Dùng dữ liệu vệ tinh để giám sát Trung Quốc xả lũ

TP - Vì Trung Quốc không cung cấp thông tin cụ thể về lưu lượng xả lũ, cơ quan khí tượng Việt Nam phải kết hợp sử dụng dữ liệu vệ tinh để nhận định. Cơ quan phòng chống thiên tai cảnh báo, mưa lũ những ngày tới có thể uy hiếp nhiều đoạn đê xung yếu.

Theo ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Sở Ngoại vụ Lào Cai chỉ thông báo về thủy điện Mã Đổ Sơn (Trung Quốc) xả lũ từ 9h đến 17h ngày 20/8. Tuy nhiên, lưu lượng xả lũ và thông tin xả lũ trên các sông khác những ngày tới không được phía Trung Quốc cung cấp.

Dùng dữ liệu vệ tinh để giám sát Trung Quốc xả lũ ảnh 1 ơ quan phòng chống thiên tai cảnh báo, mưa lũ có thể gây ra hàng loạt sự cố đê điều nghiêm trọng

Ông Long cho biết, để giám sát được lượng mưa bên ngoài biên giới và chủ động công tác dự báo thủy văn cho các sông xuyên biên giới, trong trường hợp không có thông tin về số liệu đo thực tế của các nước khác, Trung tâm đã vận dụng linh hoạt việc ước lượng lượng mưa từ số liệu vệ tinh. “Việc ước lượng qua vệ tinh này có nhiều sai số, nhưng đây là cách duy nhất để xác định lượng mưa tại khu vực không có số liệu đo thực tế trên lãnh thổ nước khác”, ông nói.

Theo ông Long, lúc 7h ngày 21/8, lưu lượng tại trạm Mạn Hảo (Trung Quốc), trạm đặt hạ lưu thủy điện Mã Đổ Sơn (cách biên giới Việt Nam khoảng 60-80km), giảm khoảng 600m3/s trong 12 giờ. Theo kết quả tính toán, lũ ở khu vực Lào Cai tăng lên không quá lớn trong 12 giờ.    

Cơ quan dự báo khí tượng cho biết, tại Lào Cai, khu vực đầu nguồn sông Thao (sông Hồng) trên lãnh thổ Việt Nam, vừa trải qua một đợt lũ với mực nước đỉnh lũ đạt 82,58m, trên BĐ2 là 0,58m vào 17h ngày18/8, sau đó xuống dần dưới BĐ1 vào trưa 20/8. Tuy nhiên, sau khi thủy điện Mã Đổ Sơn xả lũ ngày 20/8, mực nước tại Lào Cai đã lên lại và đạt mức 80,55m vào sáng 21/8, trên BĐ1 là 0,55m; sau đó xuống mức 79,69m vào 13h giờ 21/8, dưới BĐ1 là 0,31m. Dự báo trong 12 giờ tới, mực nước sông Thao tại Lào Cai tiếp tục xuống nhanh, tại Yên Bái sẽ lên lại và đạt mức BĐ2. Trên thượng nguồn sông Đà phía Trung Quốc, lưu lượng tại trạm Thổ Khả Hà giảm nhanh (700 m3/s) trong 24 giờ qua. Lưu lượng đến hồ Lai Châu trên sông Đà tiếp tục giảm.

Dự báo, từ chiều 21 đến ngày 22/8, khu vực Việt Bắc, Tây Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, riêng Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái có nơi trên 100 mm/24h. Do có mưa lớn, mực nước trên các sông, suối khu vực thượng lưu lưu vực sông Hồng-Thái Bình sẽ lên lại và xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1-3 m. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở nhiều địa phương, đặc biệt Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang.

Cảnh báo sự cố đê điều nghiêm trọng

 Ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT), cho biết, hiện nay, việc Trung Quốc xả lũ ở thủy điện Mã Đổ Sơn tác động không nhiều đến Việt Nam. Các tác động nếu có chủ yếu ở lưu vực sông Đà, còn ở hạ du sông Hồng, mức độ hạn chế hơn. Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng lúc 13h ngày 21/8 là 5,72 m, còn 3,78 m nữa mới đến mức BĐ1 là 9,5 m. “Tuy nhiên, việc tác động hạ du sông Hồng-Thái Bình, trong đó có Hà Nội thế nào còn phụ thuộc vào tình hình mưa lũ cũng như việc các hồ thuỷ điện ở Trung Quốc xả lũ ra sao”, ông nói.

Ông Quang lưu ý, mưa lũ những ngày qua ở miền núi phía Bắc đã làm 9 người chết, mất tích, đất đá ở nhiều nơi trong tình trạng “no” nước. Do vậy, nếu có thêm đợt mưa lớn nữa, nguy cơ về sạt lở, lũ quét sẽ rất cao, nên các địa phương không được chủ quan.

Theo ông Trần Công Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng chống thiên tai), kể từ đầu năm đã xảy ra 23 sự cố đê điều. Đặc biệt, những đợt lũ vừa qua gây ra một số sự cố nghiêm trọng, uy hiếp đến an toàn đê ở Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nội, Phú Thọ… Ông Tuyên lưu ý, tại Hà Nội có 16 vị trí trọng điểm rất nguy hiểm nếu xảy ra sự cố, đặc biệt là cống Cẩm Đình, cống Liên Mạc và cửa Xuân Canh.

Mới đây, sự cố sụt, sạt cống trạm bơm Tảo Khê, trên đê hữu Đáy (đê cấp IV), xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) khiến toàn bộ thân đê hữu Đáy phía trên cống bị sụt thành hố “tử thần”, sâu 8m, đường kính 10m. Địa phương đã lấp hố sụt và hoàn trả phần thân đê bị sụt. Mới đây, sự cố nứt dọc mặt đê, chân đê tả Đáy (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) dài tới 500 m khiến tỉnh này phải ban hành tình huống khẩn cấp khắc phục sự cố. Tuy nhiên, việc triển khai xử lý sự cố vẫn chưa được thực hiện.

Theo ông Tuyên, trong bối cảnh hiện nay, quan trọng nhất là địa phương cần huy động nguồn lực để xử lý ngay sự cố vừa qua. “Cần thực hiện nghiêm tuần tra canh gác đê điều trong mùa lũ, kịp thời phát hiện và xử lý từ giờ đầu, tránh để sự cố nhỏ nảy nở, có thể gây vỡ đê, gây thiệt hại nghiêm trọng”, ông nói.

Nội dung chú thích, diễn giải... “Việc ước lượng qua vệ tinh này có nhiều sai số nhưng đây là cách duy nhất để xác định lượng mưa tại khu vực không có số liệu đo thực tế trên lãnh thổ nước khác”. 

Ông Vũ Đức Long - PGĐ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia

MỚI - NÓNG