Sau 4 năm triển khai mô hình dạy học VNEN ở cấp tiểu học, đã có hơn 2.500 trường tham gia. Năm học 2015-2016, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai mô hình lên cấp THCS. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hiển nhận định: Chúng tôi thấy mô hình mới phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Mô hình này và mô hình nhà trường truyền thống đều cùng chung mục tiêu đánh giá học sinh. Chỉ có cách làm là khác nhau. Trong mô hình VNEN tăng cường cho học sinh tự quản, tăng cường giao tiếp, tăng cường năng lực diễn đạt.
Nhiều trường khi triển khai mô hình trường học mới gặp không ít khó khăn. Bộ có hỗ trợ gì với các trường này?
Những khó khăn của các trường khi triển khai mô hình trường học mới Bộ đã hình dung được trước. Quan trọng là khi đi kiểm tra, chúng tôi thấy họ nhận thức được ưu điểm của mô hình. Còn cái khó chỉ nảy sinh khi làm. Trước khi triển khai về các địa phương, ngành đã tập huấn, cho đi học tập ở nơi làm tốt. Đối với lớp 6 năm nay, các em cơ bản chưa học mô hình VNEN từ lớp 5 nên có bỡ ngỡ. Bộ sẽ tiếp tục theo dõi, giúp đỡ để có những buổi tập huấn không chỉ riêng cho các giáo viên mà cả cán bộ quản lý để họ biết tạo điều kiện cho giáo viên, vận động phụ huynh học sinh ủng hộ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển
Một số giáo viên thừa nhận, không ít bài giảng mới ngay cả giáo viên cũng chưa hiểu hết. Ông có bất ngờ về việc này?
Đấy cũng là chuyện bình thường thôi. Vì khi dạy theo mô hình trường học mới sách mà giáo viên chưa hiểu được cặn kẽ là do chưa phù hợp với từng địa phương. Có nhiều tình huống khi dạy sẽ xuất hiện và buộc giáo viên phải lường trước học sinh sẽ hỏi gì để tự tìm tòi tài liệu. Cũng có trường hợp giáo viên không lường trước được để trả lời ngay. Mỗi giáo viên có sổ chuyên môn đánh giá từng năm, qua đó kinh nghiệm cũng sẽ dày lên. Bộ cũng tạo điều kiện cho giáo viên có thể thay đổi những dữ liệu, bối cảnh để phù hợp thực tế dạy học trong sách hướng dẫn. Ngoài ra, mô hình “Trường học kết nối” sẽ là nơi giáo viên trên toàn quốc trao đổi chuyên môn với nhau rất tốt.
Trong chương trình mới, phụ huynh có vai trò quan trọng hướng dẫn con học. Tuy nhiên thời gian, năng lực của một số phụ huynh lại có hạn, thưa ông?
Tôi nghĩ, khi con đi học, phụ huynh phải đến thăm lớp học để biết con em đang học như thế nào. Phụ huynh cũng phải đọc sách học sinh để biết yêu cầu về nhà con học cái gì để giúp đỡ con. Không chỉ đọc cho biết, cha mẹ cũng phải nâng cao năng lực lên để gợi ý, hướng dẫn con cùng học chứ không có chuyện trăm sự nhờ thầy như trước.
Bộ đã có hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá học sinh ở cấp THCS khi áp dụng mô hình trường học mới chưa?
Năm nay Bộ đã có hướng dẫn về đổi mới kiểm tra, đánh giá. Tinh thần chung cởi mở hơn theo nguyên tắc chuyển từ trọng tâm đánh giá kết quả học sinh nắm đến đâu sang đánh giá xem học sinh đang thiếu chỗ nào để giúp học sinh học tốt hơn. Điều này, khi vận dụng vào điều kiện cụ thể cách đánh giá cũng sẽ khác nhau. Đối với trường THCS, ví dụ khuyến khích đa dạng hóa hình thức kiểm tra, đánh giá. Có thể học sinh báo cáo chuyên đề, có thể học sinh có sản phẩm dự án học tập, có thể học sinh đi tham quan rồi về viết bài thu hoạch. Cách đánh giá này nghiêng về đánh giá năng lực hơn là chỉ chú trọng kiến thức.
Sau nhiều năm không chấm điểm, có ý kiến cho rằng lứa học sinh lên lớp 6 năm nay chất lượng giảm sút hơn?
Nếu chỉ nhìn vào mấy điểm số đầu năm mà nói chất lượng học sinh kém hơn là không đúng! Tôi đảm bảo kiến thức học sinh lớp 5 theo lên lớp 6 năm nay không yếu hơn mà có thể các em chưa có kỹ năng làm các bài kiểm tra. Hơn nữa, đánh giá chất lượng giáo dục hiện nay không chỉ chú trọng kiến thức mà đòi hỏi phải hoàn thiện thêm cả các kỹ năng khác. Còn cứ muốn học sinh thật giỏi Toán, Tiếng Việt như cũ thì không phải quan niệm chất lượng giáo dục ngày nay.
Cảm ơn thứ trưởng!
Mô hình trường học mới VNEN xuất phát từ Colombia dùng dạy trong những lớp học vùng miền núi khó khăn theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Năm 2011-2012, Bộ GD&ĐT bắt đầu triển khai thí điểm mô hình này ở trường tiểu học với nguồn kinh phí viện trợ của Quỹ giáo dục toàn cầu đến nay đã có hơn 2.500 trường trên 63 tỉnh, thành tham gia. Năm học 2015-2016, Bộ tiếp tục nhân rộng mô hình ở cấp THCS với 1.600 trường đăng ký tham gia với tên gọi “mô hình trường học mới”.