấp phụ tùng liên quan đến vỏ xe cho các hãng nổi tiếng như Ford, Honda hay Nissan,...
Trong gần một năm qua kể từ khi khởi công xây dựng nhà máy, VinFast đã bắt tay với nhiều đối tác quốc tế như BMW, Magna Steyr, AVL, Pininfarina, EDAG, Bosh, Siemens… để hợp tác phát triển mảng sản xuất ô tô, xe máy. “Thỏa thuận với General Motors là nhân tố quan trọng để triển khai đúng kế hoạch ra mắt năm mẫu xe VinFast vào năm 2019”, Tổng giám đốc VinFast, ông James DeLuca cho biết trong thông cáo báo chí.